UBS từng được Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ giải cứu như thế nào hồi năm 2008?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để UBS chấp nhận mua lại toàn bộ Credit Suisse, cứu lấy uy tín của ngành ngân hàng Thuỵ Sỹ, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) đã phải chấp nhận cho vay và bảo lãnh lỗ tới 173 tỷ USD. Cách đây 15 năm, SNB đã phải lặng lẽ dùng hàng chục tỷ USD cứu trợ cho UBS; cuộc giải cứu bằng tiền thuế của người Thuỵ Sỹ dành cho UBS đến giờ vẫn còn gây tranh cãi.

Sức ép buộc UBS phải mua lại Credit Suisse

Theo Financial Times, UBS không hề nhiệt tình với vụ mua bán Credit Suisse. Tuy nhiên, trước sức ép của chính quyền Thuỵ Sỹ vì đảm bảo danh tiếng của ngành ngân hàng nước này, UBS đã mua lại Credit Suisse với mức giá hấp dẫn đi kèm theo khoản cứu trợ lên tới 173 tỷ USD của Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sỹ (SNB).

Thương vụ chóng vánh diễn ra chỉ sau một đêm khiến thị trường sốc. Tuy nhiên, điều đó cho thấy các vấn đề của Credit Suisse lớn hơn nhiều so với các tuyên bố của chính ngân hàng này cũng như của các nhà chức trách trước đó.

Cả Credit Suisse và UBS đều nằm trong 30 ngân hàng trọng yếu nhất toàn cầu, là những ngân hàng mà sự sụp đổ của nó có thể kéo theo sự sụp đổ hệ thống. Chưa biết liệu UBS, sau khi gánh khối tài sản độc hại của Credit Suisse kèm theo sự hỗ trợ của SNB, thì có thể ngăn lại vụ khủng hoảng tầm cỡ khu vực và toàn cầu hay không.

Sự sụp đổ của Credit Suisse đã thúc đẩy cuộc giải cứu của các NHTW; thực tế, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã phải mở lại hoạt động hoán đổi USD lấy đồng nội tệ của các NTHW khác hàng ngày. Một chính sách chỉ xuất hiện khi các NHTW có vấn đề thanh khoản trầm trọng, khi khủng hoảng bắt đầu xuất hiện.

USB được giải cứu như thế nào hồi năm 2008

Thực tế, năm 2008, UBS đã là một ngân hàng chứa đầy tài sản độc hại; nó hoàn toàn có thể trở thành một Lehman Brothers ở Thuỵ Sỹ nếu không có bàn tay giải cứu của SNB.

Để ngăn đà đổ vỡ của UBS, SNB đã phải nhờ tới Fed, đổi đồng Francs Thuỵ Sỹ lấy USD, hàng chục tỷ USD, cung tiền cho các Phương tiện tài chính đặc biệt (SPV), thực chất là các công ty nhà nước do SNB thành lập, để mua lại tài sản độc hại này cho UBS.

Cuộc giải cứu UBS của SNB thực chất là lấy tiền thuế của dân để thực hiện. Điều này đã tạo ra các bất mãn và tranh cãi gay gắt ở Thuỵ Sỹ; cho tới tận bây giờ.

Cách UBS được cứu trợ như thế nào hồi năm 2008 đã được làm sáng tỏ trong cuộc kiểm toán các tổ chức được Fed cứu trợ khẩn cấp từ 12/2007 đến tháng 7/2010 do Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) thực hiện. Cuộc kiểm toán GAO được công bố vào tháng 7/2011. Báo cáo của GAO viết về cuộc giải cứu UBS như sau:

“Vào tháng 10/2008, Fed đã cho phép Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) sử dụng USD theo thỏa thuận hạn mức hoán đổi để cung cấp hỗ trợ đặc biệt cho UBS, một tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn của Thụy Sĩ. Cụ thể, vào ngày 16/10/2008, SNB đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng USD hoán đổi với FRBNY [Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York] để tài trợ cho một SPV [Phương tiện Tài chính đặc biệt] mà họ sẽ tạo ra để mua đến 60 tỷ USD tài sản kém thanh khoản từ UBS".

Báo cáo của GAO cho biết, SNB đã hoán đổi USD, rút tiền từ Fed để cứu trợ UBS, số tiền không quá 13 tỷ USD mỗi lần rút. Số tiền này tài trợ cho SPV mà SNB lập ra, SPV này mua lại tài sản độc hại của UBS và cứu trợ ngân hàng này.

Theo nhân viên của Fed, cách SNB sử dụng USD hoán đổi để cứu UBS là sai mục đích ban đầu của các hợp đồng hoán đổi ngoại hối. Bởi vì, mục tiêu hoán đổi ngoại hối giữa các NHTW là để cung cấp các khoản vay USD cho các định chế tài chính, ngân hàng đang thiếu USD để cho doanh nghiệp vay hoặc thanh toán. Trong trường hợp giải cứu UBS, tiền hoán đổi lại dùng để mua lại tài sản độc hại.

Cuộc kiểm toán của GAO đã xác định được khoản vay tích lũy trị giá 16.000 tỷ USD do Fed bơm ra để bảo lãnh cho các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ và nước ngoài. Rất nhiều trong đó dùng để giải cứu cho các đối tác phái sinh của các ngân hàng do Fed New York giám sát. Khi các hạn mức hoán đổi đồng USD và các phương tiện cứu trợ khác của Fed được thêm vào, khoản cứu trợ sẽ lên tới 29.000 tỷ USD, theo báo cáo của Viện Kinh tế Levy.

UBS lớn hơn và rủi ro hơn?

