Tư lệnh quân đội Philippines thăm các đảo xa gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi người đứng đầu quân đội Philippines phát biểu trước một nhóm nhỏ các sĩ quan hải quân trên một hòn đảo xa xôi ở tỉnh Palawan gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, ông nhắc nhở họ rằng nhiệm vụ của họ là phải 'đảm bảo hòa bình' vì họ đang gánh vác trên vai 'nhiệm vụ rất quan trọng'.

Nhưng ông cũng nhắc nhở họ rằng họ đóng vai trò "rất quan trọng" trong việc bảo vệ các vùng biển của Philippines khỏi những kẻ xâm lược, và ông đảm bảo với họ sẽ bổ sung thêm nguồn lực và nhân sự khi Philippines chuyển trọng tâm từ an ninh nội địa sang bảo vệ lãnh thổ.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta được triển khai ở những nơi cần thiết. Tại Palawan, chúng ta cần ở đây vì đây là một địa điểm chiến lược, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng”, Tham mưu trưởng quân đội Philippines Andres Centino nói sau khi chia sẻ bữa tiệc với binh lính trên chiếc bàn lót lá chuối bày biện cua, gà, cơm, hoa quả và thịt lợn quay.

Điểm dừng chân thứ hai của ông Centino ở nhóm đảo Balabac là tại đồn hải quân Narciso del Rosario, nơi có một đoạn đường nối và khu vực tổ chức bãi biển mới. Sau đó, ông thị sát một căn cứ không quân rộng 300 ha của Philippines

Theo ông Centino, căn cứ không quân Balabac có vị trí “rất chiến lược”. Đây là một trong 4 địa điểm mới mà Hoa Kỳ được phép tiếp cận vào tháng 2 theo một hiệp ước quốc phòng năm 2014 vào thời điểm có những quan ngại về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và căng thẳng về Đài Loan tự trị.

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) năm 2014 cho phép Mỹ và Philippines huấn luyện chung, bố trí trước thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự, nhưng không phải là sự hiện diện thường trực.

Một số quan chức chính quyền địa phương đã bày tỏ sự dè dặt đối với EDCA mở rộng, nhưng ông Billy Adriano, một cư dân của Balabac, cho biết, ông hoan nghênh điều đó vì “nó sẽ giúp ích cho an ninh của đất nước”.

Manila đã bắt đầu xây dựng một đường băng dài 3 km tại căn cứ không quân, nơi cũng sẽ tiếp nhận các cơ sở viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa cũng như doanh trại cho người Mỹ theo EDCA.

“Khu vực này được bao quanh bởi các đảo và đây là nơi các tàu nước ngoài từ vùng biển quốc tế sẽ đi vào và đi qua các SLOC (đường liên lạc trên biển) của chúng tôi", Centino nói về vị trí của căn cứ không quân.

“Nếu chúng ta muốn bảo vệ (lãnh thổ của mình), chúng ta phải có khả năng phát hiện và xác định các hành vi xâm nhập”, ông Centino nói và nhắc lại sự cố một tàu nước ngoài đi vào vùng Biển Sulu gần Palawan.

Ông không nêu rõ tàu nào, nhưng Philippines cho biết vào tháng 3/2022 rằng họ đã xác định được một tàu do thám của Trung Quốc ngoài khơi Nhóm đảo Cuyo ở Biển Sulu, nơi tàu này đã đi vào và ở lại mà không được phép, bất chấp yêu cầu rời đi.

Các vụ chạm trán giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông

Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 16/3 đưa tin một tàu Hải quân Trung Quốc đã “xâm nhập phi pháp” vào vùng biển Philippines để do thám cuộc tập trận giữa Mỹ với Philippines ngoài khơi tỉnh Palawan (Philippines) vào tháng trước.

Sự xuất hiện của chiếc tàu do thám mang số hiệu 792 thuộc lớp Đông Điều của Hải quân Trung Quốc tại biển Sulu từ ngày 29/1 đến ngày 1/2 được ghi nhận khi Philippines và Mỹ đang tập trận MAREX 22, theo giới sĩ quan quân đội giám sát cuộc tập trận.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên để phản đối về vụ việc. Thông qua Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Ma. Theresa Lazaro, Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập ông Hoàng vào ngày 14/3.

Tờ Philippine Daily Inquirer cho hay, bà Lazaro đã đề nghị “Trung Quốc tôn trọng lãnh thổ và quyền tài phán biển của Philippines, tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), chỉ đạo các tàu không vào vùng biển Philippines khi không được mời và không có sự cho phép”.

Trong khi đó, phía Trung Quốc khẳng định tàu “đang qua lại vô hại” khi đến nhóm đảo Cuyo gần đảo Palawan và đảo Apo gần Mindoro.

Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình theo cái gọi là “đường chín đoạn”, bất chấp các yêu sách cạnh tranh từ các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei.

Năm 2016, Tòa án La Haye ra phán quyết ủng hộ hành động pháp lý của Philippines. Tuy nhiên, phán quyết có tác động nhỏ đến các động thái của ĐCSTQ, tiêu biểu là việc các tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm các vùng biển của Philippines.

Trước đó, Trung Quốc được cho là đã chiếu "tia laser cấp độ quân sự" vào một tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, tàu của Philippines đang hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế cho hải quân nước này tại Bãi Cỏ Mây.

Vụ việc diễn ra vào ngày 6/2, khi chiếc tàu BRP Malapascua của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) đang hỗ trợ hải quân nước này vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm tới một tiền đồn quân sự trên Bãi cạn Thomas thứ Hai (Bãi Cỏ Mây) xa xôi thuộc Quần đảo Trường Sa.

Khi tàu cách Bãi Cỏ Mây 10 hải lý (khoảng 20 km) thì một tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 bất ngờ chiếu tia laser 2 lần, gây “mù tạm thời” (trong khoảng 10 - 15 giây) với thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu, các quan chức Manila cho biết.

Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Phản ứng trước sự việc này, hôm 13/2 Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích các hành động của Bắc Kinh và gọi các hành động này là “khiêu khích và không an toàn”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, cho biết trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ luôn sát cánh với các đồng minh Philippines của chúng tôi trước việc Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được cho là đã sử dụng các thiết bị laser để chiếu vào thủy thủ đoàn của một tàu Tuần duyên Philippines”.

Ông Price đã trích dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về Biển Đông vào tháng 7/2016. Theo phán quyết này, Bắc Kinh không có yêu sách hàng hải hợp pháp nào đối với Bãi Cỏ Mây.

“Hoa Kỳ nhắc lại rằng, theo Công ước Luật Biển năm 1982, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 là phán quyết cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với Trung Quốc và Philippines, và chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết này”.

Trước cuộc gặp hôm 14/2 giữa Tổng thống Philippines và Đại sứ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các hành động của lực lượng hải cảnh nước này là phù hợp với luật pháp. Bắc Kinh không xác nhận cụ thể cũng không phủ nhận hành động chiếu tia laser vào tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tư lệnh quân đội Philippines thăm các đảo xa gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp