'Trường Xuân' - Phim tài liệu phơi bày sự tàn bạo của ĐCSTQ được công chiếu tại New York

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Trường Xuân" (Eternal Spring) là một bộ phim tài liệu hoạt hình, mô tả các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã chèn sóng truyền hình nói rõ sự thật về cuộc bức hại tàn khốc của ĐCSTQ. Tiếp nối các thành công trước đó, bộ phim đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của khán giả khi công chiếu tại New York hôm 14/10.

Hai thập kỷ trước, một nhóm công dân bình thường ở đông bắc Trung Quốc đã làm được một điều phi thường mà chưa người Trung Quốc nào từng làm được.

Ngày 5/3/2002, các học viên Pháp Luân Công đã chèn sóng thành công chương trình nói rõ sự thật về Pháp Luân Công trên 8 kênh truyền hình ở thành phố Trường Xuân. Họ đã phát sóng 2 bộ phim ngắn “Là tự thiêu hay trò lừa bịp” và “Pháp Luân Đại Pháp truyền bá ra thế giới” trên các kênh này.

Chưa đầy một giờ đồng hồ, họ không chỉ giúp cả trăm ngàn khán giả biết được sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại nước này, mà còn được chứng kiến cảnh ​​Pháp Luân Công được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau đó các học viên Pháp Luân Công liên quan đã ngay lập tức bị ĐCSTQ bức hại.

Hành động táo bạo từ mùa xuân năm 2002 là trọng tâm của bộ phim “Trường Xuân”, một bộ phim tài liệu điều tra được sản xuất công phu kéo dài sáu năm. Bộ phim kết hợp các cảnh quay hoạt hình với diễn viên thật và xen kẽ các đoạn phim tài liệu để kể câu chuyện về nhóm học viên Pháp Luân Công này, từ nguồn gốc của kế hoạch cho đến kết cục bi thảm của họ. Tiêu đề của bộ phim cũng là tên gọi của thành phố Trường Xuân, nơi diễn ra các sự kiện.

Bộ phim ra mắt vào tháng 3, nhân kỷ niệm 20 năm diễn ra sự kiện và cho đến nay đã nhận được 15 giải thưởng. Bộ phim đã được Canada lựa chọn để đại diện cho quốc gia này trong hạng mục Phim quốc tế hay nhất tại lễ trao giải Oscar 2023.

Ảnh của Epoch Times
Đạo diễn bộ phim Jason Loftus (thứ hai, bên phải) và họa sĩ chính Đại Hùng (thứ hai, bên trái) trong một buổi hỏi đáp sau buổi công chiếu phim tài liệu tại Diễn đàn Điện ảnh ở Manhattan, Thành phố New York, hôm 14/10/2022. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

Công chiếu tại New York

Ở thành phố New York, bộ phim đã cháy vé hai đợt công chiếu kể từ khi ra mắt vào ngày 14/10 tại Diễn đàn Điện ảnh Manhattan. Rạp chiếu phim rất hài lòng với sự đón nhận của khán giả đến nỗi họ tiếp tục công chiếu thêm một tuần nữa, đến hết ngày 27/10.

Ông Peter Tomczyk, con trai của hai người nhập cư Ba Lan, nói với tờ The Epoch Times: “Bộ phim thực sự thấm sâu vào tâm hồn tôi”.

“Quý vị cần phải xem những bộ phim như thế này", anh nói và mô tả bộ phim tài liệu như một “ánh sáng tuyệt đẹp” về tính nhân văn của những người có đức tin tham gia vào bộ phim.

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Sau khi được phổ truyền ra công chúng vào năm 1992, môn tập này đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc. Vào những năm 1990, số liệu thống kê của chính phủ ước tính môn tập này có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học.

Thế nhưng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại xem sự phổ biến này là một mối đe dọa, vì vậy vào tháng 07/1999, đảng này đã khởi động một chiến dịch bức hại nhắm vào Pháp Luân Công. Kể từ đó, nhiều học viên đã bị đưa vào các trại lao động, nhiều người đã thiệt mạng vì bị tra tấn, gia đình ly tán.