Dù bỏ ra 3,2 tỷ USD mua lại Credit Suisse, nhưng SNB đã bảo lãnh cho UBS tới 9 tỷ USD khoản lỗ sau khi tiếp nhận Credit Suisse và hàng trăm tỷ USD cho vay bảo đảm thanh khoản.

Ngoài ra, UBS cũng không phải trả khoản nợ 17,3 tỷ USD trái phiếu AT1 (trái phiếu bổ sung vốn cấp 1) ở Credit Suisse; trái phiếu này trở thành giấy trắng chỉ sau một đêm. Hành động này lật ngược lại khái niệm đã tồn tại hàng thế kỷ rằng những người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên đối xử hơn những người nắm giữ cổ phiếu phổ thông.

Xem thêm: Trái phiếu AT1 là gì? Vì sao nó bị 'xoá sổ' trong vụ phá sản của Credit Suisse?

Quy mô thị trường AT1 vào khoảng 250 tỷ USD. Và việc xoá bỏ 17,3 tỷ USD AT1 ở Credit Suisse đang trở thành một tiền lệ xấu; mất niềm tin, nhà đầu tư bán tháo.

Nên nhớ, 17,3 tỷ USD biến mất trong một đêm có thể làm biến mất nhiều quỹ đầu tư nhỏ ở châu Âu. Các quỹ đầu tư có mua bán, ràng buộc nợ và đầu tư lẫn nhau. Như một ổ mối trong bờ đê vậy. Thêm vào đó, sự hoảng loạn có thể dẫn tới các quyết định tồi tệ hơn nữa trên thị trường tài chính, tiền tệ trong những ngày tới.

Một thoả thuận cho thấy tình trạng nghiêm trọng của Credit Suisse. Tổn thất mà định chế này gây ra cho thị trường tài chính Thuỵ Sỹ và toàn cầu có thể còn tiếp tục tồi tệ hơn những gì các quan chức và truyền thông tuyên bố.

Cả UBS và Credit Suisse đều đã từng nằm trong số 30 Ngân hàng quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu (G-SIB), nghĩa là hồ sơ rủi ro của họ yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn theo quy định, kiểm tra căng thẳng hàng năm và bộ đệm vốn cao hơn. Liệu thị trường có nên vui mừng rằng hai mối đe dọa rủi ro hiện tại [với ổn định tài chính] đã lớn hơn sau vụ sáp nhập này?

Việc UBS mua lại Credit Suisse giống như việc các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ cho phép JPMorgan Chase trở nên rủi ro hơn và có nhiều mối đe dọa hơn đối với sự ổn định tài chính bằng cách mua lại Bear Stearns và Washington Mutual vào năm 2008.

Điểm lại rắc rối của Credit Suisse trước khi 'biến mất'

Credit Suisse khó khăn từ rất lâu, sau khi dính vào hàng loạt bê bối rửa tiền, thua lỗ trong đầu tư.

Vào mùa xuân năm 2021, Credit Suisse đã mất 5,5 tỷ USD sau vụ đổ vỡ của Quỹ phòng hộ (mua bán chứng khoán phái sinh) Archegos Capital Management. Credit Suisse đã nắm giữ vị thế cổ phiếu có mức độ rủi ro tập trung cao, sử dụng đòn bảy nợ cao, thông qua công cụ phái sinh ở quỹ này. Archegos sụp đổ ngày 25/3/2023 do giá chứng khoán giảm mạnh và cuộc gọi ký quỹ khiến quỹ này không đủ tiền mặt để bù vào mức giá sụt giảm.

Một báo cáo nội bộ cho Hội đồng quản trị của Credit Suisse do công ty luật độc lập Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison thực hiện cho thấy rằng Credit Suisse “đã tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn, tạo điều kiện cho sự tham lam của Archegos, chấp nhận rủi ro cao trong đầu tư", thực chất là đầu cơ.

Vào tháng 10/2021, Credit Suisse đã phải nộp phạt 547 triệu USD cho các cơ quan hình sự và dân sự ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh vì đã thực hiện một khoản vay lừa đảo trị giá 850 triệu USD ở Mozambique; trong đó một phần đáng kể số tiền này được dùng để lại quả cho nhân viên của Credit Suisse và các quan chức chính phủ Mozambique.

Credit Suisse cũng bị lôi kéo vào các cuộc chiến pháp lý về việc bán khoản nợ trị giá hàng tỷ USD của Greensill Capital cho các nhà đầu tư. Greensill đã nộp đơn xin mất khả năng thanh toán vào tháng 3/2021. Vào tháng 2/2023, FINMA đã kết thúc cuộc điều tra kéo dài hai năm về vấn đề này với kết luận rằng những thất bại của Credit Suisse đã cấu thành “một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật giám sát của Thụy Sĩ”.

Ngoài ra còn có vụ bê bối gián điệp. FINMA đã báo cáo vào tháng 10/2021 rằng Credit Suisse đã tham gia vào bảy hoạt động gián điệp riêng biệt đối với các thành viên Hội đồng quản trị, nhân viên cũ và các bên thứ ba.

Thật không may, Credit Suisse đang kết nối chặt chẽ với các ngân hàng Phố Wall qua khối tài sản chứng khoán phái sinh khổng lồ. Đây là lý do tại sao cuộc giải cứu Credit Suisse lại có áp lực từ NHTW của Fed, Pháp và nó phải diễn ra nhanh đến; một cuộc giải cứu bất thường nơi cổ đông của Credit Suisse không được phép có ý kiến gì.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

UBS từng được Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ giải cứu như thế nào hồi năm 2008?