Úc điều tra việc Tiktok thu thập dữ liệu của người dùng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Nội vụ và An ninh mạng Úc đã ra lệnh cho các cơ quan an ninh mạng điều tra việc thu thập dữ liệu của gã khổng lồ truyền thông xã hội TikTok, sau khi có thông tin về việc dữ liệu của người dùng TikTok tại Úc có thể được truy cập tại Trung Quốc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Úc hôm 05/9, Bộ trưởng Nội vụ và An ninh mạng nước này, bà Clare O’Neil cho biết bà đã yêu cầu mở cuộc điều tra về việc nền tảng công nghệ TikTok khai thác thông tin của những người dùng Úc. Đồng thời, bà lên tiếng cảnh báo người dùng ứng dụng TikTok Úc nên thận trọng với việc thu thập dữ liệu của ứng dụng này.

“Tôi muốn nói với người dân Úc: nếu quý vị đang sử dụng TikTok, hãy nghĩ về việc dữ liệu của quý vị đang được thu thập và không phải lúc nào chúng ta cũng tự tin 100% về cách mà dữ liệu đó đang được sử dụng", bà O'Neil nói với đài ABC hôm 05/9.

"Chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong thời đại kỹ thuật số".

Tờ Digital 2022 đã công bố một báo cáo của công ty nghiên cứu dữ liệu internet WE ARE SOCIAL rằng, phiên bản quốc tế của TikTok có 7,38 triệu người dùng ở Úc, chỉ đứng sau Facebook, Facebook Messenger và Instagram.

Bà Clare Ellen O'Neil, Bộ trưởng Nội vụ và An ninh mạng Úc, tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm 01/9/2022. (Ảnh: Martin Ollman/Getty Images)

Động thái này diễn ra sau khi TikTok Úc thừa nhận vào tháng 7 rằng, các nhân viên của họ ở Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng Úc.

“Các nhóm bảo mật của chúng tôi giảm thiểu số lượng người có quyền truy cập vào dữ liệu và chỉ giới hạn phạm vi ở người cần quyền truy cập để thực hiện công việc của họ", ông Brent Thomas, giám đốc chính sách công của TikTok tại Úc, đã viết trong thư trả lời ông James Paterson, Bộ trưởng phụ trách an ninh mạng và chống lại sự can thiệp của nước ngoài.

“Chúng tôi có các chính sách và quy trình giới hạn quyền truy cập nội bộ vào dữ liệu người dùng Úc của nhân viên của chúng tôi, ở bất cứ nơi đâu và căn cứ trên nhu cầu", ông nói.

Mối quan tâm của 'các quốc gia độc tài'

Bộ trưởng Nội vụ và An ninh mạng Úc cho biết đây là vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả việc thu thập dữ liệu của TikTok.

“Đây là một vấn đề còn lớn hơn nhiều so với việc thu thập dữ liệu với tư cách là người dùng Úc. Chúng ta sẽ tương tác với công nghệ được phát minh ở các quốc gia độc tài”, bà O'Neil nói với đài ABC.

TikTok là nền tảng video âm nhạc định dạng ngắn cực kỳ phổ biến cho phép người dùng tạo, chia sẻ và xem các video dài 15 giây, thường có ca hát, nhảy múa hoặc hài kịch.

Ứng dụng đã thu hút 100 triệu người dùng Trung Quốc trong vòng một năm kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 9/2016 tại Trung Quốc với tên gọi "Douyin” và được ra mắt với tên TikTok quốc tế vào tháng 9/2017, thu hút hàng chục người dùng nổi tiếng hạng A và các đối tác của các hãng tin lớn như NBA, NFL và Comedy Central.

Đến năm 2020, chưa đầy 4 năm sau khi thành lập, TikTok báo cáo họ đã có gần một tỷ người dùng tích cực trên toàn thế giới.

