Tướng Flynn: Biden có thể khiến hàng trăm triệu người bị giết vì Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Chiến tranh là không công bằng và không thể để nó xảy ra. Một cuộc chiến với Nga sẽ là điều không công bằng. Chắc chắn nó sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân", Tướng Michael Flynn nói.

Những tuần gần đây, báo chí đưa tin về việc Nga tập hợp lực lượng quân đội khổng lồ xung quanh biên giới Nga-Ukraine khiến hầu hết người Mỹ không rõ Hoa Kỳ đã bị kéo vào cuộc xung đột vũ trang với Liên bang Nga đến mức nào. Đây là một thất bại của việc đưa tin có ý nghĩa của truyền thông.

Ngay cả những người Mỹ đã tìm kiếm tin tức về Ukraine cũng không thể làm gì hơn ngoài việc theo dõi từ bên lề. Những người hiện đang dẫn dắt đất nước của chúng ta hướng chúng ta tới một thảm họa tiềm tàng.

Mặc dù tham chiến là quyết định mang lại hậu quả lớn nhất mà một quốc gia có thể đưa ra, nhưng người dân hiếm khi được tham khảo ý kiến. Giới tinh hoa, những người đưa ra quyết định lại phần lớn được miễn trừ khỏi hậu quả của hành động của họ. Nếu mọi người thực sự được hỏi ý kiến, thì chiến tranh hầu như sẽ là những sự kiện hiếm hoi.

Những lời hùng biện về cuộc xung đột Ukraine đã vượt quá tầm kiểm soát. Tổng thống Joe Biden đe dọa rằng Nga sẽ "phải trả giá đắt" cho bất kỳ cuộc xâm lược nào vào Ukraine. Ngoại trưởng Antony Blinken cảnh báo về "những hậu quả to lớn" đối với Nga. Thượng nghị sĩ Roger Wicker của Mississippi nói với Neil Cavuto của Fox News rằng: “Chúng tôi không loại trừ hành động sử dụng hạt nhân lần đầu”. Những lời ngụy biện về hành động hạt nhân trước tiên không chỉ cực kỳ nguy hiểm, mà những loại nhận xét vô nghĩa này còn đe dọa sự ổn định của toàn thế giới.

Sự thất bại trong chính sách xoay quanh cụm từ “sự thất bại của trí tưởng tượng” khi nói đến sự thất bại của cộng đồng tình báo. Toàn bộ chính quyền Biden, cùng với các viện chiến lược về chính sách đối ngoại và quốc phòng mới đang không hình dung được hậu quả của những mối nguy hiểm đang rình rập ở Đông Âu hiện nay.

Chiến tranh là không công bằng và không thể để nó xảy ra. Trên thực tế, theo gót thất bại ở Afghanistan, một cuộc gọi gần đây của Bộ Ngoại giao có nội dung như sau: “Bởi vì Tổng thống nói rằng, hành động quân sự của Nga có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thể sơ tán Công dân Hoa Kỳ. Vì vậy các công dân Hoa Kỳ, hiện đang có mặt ở Ukraine nên lên kế hoạch cho phù hợp”. Đây là một tuyên bố tuyệt vời về sự thất bại.

Một lần nữa chúng ta đang sống theo châm ngôn rằng "sự thật là tổn thất đầu tiên của chiến tranh". Nếu người dân muốn có cơ hội ngăn chặn nổ súng, thì bước đầu tiên là chống lại những lời tuyên truyền từ các hãng truyền thông dòng chính và tìm hiểu sự thật. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể yêu cầu chính phủ ngừng đánh trống chiến tranh.

Chính quyền Biden muốn chúng ta tin rằng Nga đang tìm cách lấy lại sự vĩ đại trước đây bằng cách lật đổ chính phủ của Volodymyr Zelensky và thay thế nó bằng một chính phủ bù nhìn mà họ sẽ kiểm soát. Chủ nghĩa bảo thủ mới thống trị trong cả hai đảng chính trị của chúng ta muốn chúng ta tin rằng Liên Xô vẫn tồn tại và đang mở rộng.

