TT Trump nhiễm Corona Vũ Hán ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020 diễn ra vào ngày 3/11. Việc nhiễm virus Corona Vũ Hán có thể gây ra những hậu quả tích cực hoặc tiêu cực về mặt chính trị đối với Tổng thống Donald Trump.

Sau đây là những phân tích về ảnh hưởng tiêu cực và tích cực mà việc Tổng thống Trump nhiễm virus Corona Vũ Hán có thể ảnh hưởng đến việc tái đắc cử của ông. Tất nhiên, những điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh tình của Tổng thống.

Tiêu cực

Trước hết, việc Tổng thống Trump phải cách ly khiến ông phải dừng tất cả lịch trình vận động tranh cử dày đặc của mình. Với khả năng phát biểu và dẫn dắt cũng như tiếp thêm sinh lực cho khán giả, việc vận động tranh cử trực tiếp được xem là một lợi thế của ông Trump, so với ông Biden của Đảng Dân chủ. Lợi thế này bây giờ không còn nữa.

Thứ hai, các hoạt động vận động tranh cử dưới mọi hình thức đều cần có sức khỏe dẻo dai. Hơn nữa, việc có một thể trạng khoẻ mạnh cũng được xem là một lợi thế đối với các ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng, hiện Tổng thống Trump nhiễm bệnh nên đã mất đi lợi thế này.

Chúng ta hẳn còn nhớ, vào năm 1960, cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa 2 ứng cử viên tổng thống là John F. Kennedy của Đảng Dân chủ và Phó Tổng thống Richard Nixon thuộc Đảng Cộng hòa. Tại thời điểm đó, ông Richard Nixon vừa mới xuất viện và diện mạo vẫn còn rất phờ phạc với râu còn chưa cạo sạch nhưng ông đã từ chối trang điểm. Giới phân tích nói rằng, 70 triệu người xem truyền hình lúc bấy giờ chỉ tập trung vào những gì họ nhìn thấy trên TV thay vì những gì họ nghe được. John F. Kennedy đã thắng cử.

Tích cực

Ngoài những tác động tiêu cực nêu trên, việc nhiễm bệnh của Tổng thống Trump cũng không hẳn là điều tồi tệ đối với việc tái tranh cử của ông.

Một là, vì lo sợ nhiễm virus Corona Vũ Hán, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Joe Biden đã rất thận trọng trong việc vận động tranh cử trực tiếp. Như vậy, với việc ông Trump nhiễm bệnh, ông Biden sẽ càng không thể đi vận động tranh cử trực tiếp và cũng sẽ càng không sẵn sàng đi các bang chiến trường.

Hai là, Tổng thống Trump không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên nhiễm virus Corona Vũ Hán. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã từng trở bệnh nặng sau khi nhiễm virus này hay ông Jair Bolsonaro - Tổng thống Brazil, đã hồi phục sau khi nhiễm bệnh. Như vậy, Tổng thống Trump có thể khẳng định từ chính kinh nghiệm cá nhân rằng, không có quá nhiều người đã tử vong sau khi nhiễm virus này và việc hoàn toàn phong toả ở thời điểm này là một phản ứng thái quá.

Ba là, lịch sử cho chúng ta thấy những ứng cử viên tổng thống bị ốm lại thường giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Ví dụ, ông Ronald Reagan đã suýt chết vì trúng đạn của sát thủ vào năm 1981 nhưng đã thắng lớn vào năm 1984. Hoặc là, thành viên đảng của họ sẽ giành chiến thắng, như sau khi ông Warren G. Harding qua đời tại chức (năm 1923), Đảng Cộng hòa của ông ở lại Nhà Trắng thêm 10 năm.

Một ví dụ khác về việc các tổng thống bị ám sát có xu hướng đảm bảo thành viên đảng của họ làm chủ Nhà Trắng tại cuộc bầu cử tiếp theo, đó là vụ sát hại Tổng thống Lincoln năm 1865. Vụ sát hại này được xem là nguyên nhân khiến vị tướng vĩ đại của ông, Ulysses S. Grant, giành chiến thắng vào năm 1868. Hay như vụ sát hại người của ông William McKinley năm 1903 khiến phó tổng thống của ông, Theodore Roosevelt, nhậm chức Tổng thống trong 8 năm. Vụ ám sát Tổng thống John Kennedy vào năm 1963 dẫn đến việc Lyndon Johnson giành chiến thắng áp đảo vào năm sau.

Những ví dụ trên đây cho thấy, bệnh tật và cái chết không có nghĩa là Đảng Cộng hòa sẽ mất Nhà Trắng.

Tổng thống có nhiều nhiệm kỳ nhất lịch sử Hoa Kỳ, Franklin Roosevelt, được đo bằng các chiến thắng trong các năm 1932, 1936, 1940 và 1944, cũng là người bị thử thách sức khỏe nhiều nhất. Ông là nạn nhân của bệnh bại liệt, ông đã dành toàn bộ nhiệm kỳ Tổng thống của mình trên xe lăn.

Thứ tư là, việc Tổng thống Trump nhiễm virus Corona Vũ Hán có thể có ảnh hưởng tích cực đến các diễn ngôn chính trị. Ông Biden sẽ không muốn bị một đối thủ ốm yếu hạ gục. Các cuộc tranh luận [trực tiếp] gần như chắc chắn sẽ bị hủy bỏ - điều này có nghĩa sẽ có một cuộc tranh luận lịch sự hơn lần tranh luận trước.

Trên đây là những nhận định và phân tích ban đầu về những tác động có thể có đến chính trị khi ông Trump nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh tình của Tổng thống Trump là một yếu tố không chắc chắn khác trong năm bầu cử kỳ lạ và không chắc chắn nhất này.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

TT Trump nhiễm Corona Vũ Hán ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử như thế nào?