Úc bắt giữ một người Trung Quốc vì đã hành hung nhà hoạt động chống ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảnh sát Úc vừa bắt giữ một người đàn ông 30 tuổi do người này có liên quan đến vụ tấn công những người biểu tình chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Canberra, Úc.

Ngày 05/12, anh Kang Zhao bị chính quyền Úc bắt giữ tại Sân bay Sydney khi đang tìm cách rời khỏi Úc. Ngày 07/12, anh Zhao xuất hiện qua phương tiện liên kết nghe nhìn tại Tòa sơ thẩm ACT, The Canberra Times đưa tin.

Thẩm phán đặc biệt Margaret Hunter buộc tội Zhao tấn công gây thương tích và cướp tài sản trong một vụ việc ở Acton (vùng ngoại ô thủ đô Canberra) vào tháng 10 - khi đó, anh bị cáo buộc đã tấn công một nhà hoạt động nhân quyền ở Canberra, đồng thời làm hỏng điện thoại di động của người này.

Ông William Chan, luật sư của anh Zhao, cho biết thân chủ của ông sẽ không đưa ra bất kỳ lời biện hộ hay xin bảo lãnh nào.

“Chúng tôi chưa sẵn sàng; chúng tôi hiểu rằng bị cáo là một người nhập cư bất hợp pháp vào lúc này”, luật sư Chan, người cũng xuất hiện qua phương tiện liên kết nghe nhìn từ Sydney, cho biết.

The Canberra Times đưa tin rằng cảnh sát ACT dự kiến sẽ thay mặt anh Zhao nộp đơn xin thị thực tư pháp hình sự.

Anh Zhao đang bị tạm giam và dự kiến sẽ ra tòa một lần nữa ở Canberra vào ngày 19/12.

Tấn công nhà vận động nhân quyền ở Canberra

Vụ tấn công xảy ra tại lễ hội hoa Floriade ở Canberra, khi một nhóm những người ủng hộ Pháp Luân Công đang tổ chức cuộc mít tinh nhân quyền nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đẫm máu mà ĐCSTQ tiến hành đối với nhóm này.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện gồm các bài thiền định và các bài giảng đạo đức bắt nguồn từ nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tu luyện an hòa này bị ĐCSTQ bức hại tàn bạo từ năm 1999 ở Trung Quốc.

Bà Nancy Dong, nhà vận động nhân quyền và nhà phê bình ĐCSTQ, người bị anh Zhao tấn công, nói với The Epoch Times rằng khi bà quay trở lại ô tô thì thấy hai người đàn ông Trung Quốc đang vẽ bậy lên tấm biển gắn trên nóc ô-tô của bà; tấm biển có nội dung “Giải thể ĐCSTQ tà ác”.

Bà Dong đã quay video hai người đàn ông đó bằng điện thoại của bà trước khi bị một trong số họ giật lấy điện thoại và tiến hành hành hung.

“Thanh niên này sau đó dùng cùi chỏ ghè vào cổ tôi, nhấc tôi lên rồi ném tôi xuống đất. Sau đó anh ta đá và đấm tôi. Tôi suýt ngất đi sau cú ngã, và tôi mất khả năng chống lại các đòn tấn công của thanh niên đó”, bà Dong thuật lại.

Vụ ẩu đả được cho là đã khiến cánh tay của bà Dong xuất hiện những vết bầm tím và phần dưới cơ thể xuất hiện nhiều vết thương; hiện bà Dong phải dùng nạng để di chuyển.

Trong khi hai người đàn ông đang xịt sơn lên xe của bà Dong, một người phụ nữ được cho là đã trông chừng cho họ. Cảnh sát Úc đã công bố hình ảnh của 3 người này và đang tìm kiếm thông tin về họ.

Úc bắt giữ một người Trung Quốc vì đã hành hung nhà hoạt động chống ĐCSTQ
Bà Nancy Dong bị hành hung khi biểu tình phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Canberra, Úc, ngày 04/10/2022. (Ảnh: Song Hua/The Epoch Times)

Dù là nạn nhân nhưng bà Dong nói rằng bà cảm thấy những kẻ tấn công bà rất đáng thương.

“Những người trẻ tuổi này trạc tuổi [các] con tôi”, bà nói với The Epoch Times. “Tôi cảm thấy rất tệ khi thấy ĐCSTQ giáo dục những người trẻ tuổi trở nên xấu xa và tàn bạo như vậy”.

Hoa kiều biểu tình để phản đối ĐCSTQ

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh làn sóng phản đối ĐCSTQ ngày càng lan rộng. Nhiều cuộc biểu tình chống lại ĐCSTQ nổ ra trên khắp Trung Quốc và nước ngoài.

Tại Sydney, hơn 100 người biểu tình từ mọi tầng lớp xã hội, sắc tộc và quan điểm chính trị - chủ yếu là sinh viên - đã tập hợp lại, với lý do họ cảm thấy có nghĩa vụ phải lên tiếng cho những anh chị em của họ đang sống tại Trung Quốc, những người không được hưởng quyền tự do bày tỏ quan điểm như họ.

Hô vang những khẩu hiệu như “Tập Cận Bình, hãy hạ đài; ĐCSTQ, hãy hạ đài”, những người biểu tình tập trung trước Tòa thị chính Sydney vào ngày 28/11 để chỉ trích ĐCSTQ và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Họ cũng lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình nổ ra ở Trung Quốc do người dân không thể tiếp tục chịu đựng chính sách “zero-COVID” hà khắc của chính quyền.

Một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, một sinh viên quốc tế đến từ Thượng Hải, cô Laura Nguyen, nói rằng những người tập trung tại đó ngày hôm ấy “khác nhau về quan điểm chính trị”.

“Tuy nhiên, chúng tôi đang đứng ở đây vì cùng lý do: nhân quyền, tự do và dân chủ”, cô nói.

Một nhà hoạt động trẻ tuổi khác nói với The Epoch Times rằng cô và bạn bè tham dự cuộc biểu tình để kêu gọi tự do và dân chủ.

“Dù ĐCSTQ đã dỡ bỏ một số hạn chế phong tỏa, nhưng rất nhiều người biểu tình và các nhà hoạt động vẫn đang ở trong tù, và ĐCSTQ vẫn đang nắm quyền. Vì vậy, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải đến đây và nói thay cho những người dân Trung Quốc không có tự do, không có dân chủ”, cô nói.

Cô nói thêm rằng phản ứng dữ dội trên quy mô lớn chống lại sự cai trị của ĐCSTQ ở Trung Quốc trong những tuần gần đây cho thấy “ĐCSTQ rất tà ác”.

“ĐCSTQ là một chế độ độc tài; họ chỉ quan tâm đến quyền lực của họ; họ muốn nhốt mọi người trong nhà. Khi chúng ta thấy rằng phần còn lại của thế giới đã học cách sống chung với COVID-19, thì Trung Quốc vẫn giữ chính sách này [zero-COVID], điều này có nghĩa là chính sách này không phải để bảo vệ người dân khỏi COVID-19; nó là để hạn chế và kiểm soát mọi người, để nhốt mọi người trong lồng. Đây chính là ĐCSTQ”, cô nói.

Trên toàn thế giới, làn sóng người dân ký tên nhằm thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới ngày càng bùng nổ. Hơn 400 triệu người Trung Quốc đã thoái khỏi ĐCSTQ và ký tên [bằng hóa danh hoặc tên thật] vào phong trào “Giải thể ĐCSTQ”.

Xuân Hoa

Theo Cindy Zhan - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Úc bắt giữ một người Trung Quốc vì đã hành hung nhà hoạt động chống ĐCSTQ