Giống như việc cả nước bị tuyên truyền lừa bịp về việc Nga dàn xếp ông Donald Trump đắc cử Tổng thống năm 2016, một ảo tưởng khác hiện đang được đưa ra. Đừng tin lời nào của nó!

Nga đã nhiều lần giải thích rằng, mối quan tâm cốt lõi của họ là Ukraine không được gia nhập liên minh quân sự NATO.

Trả lời về sự tăng cường quân đội Nga ở biên giới Ukraine, một quan chức Nga giải thích trong một bài báo trên Tass: “Chúng tôi rất lo lắng khi có thông tin một số nước thành viên của NATO đã tăng cường triển khai vũ khí sát thương và nhân viên quân sự tới Ukraine.”

Và nếu Ukraine được gia nhập NATO, với vị trí chiến lược của mình, Nga biết rằng NATO và Mỹ có thể đặt tên lửa ở biên giới của mình, tạo ra mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.

Trong khi mối quan tâm của Nga là rõ ràng, chính quyền Biden thậm chí chưa bao giờ cố gắng giải thích về sự tồn tại của bất kỳ lợi ích quốc gia quan trọng nào của Hoa Kỳ ở Ukraine để có thể biện minh cho các hành động thù địch. Về phần mình, ông Blinken khẳng định nguyên tắc Ukraine phải có quyền gia nhập NATO và khẳng định nguyên tắc đó không bao giờ có thể bị xâm phạm. Người Nga hiểu rằng điều đó có thể dẫn đến việc vũ khí hạt nhân sẽ được đặt ngay trước cửa nhà của họ - gần với Nga hơn là Cuba với Hoa Kỳ.

Rõ ràng là không có sự tương đương về quyền lợi ở đây. Không có. NATO được thành lập để gìn giữ hòa bình, và sẽ là một thảm kịch vô cùng lớn nếu sự bành trướng về phía Đông bị đe dọa của khối này sẽ trở thành nguyên nhân chính dẫn đến một cuộc chiến tranh tàn khốc.

Hãy đặt cuộc xung đột hiện tại vào bối cảnh lịch sử. Nếu Tổng thống John Kennedy được biện minh khi mạo hiểm chiến tranh để ngăn chặn tên lửa hạt nhân được lắp đặt ở Cuba vào năm 1961, thì chính xác tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin lại liều lĩnh trong việc mạo hiểm chiến tranh để ngăn chặn vũ khí của NATO được lắp đặt ở Ukraine vào năm 2022? Liệu có quốc gia vĩ đại nào cho phép sự phát triển của một mối đe dọa như vậy ở biên giới của mình không?

Thế giới có thể rơi vào tình trạng chiến tranh vào tháng 10/1962 nếu Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev không sẵn sàng xem xét lập trường không thể thương lượng mà Kennedy đang đảm nhận. Kennedy hứa sẽ không xâm lược Cuba và sau đó ông đã đáp lại hành động của Khruschev bằng cách loại bỏ các tên lửa Jupiter của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai quốc gia lớn đều hành động có trách nhiệm và Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã kết thúc một cách hòa bình.

Các sự kiện của tháng 10/1962 nhắc nhở chúng ta rằng có những nguyên tắc lớn chi phối cách các quốc gia lớn phải đối xử với nhau để giữ gìn hòa bình.

Một phần trong quá trình đào tạo của tôi với tư cách là một sĩ quan Quân đội là học Luật các quốc gia của Emer de Vattel. Công trình lịch sử này là công cụ hướng dẫn những Phụ tổ của quốc gia chúng ta khi tuyên bố độc lập khỏi nước Anh và lập biểu đồ đường đi nước bước của chúng ta trên thế giới. Nó có những nguyên tắc của luật tự nhiên và áp dụng những nguyên tắc đó cho các quốc gia. Đó là một cuốn sách đáng chú ý.

Hai trong số những nguyên tắc được nêu trong cuốn sách đó có tầm quan trọng cấp thiết ngay bây giờ, và các bậc thầy về chính sách đối ngoại của chúng ta thỉnh thoảng cần nhắc nhở về những nguyên tắc này.

Thứ nhất, “Mọi quốc gia… đều có… quyền ngăn cản các quốc gia khác cản trở việc bảo tồn của mình… nghĩa là bảo vệ bản thân khỏi mọi tổn thương… được gọi là quyền được đảm bảo an ninh… An toàn nhất là ngăn chặn cái ác, khi nó có thể được ngăn chặn”. Nguyên tắc này là cơ sở cho Học thuyết Monroe và chính xác là phản ứng của Kennedy trước mối đe dọa tên lửa Nga ở Cuba.

Thứ hai, "Mọi quốc gia có nghĩa vụ vun đắp tình bạn của các quốc gia khác, và cẩn thận tránh bất cứ điều gì có thể gây ra sự thù địch của họ với quốc gia này". De Vattel sau đó nói thêm: “Các quốc gia khôn ngoan và thận trọng thường theo đuổi đường lối ứng xử này từ quan điểm về lợi ích trực tiếp và hiện tại; một sự quan tâm cao quý hơn, tổng quát hơn và ít trực tiếp hơn, hiếm khi là động cơ của các chính trị gia”.

Tất cả các bên liên quan phải tìm cách xác định lại và áp dụng các nguyên tắc quy luật tự nhiên đó vào cuộc khủng hoảng hiện nay trước khi thế giới rơi xuống vực thẳm. Trong khi các chính trị gia nói chung giảm nhẹ những lời lẽ cường điệu quá mức, vẫn có hy vọng các chính khách sẽ xuất hiện, hành động có trách nhiệm và gìn giữ hòa bình.

Hoa Kỳ và Liên bang Nga là những quốc gia vĩ đại. Tuy nhiên, các quốc gia vĩ đại này đều có hàng nghìn vũ khí hạt nhân có thể giết chết hàng trăm triệu người.

Với những yếu tố đó, sẽ là khôn ngoan nếu Biden và Blinken lắng nghe những gì Putin đang nói và xem xét lý do tại sao Nga tin rằng, các lợi ích quốc gia quan trọng của mình đang gặp rủi ro. Nếu Hoa Kỳ không có lợi ích quốc gia tương đương với lợi ích quốc gia của Nga, thì đó sẽ là cơ sở để giảm leo thang.

Khuyến nghị mạnh nhất của tôi để những người quyết định số phận nhân loại cân nhắc là: hãy lắng nghe lại điều mà George Washington, tổng thống đầu tiên của chúng ta, đã nói về chính trị và chiến tranh: “Hãy trung thực và thể hiện đúng bản chất và can thiệp ít nhất vào công việc của các nước khác. Nếu châm ngôn này được làm theo, thì chiến tranh sẽ chấm dứt… ”

Tôi không quá lạc quan rằng chiến tranh sẽ mãi mãi chấm dứt; Bản thân tôi là một chiến binh. Tuy nhiên, tôi tin rằng, thỉnh thoảng, để trở thành một quốc gia hòa bình, chúng ta phải quay về với đức tin và tổ tiên của mình để nhắc nhở bản thân về hậu quả thực sự của chiến tranh gây ra.

Chiến tranh là không công bằng và không thể để nó xảy ra. Một cuộc chiến với Nga sẽ là điều không công bằng. Chắc chắn nó sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

Nguyên Hương

Theo The Western Journal

Quan điểm trong bài viết là của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD VIETNAM.



BÀI CHỌN LỌC

Tướng Flynn: Biden có thể khiến hàng trăm triệu người bị giết vì Ukraine