Việc chèn sống truyền hình đã làm rung chuyển Trung Quốc và ĐCSTQ đã phát động một cuộc đàn áp điên cuồng. Trong vòng 20 ngày, hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ bất hợp pháp ở Trường Xuân.

Ít nhất 6 học viên Pháp Luân Công có liên quan đến nỗ lực này đã thiệt mạng dưới tay cảnh sát trong 10 ngày đầu tiên sau sự kiện chèn sóng truyền hình, theo tờ Minh Huệ (Minghui.org), một trang web có trụ sở tại Mỹ chuyên đăng tải các thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Trong số những người tham gia vào bộ phim, chỉ có một người thoát khỏi Trung Quốc thành công sau 10 năm tù đày. Hầu hết những người khác đã chết trong tù hoặc qua đời ngay sau khi được trả tự do.

Ảnh của Epoch Times
Nghệ sĩ Đại Hùng trong bộ phim tài liệu "Trường Xuân", kể về câu chuyện của các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã chèn sóng truyền hình nói rõ sự thật về cuộc bức hại tàn khốc của ĐCSTQ và những hậu quả sau đó. (Ảnh: Được sự cho phép của Lofty Sky Pictures)

Họa sĩ chính của bộ phim là Đại Hùng (Daxiong), cũng là một học viên Pháp Luân Công. Anh đã bị nhắm mục tiêu trong các cuộc truy quét của ĐCSTQ sau đó và buộc phải trốn khỏi quê hương Trường Xuân để sang Bắc Mỹ vào năm 2008.

Đại Hùng hiện là một họa sĩ truyện tranh nổi tiếng, là tác giả của các tiểu thuyết đồ họa của Liên minh Công lý và Chiến tranh giữa các vì sao. Anh cũng vào vai nhân vật chính trong phim tài liệu này. Khán giả theo dõi hành trình của anh và chắp nối các sự kiện từ 20 năm trước để hiểu về cuộc đời anh cũng như cuộc đời của vô số học viên Pháp Luân Công ở quê hương Trường Xuân.

Ngoài lối kể chuyện theo phong cách phim tài liệu này, Đại Hùng còn là nghệ sĩ chính của bộ phim. Cốt truyện sống động thông qua hình thức phim hoạt hình được khán giả đánh giá cao.

“Về mặt nghệ thuật, bộ phim thật ấn tượng. Và nghệ sĩ chính, anh ấy đã gắn kết mọi chi tiết lại với nhau", ông John Robinson, một nhà thần kinh học và người xem phim thường xuyên ở New Jersey, nói với The Epoch Times sau buổi công chiếu ngày 14/10.

EpochImages-9461029465
Các tài liệu quảng bá cho phim tài liệu “Trường Xuân” được trưng bày tại Diễn đàn Điện ảnh ở New York, vào ngày 14/10/2022. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

Lên tiếng cho những người không thể

Đạo diễn của bộ phim, Jason Loftus là người gốc Toronto. Anh lần đầu tiên biết đến Pháp Luân Công vào cuối những năm 1990 khi đang tìm hiểu về thiền định. Anh nói đó là một trải nghiệm hoàn toàn trái ngược với những gì anh đã nghe được từ những tuyên truyền của truyền thông nhà nước Trung Quốc. Vợ anh là người gốc Hoa, quê ở Trường Xuân.

Nghe chuyện Đại Hùng từng bị bắt ba lần vì niềm tin của mình trước khi đến Toronto, nhiều người không khỏi bị sốc. Họ đã khuyến khích anh Loftus và vợ mình kể lại câu chuyện này, vị đạo diễn nói với The Epoch Times.

Cặp đôi đã đồng ý. Vấn đề không chỉ là việc bức hại niềm tin của một cá nhân. Đúng hơn, đó rõ ràng là sự tàn bạo mà không ai có trách nhiệm giải trình và rất ít người biết về nó.

“Nếu chúng ta gặp tình huống mà mọi người không thể lên tiếng chỉ vì những ý tưởng của họ bị coi là những suy nghĩ sai lầm… thì nó có thể gây ra những hậu quả to lớn, không chỉ ở Trung Quốc", đạo diễn Loftus nói.

