Úc lên án chính quyền Iran đàn áp người biểu tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Úc đã lên án "việc sử dụng vũ lực gây chết người và không cân xứng" của các nhà chức trách Iran chống lại những người biểu tình đã tràn xuống đường phố trên khắp đất nước sau cái chết của một cô gái 22 tuổi Mahsa Amini. Cô đã bị cảnh sát đạo đức của Iran bắt giữ vì bị cáo buộc 'trang phục không phù hợp'.

Phụ nữ Iran bắt buộc phải đội khăn trùm đầu từ khi 9 tuổi, sau khi chính phủ Iran thực thi luật này vào năm 1983, tờ RFERL đưa tin. Tuy nhiên, quy tắc này là đã gây ra không ít tranh cãi và chứng kiến ​​những phản đối không ngừng trong suốt 43 năm cầm quyền của nhà nước Hồi giáo.

Úc ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về cái chết của cô gái trẻ Amini

“Chúng tôi rất lo lắng trước các báo cáo rằng hàng chục người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, bao gồm cả thanh thiếu niên. Đây là biện pháp mạnh tay mà chính quyền Iran đã thực hiện để trấn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra”, Ngoại trưởng Úc Penny Wong và Bộ trưởng Phụ nữ Katy Gallagher cho biết trong một tuyên bố trên phương tiện truyền thông vào ngày 27/9.

“Úc ủng hộ quyền biểu tình hòa bình của người dân Iran và kêu gọi chính quyền Iran kiềm chế trước các cuộc biểu tình đang diễn ra”.

Các bộ trưởng lưu ý rằng Úc sẽ ủng hộ các lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, công bằng về cái chết của cô gái trẻ Amini bởi một cơ quan độc lập. Lời kêu gọi điều tra, do Cao ủy Nhân quyền LHQ dẫn đầu, được cho là sẽ cung cấp một con đường để người thân của cô gái trẻ biết được sự thật về cái chết của cô và khiến cho những người có trách nhiệm phải giải trình.

Cô Amini qua đời vào ngày 16/9 sau khi bị cảnh sát đạo đức Tehran giam giữ. Theo một thông cáo truyền thông của LHQ, cô Amini đã suy sụp sau khi bị giam giữ trong ba ngày.

“Một số báo cáo cho rằng cái chết của cô Amini là do bị tra tấn và đối xử tệ bạc”, LHQ cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 22/9.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Iran tuyên bố rằng, cô Amini đã qua đời vì một cơn đau tim.

Ngay sau khi tin tức về cái chết của cô Amini được đăng tải, một bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy cô nằm trong bệnh viện Tehran trong tình trạng hôn mê, khiến người Iran trên khắp đất nước tức giận. Họ đã xuống đường trong 11 ngày qua để yêu cầu lực lượng an ninh Iran phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô gái.

Hiện tại, nhóm vận động nhân quyền Iran Human Rights cáo buộc rằng, lực lượng an ninh ở Iran đã sát hại 76 người biểu tình và sử dụng đạn thật để chống lại họ. Ngoài ra, nhóm tuyên bố rằng gia đình của những người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đang bị buộc phải chôn cất người thân của họ vào ban đêm và sẽ đối mặt với các cáo buộc pháp lý nếu họ công khai việc này.

Nhà chức trách Iran đã đưa ra con số thiệt mạng là 41 người và nói rằng con số này bao gồm cả nhân viên an ninh, đài BBC đưa tin hôm 28/9.

Canada và Mỹ trừng phạt Lực lượng an ninh Iran

Tuyên bố của chính phủ Úc được đưa ra sau tuyên bố của Hoa Kỳ và Canada về việc họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến cái chết của cô Amini, bao gồm cả cảnh sát đạo đức Iran.

“Chúng tôi đã chứng kiến việc Iran coi thường nhân quyền hết lần này đến lần khác. Bây giờ chúng ta thấy điều đó trước cái chết của cô gái Mahsa Amini và việc đàn áp các cuộc biểu tình”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói.

“Hôm nay, tôi xin thông báo rằng chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục cá nhân và thực thể, bao gồm cả cái gọi là cảnh sát đạo đức Iran”.

Trong khi đó, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (Treasury Department’s Office of Foreign Assets Control) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố sẽ trừng phạt các lãnh đạo của Bộ Tình báo và An ninh Iran, Lục quân Iran, Lực lượng Kháng chiến Basij và các cơ quan thực thi pháp luật khác đồng thời đóng băng tài sản và tài khoản ngân hàng của họ ở Hoa Kỳ.

“Các quan chức này giám sát các tổ chức thường xuyên sử dụng bạo lực để trấn áp những người biểu tình ôn hòa và các thành viên của xã hội dân sự Iran, những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động vì nữ quyền và các thành viên của cộng đồng Baha'i Iran", Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.

Hôm 22/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đưa ra thông báo trừng phạt 7 quan chức vì bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Ông Blinken nói: “Chính phủ Iran cần phải chấm dứt tình trạng ngược đãi có hệ thống đối với phụ nữ và cho phép biểu tình ôn hòa”.

Ông nói thêm rằng Washington sẽ tiếp tục buộc những người vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm.

Nhà báo Iran: Cái chết của cô Amini là 'điểm tới hạn'

Tờ Reuters hôm 28/9 đưa tin, cô Masih Alinejad, một nhà báo Iran và nhà hoạt động vì nữ quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết các cuộc biểu tình nổ ra ở hàng chục thành phố về cái chết của một phụ nữ trẻ Iran Mahsa Amini bị cảnh sát giam giữ là một "điểm tới hạn" đối với Iran.

Cô Alinejad nói với tờ Reuters hôm 27/9 tại New York rằng: “Đối với Cộng hòa Hồi giáo, vụ sát hại cô Mahsa Amini đang trở thành điểm nóng vì quy định về khăn trùm đầu là bắt buộc. Nó giống như Bức tường Berlin. Và nếu phụ nữ Iran phá bỏ bức tường này, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không còn tồn tại".

Cái chết của cô gái trẻ Amini đã khiến cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi, trong khi Iran đổ lỗi cho "những kẻ côn đồ" có liên hệ với "kẻ thù nước ngoài" gây ra tình trạng bất ổn cho nước này. Tehran cáo buộc Mỹ và một số nước châu Âu lợi dụng tình hình này để gây bất ổn cho Cộng hòa Hồi giáo.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Úc lên án chính quyền Iran đàn áp người biểu tình