Nghiên cứu: Người từng nhiễm COVID-19 có thể chống lại biến thể Delta tốt hơn vaccine Pfizer

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo những quan sát trong một nghiên cứu từ Israel, những người từng nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh có khả năng phát triển kháng thể chống lại biến thể Delta của virus Corona Vũ Hán tốt hơn so với những người được tiêm vaccine Pfizer.

Các nhà nghiên cứu từ Maccabi Healthcare và Đại học Tel Aviv cho biết: “Phân tích này đã chứng minh rằng, khả năng miễn dịch tự nhiên mang lại sự bảo vệ lâu dài và mạnh mẽ hơn chống lại [nguy cơ] nhiễm bệnh, bệnh có triệu chứng và nhập viện do biến thể Delta”.

Họ nêu rõ: “Đây là nghiên cứu qua quan sát trong thế giới thực lớn nhất để so sánh khả năng miễn dịch tự nhiên, đạt được thông qua việc bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, so với khả năng miễn dịch bắt nguồn từ vaccine, được cung cấp bởi vaccine BNT162b2 mRNA”.

Hệ miễn dịch tự nhiên đề cập đến khả năng miễn dịch mà một người giữ được sau khi khỏi bệnh do virus gây ra, trong trường hợp này là virus Corona Vũ Hán.

Bản in trước của nghiên cứu vẫn chưa được thông qua hội đồng đánh giá. Tuy nhiên, nó đã được phát hành trên medRxiv vào ngày 25/8.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Maccabi Healthcare Services, quỹ y tế lớn thứ 2 của Israel, trong khoảng thời gian từ ngày 1/3/2020 đến ngày 14/8/2021. Họ tiến hành phân tích thống kê về những người đủ điều kiện cho 3 nhóm nghiên cứu: những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer; những người chưa được tiêm vaccine mà trước đó đã bị nhiễm COVID-19; và những người trước đây đã bị nhiễm bệnh và sau đó được tiêm một liều vaccine.

Các kết quả đã được quan sát trong khoảng thời gian từ ngày 1/6 đến ngày 14/8/2021, tương ứng với thời gian chủng biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh trở thành chủng biến thể chính của virus Corona Vũ Hán gây ra bùng phát dịch bệnh ở Israel.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người được tiêm chủng đầy đủ vaccine Pfizer có nguy cơ bị nhiễm biến thể Delta của virus Corona Vũ Hán cao hơn 13,06 lần; và nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng cao hơn 27,02 lần so với những người đã khỏi bệnh sau lần nhiễm COVID-19 trước đó. Các số liệu được áp dụng khi so sánh các trường hợp tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh lần đầu tiên xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Hai năm 2021.

Khi các nhà nghiên cứu so sánh các ca nhiễm bệnh trước đó xảy ra từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021 với các trường hợp tiêm chủng từ tháng Giêng đến tháng Hai năm 2021, họ nhận thấy rằng nhóm thuần tập được tiêm chủng có nguy cơ nhiễm biến thể Delta cao hơn 5,96 lần. Họ cũng có nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng cao hơn 7,13 lần so với những người đã bị nhiễm COVID-19 trước đó.

Các kết quả cho thấy rằng, khả năng miễn dịch tự nhiên có được từ việc khỏi bệnh sau lần nhiễm COVID-19 trước đó có thể suy yếu theo thời gian so với biến thể Delta, các tác giả của bài nghiên cứu viết.

Các tác giả nhấn mạnh, những người được tiêm vaccine ngừa virus Corona Vũ Hán có nguy cơ nhập viện liên quan đến COVID-19 cao hơn so với những người đã bị nhiễm trước đó. Họ nói rằng, nguy cơ nhiễm bệnh và nhập viện càng tăng cao đối với người từ 60 tuổi trở lên.

Ông Albert Bourla (phải), giám đốc điều hành của Pfizer, chờ đánh chuông đóng cửa tại Sở giao dịch chứng khoán New York ở Thành phố New York vào ngày 17 tháng 1 năm 2019. (Drew Angerer / Getty Images)
Ông Albert Bourla (phải), giám đốc điều hành của công ty sản xuất vaccine Pfizer, chờ đánh chuông đóng cửa tại Sở giao dịch chứng khoán New York ở Thành phố New York vào ngày 17 tháng 1 năm 2019. (Drew Angerer / Getty Images)

Trong một phân tích khác, các tác giả so sánh những người bị nhiễm COVID-19 trước đó, với những người đã bị nhiễm virus trước đó và cũng đã tiêm một liều vaccine. Họ phát hiện ra rằng, nhóm từng tiêm một liều vaccine ít có khả năng bị tái nhiễm với biến thể Delta hơn.

Các tác giả cho biết, kết quả cho thấy những người từng bị nhiễm COVID-19 trước đây dường như được nhận thêm một lớp bảo vệ từ liều vaccine họ đã tiêm chủng sau đó, nhưng các nhà nghiên cứu “không thể chứng minh được [kết quả] rõ rệt” trong nhóm thuần tập.

Họ thừa nhận một số hạn chế trong nghiên cứu này, bao gồm cả việc nghiên cứu chỉ quan sát khả năng bảo vệ của vaccine hoặc khả năng miễn dịch tự nhiên chống lại biến thể Delta. Hơn nữa, nghiên cứu chỉ quan sát khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer và không xem xét các loại vaccine khác, hoặc tác dụng của liều thứ 3 để tăng cường của vaccine Pfizer.

Họ cũng nhấn mạnh, vì các biện pháp xét nghiệm COVID-19 ví như PCR không bắt buộc phải thực hiện theo quy trình ở Israel, nên số ca nhiễm bệnh không có triệu chứng thực sự có thể không được thể hiện rõ trong nghiên cứu, bởi vì những người này thường không đi xét nghiệm.

Các tác giả nghiên cứu cũng thừa nhận rằng, một số biện pháp y tế nhất định như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang có thể đóng một vai trò gây nhiễu trong nghiên cứu.

Kể từ khi biến thể Delta bắt đầu lây lan từ khoảng tháng Sáu, Bộ Y tế Israel đã 2 lần báo cáo sự sụt giảm trong hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm virus của vaccine COVID-19 — vào đầu và cuối tháng Bảy. Ngoài ra, còn có báo cáo về sự suy giảm nhẹ trong khả năng phòng vệ chống lại tình trạng nhiễm bệnh nặng của vaccine.

Các nhà khoa học và các cơ quan của Israel tiếp tục thăm dò xem liệu liều vaccine thứ ba có cần thiết hay không. Hôm 24/8, Israel đã quyết định mở rộng độ tuổi đủ điều kiện tiêm liều thứ 3 của vaccine Pfizer cho những người trên 30 tuổi.

Trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục lan rộng, Israel đã đề xuất lại việc đeo khẩu trang trong nhà, hạn chế tụ tập và tăng cường xét nghiệm nhanh, cũng như khôi phục chương trình hộ chiếu vaccine COVID-19 “Thẻ xanh Thông hành” vào cuối tháng Bảy.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Người từng nhiễm COVID-19 có thể chống lại biến thể Delta tốt hơn vaccine Pfizer