Anh lấy dẫn chứng về bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) làm việc tại Khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, người đã bị trừng phạt bởi chính quyền Trung Quốc vì đã cảnh báo các đồng nghiệp của mình về COVID-19 trong lần lan truyền đầu tiên ở Vũ Hán. Sau đó ông đã chết vì căn bệnh này.

Bác sĩ Lý chỉ cố gắng thông báo cho một vài đồng nghiệp rằng có một loại virus đang lây lan. "Ông ấy không cố gắng trở thành một người hùng mà chỉ muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cả thế giới", anh Loftus nói.

Bộ phim là một cam kết đầy tham vọng đối với một nhóm nhỏ độc lập, đặc biệt là với lối tường thuật độc đáo.

Một bộ phim hoạt hình thông thường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và được tổ chức nghiêm ngặt ngay từ trước khi bấm máy. Đạo diễn cần phải biết chính xác mình cần làm những gì. Còn trong một bộ phim tài liệu thì đạo diễn chỉ cần liên tục quay rồi chỉnh sửa và làm nổi bật câu chuyện, ông Loftus nói.

Nhưng kết hợp cả hai thể loại cùng một lúc mang lại “một ẩn số lớn”. Đội ngũ sản xuất không biết trước được các tình tiết sẽ kết thúc ở đâu, hoặc liệu chúng có được đưa vào phim hay không, vị đạo diễn giải thích. Việc kết hợp khá khó khăn khi lồng những cảnh từ nhiều thập kỷ trước vào cuộc sống trong khi vẫn có thể giữ được cảm giác sống động và chân thực.

Ảnh của Epoch Times
(Từ trái sang) Đạo diễn kiêm đồng sản xuất Jason Loftus thảo luận về các vấn đề sản xuất với nghệ sĩ hoạt hình Đại Hùng trong "Trường Xuân" (Ảnh: Được sự cho phép của Lofty Sky Pictures/The Epoch Times)

Bên cạnh đó, sự nhạy cảm xung quanh bộ phim cũng mang đến một rủi ro khác. Trong quá trình sản xuất bộ phim, các nhà chức trách Trung Quốc đã liên hệ với đối tác kinh doanh của công ty của đạo diễn Loftus, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings.

“Họ hỏi chúng tôi, 'Các ông có làm điều gì không phù hợp với chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc' hay không?", ông Loftus cho biết và nói thêm rằng họ vừa phát hành một bộ phim khác về cuộc bức hại Pháp Luân Công có tên là "Ask No Questions".

Tencent đã rút khỏi vai trò đối tác sau khi bộ phim được công chiếu một ngày. Tuy nhiên, đây không phải là đối tác Trung Quốc duy nhất cắt đứt quan hệ với công ty của đạo diễn Loftus.

Một nhà phân phối Trung Quốc khác đã ngừng một thỏa thuận phân phối bộ phim trên nền tảng điện thoại di động. Ít nhất hai thành phố của Trung Quốc gần đây đã đưa Đại Hùng vào danh sách đen. Họa sĩ này đã xuất bản hơn 100 cuốn sách trước khi rời Trung Quốc, một số trong đó mô tả những người dân Trung Quốc thoái ĐCSTQ hoặc minh họa các sự kiện năm 2002 mà anh đã tận mắt chứng kiến.

Trong khi đó, các nhân viên an ninh Trung Quốc đã quấy rối các thành viên gia đình của vợ đạo diễn Loftus ở quê nhà. Họ đưa ra những lời đe dọa và nói rằng họ biết rõ đạo diễn Loftus đang làm gì, vị giám đốc cho biết.

“Họ không cho tôi biết chính xác những gì họ biết, và tôi nghĩ đó là một điều có chủ ý", ông Loftus nói.

“Họ đã biết những gì? Và sau đó trong đầu bạn bắt đầu nghĩ miên man: 'Chà, họ có biết điều này không? Họ có biết điều kia không?'. Và theo cách này, bạn sẽ tự kiểm duyệt chính mình về những điều mà họ thậm chí không biết rằng bạn đang làm".

Nhưng đạo diễn Loftus sẽ không bị khuất phục trước những nỗ lực đe dọa như vậy. Anh nói cần phải lên tiếng cho cả những người sống sót và tuyệt vọng sau cuộc đàn áp.

