Úc bắt tay Hà Lan kiện Nga vì vụ mất tích máy bay MH17

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 14/3, Úc vừa ra thông báo cho biết sẽ cùng với Hà Lan bắt đầu tiến trình pháp lý với Nga tại Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về vụ máy bay MH17 bị bắn hạ tại Ukraine vào năm 2014.

Úc và Hà Lan đã khởi động một hành động chung chống lại Nga về vụ bắn rơi chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia năm 2014.

Vụ kiện sẽ được đệ trình lên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và nêu tên Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc theo luật pháp quốc tế.

Chuyến bay MH17 bị bắn rơi ngày 17/7/2014 khi đang bay trên vùng ly khai, miền đông Ukraine.

Tất cả 298 người trên máy bay đã thiệt mạng, bao gồm 193 người Hà Lan, 43 người Malaysia và 38 người Úc.

“Đây là một bước quan trọng trong cuộc chiến vì sự thật, công lý và trách nhiệm giải trình cho tất cả các nạn nhân của MH17, bao gồm cả 38 người đã gọi Úc là quê hương”, Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói với các phóng viên hôm 14/3.

Bộ trưởng Tư pháp Michaelia Cash cho biết Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế, còn được gọi là Công ước Chicago, yêu cầu các quốc gia hạn chế sử dụng vũ khí chống lại máy bay dân dụng trong chuyến bay.

Bà Cash nói với các phóng viên: “Nghĩa vụ đó là tối quan trọng trong việc giữ gìn an toàn và an ninh của hàng không dân dụng quốc tế. Việc Máy bay MH17 bị bắn rơi là một sự vi phạm rõ ràng đối với Công ước Chicago. Một vi phạm mà Nga phải chịu trách nhiệm”.

Bà nói: “Nó gây ra nỗi đau to lớn cho thân nhân của các nạn nhân - nỗi đau càng trầm trọng hơn khi Nga không có bất kỳ sự thừa nhận nào về trách nhiệm của mình cho đến nay".

Các nhà chức trách Nga đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào tháng 10/2020, để lại các cơ quan ở Úc, Bỉ, Malaysia và Hà Lan tiếp tục điều tra.

Ảnh của Epoch Times
Thượng nghị sĩ Michaelia Cash trong buổi xuất hiện tại Ủy ban Giáo dục và Việc làm tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 25/3/2021 ở Canberra, Úc. (Ảnh Getty Images)

Bà Cash cho biết hành động pháp lý sẽ dựa trên bằng chứng kết luận rằng:

  • Chuyến bay MH17 bị hệ thống tên lửa đất đối không Buk-TELAR của Nga bắn hạ;
  • Hệ thống tên lửa được vận chuyển từ Nga đến một cánh đồng nông nghiệp ở phía đông Ukraine vào sáng ngày 17/7/2014 - một khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn;
  • Hệ thống tên lửa này thuộc Lữ đoàn quân sự phòng không số 53 của Liên bang Nga, và được tháp tùng bởi một phi hành đoàn quân sự đã được huấn luyện của Nga;
  • Từ bãi phóng, Buk-TELAR đã bắn tên lửa bắn hạ Chuyến bay MH17, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng;
  • Tên lửa chỉ có thể được bắn bởi phi hành đoàn Buk-TELAR của Nga đã được huấn luyện, hoặc ít nhất là bởi một người nào đó hành động dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo hoặc điều khiển của họ;
  • Hệ thống tên lửa Buk đã được trao trả cho Liên bang Nga ngay sau khi Chuyến bay MH17 bị bắn rơi.

Úc và Hà Lan sẽ yêu cầu ICAO ra tuyên bố rằng, Nga đã vi phạm Công ước Chicago — và yêu cầu nước này bắt đầu lại các cuộc đàm phán thiện chí để giải quyết vấn đề bồi thường đầy đủ cho những “tổn thương do hành vi vi phạm của Nga”.

Hơn nữa, họ đang yêu cầu ICAO thông báo cho quốc hội rằng, Nga không có quyền biểu quyết theo Công ước Chicago và quyền biểu quyết của nước này bị đình chỉ. Cần phải xem xét các biện pháp trừng phạt nặng hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Payne cho biết, hành động này là "bổ sung" cho một vụ kiện dân sự đang diễn ra của chính quyền Hà Lan tại các tòa án quốc gia của nước này, cũng như một hành động vi phạm nhân quyền tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Các thẩm phán và luật sư của phiên tòa xem đống đổ nát được tái tạo lại của Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, tại căn cứ không quân quân sự Gilze-Rijen, miền nam Hà Lan, vào ngày 26/5/2021. (Ảnh Getty Images)

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết trong một tuyên bố, những nỗ lực pháp lý sẽ mang lại công lý cho gia đình các nạn nhân.

Ông nói: “Trong khi chúng tôi không thể làm vơi đi nỗi đau của những người thân yêu của họ đã chết vì hành động của Nga, chính phủ Úc sẽ theo đuổi mọi con đường hiện có để đảm bảo Nga phải chịu trách nhiệm để hành động khủng khiếp này không bao giờ xảy ra nữa”.

Người thân tưởng niệm vào ngày 17/7/2021 trong khu rừng tưởng niệm ở Công viên Vijfhuizen, nơi xảy ra thảm họa chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị rơi 7 năm trước vào ngày 17/7/2014 tại Hà Lan. (Ảnh Getty Images)

Chính phủ Úc đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 33 “nhà tài phiệt” người Nga, bao gồm cả tỷ phú nổi tiếng và là chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, Roman Abramovich.

Đợt trừng phạt mới nhất bao gồm những người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước và lực lượng vũ trang Nga cùng với các lệnh trừng phạt gần đây - với số lượng khoảng 460 cá nhân - từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu, Canada và New Zealand.

Chịu các lệnh trừng phạt của Úc gồm có: Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller, Chủ tịch Rossiya Dmitri Lebedev, Chủ tịch Rostec Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành Transneft Nikolay Tokarev, Chủ tịch Vnesheconombank Igor Shuvalov, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga Kirill Dmitriev và ông chủ Chelsea Abramovich.

“Các lệnh trừng phạt được công bố hôm nay củng cố cam kết của Úc trong việc trừng phạt những cá nhân có tích lũy tài sản khổng lồ, có ý nghĩa kinh tế cũng như chiến lược đối với Nga, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin”, Ngoại trưởng Marise Payne cho biết trong một tuyên bố vào ngày 14/3.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne phát biểu trong một cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook tại Bộ Ngoại giao Seol vào ngày 13/9/2021. (Ảnh Getty Images)
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne phát biểu trong một cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook tại Bộ Ngoại giao Seol vào ngày 13/9/2021. (Ảnh Getty Images)

Bà nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác để buộc Nga phải trả giá đắt cho các hành động của mình. Chính phủ Úc nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng tôi đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như người dân Ukraine".

Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản, cấm đi lại và hạn chế các giao dịch tài chính.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Úc bắt tay Hà Lan kiện Nga vì vụ mất tích máy bay MH17