Người dùng TikTok đang cung cấp dữ liệu cho cơ quan tình báo của ĐCSTQ, chuyên gia mạng cảnh báo Tiktok thu thập dữ liệu người dùng và gửi về Trung Quốc, quy định của Mỹ đối với các công ty như Tiktok, những lo ngại về TikTok ngày càng gia tăng, ĐCSTQ khao khát kiểm soát dữ liệu người dùng
Người dân đi ngang qua trụ sở của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, ở Bắc Kinh vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, nền tảng truyền thông xã hội có trụ sở tại Trung Quốc đã bị giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ. Chủ sở hữu TikTok là công ty ByteDance được báo cáo có liên kết với ĐCSTQ. Điều này có nghĩa là ĐCSTQ có thể đưa ra yêu cầu trực tiếp để truy cập vào dữ liệu người dùng.

Bộ trưởng Clare O’Neil khẳng định: “Thực tế là có hàng triệu người dân Úc sử dụng ứng dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu của những người này đang còn nhiều nghi vấn, nên đây là một thách thức bảo mật hiện đại đối với đất nước và chưa có quốc gia nào trên thế giới có thể dễ dàng tìm ra giải pháp để quản lý điều này”.

“Nhưng tôi chỉ nói với người Úc rằng: Đây là một vấn đề thực sự khó và rất mới mẻ".

“Tôi đã nói chuyện với những người đồng cấp của mình ở Hoa Kỳ, ở Canada, ở Anh, ở các quốc gia thân thiện khác. Tất cả chúng tôi đều đang cố gắng tìm cách vượt qua một loạt các vấn đề rất hiện đại”.

Bộ trưởng An ninh mạng Úc: Không loại trừ lệnh cấm

Thượng nghị sĩ Đảng tự do Úc James Paterson đã kêu gọi chính phủ không loại trừ lệnh cấm đối với TikTok.

Ông cho biết liên minh sẽ hỗ trợ "bất kỳ sáng kiến ​​thích hợp nào mà chính phủ đề xuất" sau khi xem xét, nhưng đề nghị chính phủ phải xem xét tất cả các lựa chọn, bao gồm cả lệnh cấm.

Ông nói với tờ Sydney Morning Herald rằng: “Tôi lo ngại rằng trước khi nhận được bất kỳ văn bản nào từ Bộ Nội vụ, việc Bộ trưởng loại trừ khả năng cấm mọi ứng dụng mạng xã hội có nguy cơ gây ra rủi ro an ninh quốc gia là điều không thể chấp nhận được".

"Có thể giảm thiểu một số rủi ro về quyền riêng tư và an ninh mạng theo quy định. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng các biện pháp cứng rắn như lệnh cấm là giải pháp thỏa đáng nhất đối với những ứng dụng tương tự".

Thượng nghị sĩ James Paterson phát biểu về sửa đổi dự luật hôn nhân đồng giới tại Thượng viện ở Úc tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 28/11/2017 ở Canberra, Úc. (Ảnh: Michael Masters/Getty Images)

Ông Paterson cho biết, có nhiều cách để xử lý các nền tảng truyền thông xã hội như tăng cường các quy định bảo mật dữ liệu, chẳng hạn như yêu cầu dữ liệu của người dùng Úc phải được lưu trữ tại Úc và chặn quyền truy cập từ các quốc gia độc tài như Trung Quốc.

Ông cho biết chính phủ cũng có thể xem xét các biện pháp tiết lộ can thiệp của nước ngoài, chẳng hạn như yêu cầu xác định các tài khoản nếu chúng có liên kết với chính phủ nước ngoài.

Bên cạnh đó, chính phủ Úc cũng sẽ xem xét các phương tiện truyền thông xã hội khác, bao gồm WeChat, một ứng dụng Trung Quốc khác phổ biến với người Úc gốc Hoa, tờ Sydney Morning Herald đưa tin.

“Đó không chỉ là về TikTok", bà O'Neil nói với hãng tin tức.

“Chúng ta gặp phải vấn đề cơ bản này trong bối cảnh các công ty công nghệ có trụ sở tại các quốc gia có cách tiếp cận độc đoán hơn đối với khu vực tư nhân và đây là một vấn đề tương đối mới mẻ".

Các quan chức Bộ Nội vụ Úc đã không phản hồi trước yêu cầu của The Epoch Times về việc xác nhận xem họ có cân nhắc điều tra thêm phần mềm WeChat hay không.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Úc điều tra việc Tiktok thu thập dữ liệu của người dùng