Chúng ta nên giúp họ kể những câu chuyện của mình. Bằng không, chúng ta đang "phí phạm" quyền tự do mà chúng ta đang có. Điều đó sẽ khiến chúng ta đã trở thành nạn nhân của cùng một kiểu kiểm duyệt mà ĐCSTQ thực thi đối với người dân Trung Quốc, anh nói.

EpochImages-6145259931
Mọi người đi ngang qua Diễn đàn Điện ảnh trước buổi công chiếu bộ phim tài liệu “Trường Xuân” tại Manhattan, Thành phố New York, hôm 14/10/2022. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

Khi hoa mai khai nở

Quá trình thực hiện bộ phim đầy căng thẳng cũng là một hành trình cá nhân của Đại Hùng. Thông qua quá trình làm phim anh mới hiểu ra ý nghĩa của việc chèn sóng truyền hình năm đó, một hành động mà anh từng phản bác trong nhiều năm vì tin rằng nó chỉ làm trầm trọng thêm cuộc bức hại.

Vào năm 20 tuổi, Wei Lisheng, một học viên Pháp Luân Công, đã bị giam giữ tại cùng một nhà tù với hai học viên, những người sau này sẽ tham gia vào kế hoạch chèn sóng truyền hình. Với đôi tay run rẩy, anh hồi tưởng lại khoảnh khắc tham gia một buổi tuyên truyền của ĐCSTQ, nơi các tù nhân bị buộc phải xem và tán dương những tuyên truyền đàn áp môn tu luyện này. Người cảnh sát đã đá anh bằng đôi ủng quân đội và để lại vết hằn trên chân anh cho đến ngày nay.

Bất chấp tình cảnh ảm đạm đối với cuộc đàn áp không ngừng của ĐCSTQ, cả Đại Hùng và Loftus đều mong muốn lưu lại một thông điệp về hy vọng.

ETERNAL SPRING - Still # 2 (bản quyền Lofty Sky Pictures)
Một cảnh hoạt hình trong phim tài liệu “Trường Xuân” cho thấy sự nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi nói rõ sự thật về Pháp Luân Công. (Ảnh: Lofty Sky Pictures/ The Epoch Times)

Được tôn sùng như một biểu tượng của sự kiên cường trong văn học Trung Quốc, hoa mai thường khai nở trong một đến hai tuần cuối mùa đông khắc nghiệt của Trường Xuân và báo hiệu mùa xuân sắp đến. Hình ảnh những bông mai khai nở trong mùa đông buốt giá được hai nhà làm phim sử dụng làm biểu tượng cho tinh thần của những người tham gia chèn sóng truyền hình năm đó.

Vẫn còn những khoảng thời gian rất tăm tối và khó khăn. Cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn. Nhưng những người chứng kiến ​​buổi chèn sóng truyền hình năm đó sẽ không bao giờ tin vào những tuyên truyền của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc nữa, ông Loftus nói.

"Họ hiểu rằng có một câu chuyện khác với câu chuyện của ĐCSTQ, và điều đó sẽ tác động to lớn đến tương lai".

Ảnh của Epoch Times
Đại Hùng, nghệ sĩ chính của bộ phim, tại buổi công chiếu tại Diễn đàn Điện ảnh ở Manhattan, Thành phố New York, hôm 14/10/2022. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

Đối với Đại Hùng, câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Đó mới chỉ là một phần của tiến trình lịch sử.

“Thông điệp của bộ phim sẽ được lan tỏa như một ngọn đuốc", anh nói với The Epoch Times.

“Mỗi người trong chúng ta đều là một nhân vật chính của bộ phim chứ không chỉ là diễn viên phụ trong phim. Tất cả chúng ta đều đang đóng góp cho tương lai của chính mình".

Anh Wei Lisheng đã xem bộ phim hơn 10 lần và nói rằng lần nào anh ấy cũng rơi nước mắt.

“Tôi muốn khắc ghi những hành động dũng cảm của họ trong trái tim mình và kể lại điều đó với toàn thế giới", anh nói.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

'Trường Xuân' - Phim tài liệu phơi bày sự tàn bạo của ĐCSTQ được công chiếu tại New York