Ukraine bác lời kêu gọi đình chiến Giáng sinh của ông Putin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (5/1), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi ngừng bắn trong 36 giờ trong dịp Lễ Giáng sinh của Chính thống giáo. Tuy nhiên, Ukraine sau đó đã bác bỏ lời kêu gọi của ông.

Hôm 5/1, ông Putin đã ra lệnh ngừng bắn từ giữa trưa ngày thứ Sáu (6/1), sau lời kêu gọi đình chiến vào dịp Giáng sinh từ Thượng phụ Kirill của Moscow, người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga.

“Tôi chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga áp dụng chế độ ngừng bắn dọc theo toàn bộ đường tiếp giáp của đôi bên ở Ukraine từ 12:00 ngày 6/1/2023 đến 24:00 ngày 7/1/2023", ông Putin nói trong chỉ thị, theo phương tiện truyền thông nhà nước. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lệnh ngừng bắn lớn đầu tiên kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu khoảng một năm trước.

Ông lưu ý rằng có “một số lượng lớn công dân theo Chính thống giáo sống trong các khu vực chiến sự” và kêu gọi các lực lượng Ukraine “tuyên bố ngừng bắn và cho phép họ tham gia các buổi lễ vào Đêm vọng Giáng sinh, cũng như vào Ngày Giáng sinh”.

Tuy nhiên, đáp lại, cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak đã viết trên Twitter rằng, Nga “phải rời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” trước khi một “thỏa thuận ngừng bắn tạm thời” được ban hành.

“Ukraine không tấn công lãnh thổ nước ngoài và không sát hại thường dân như những gì Liên bang Nga đã làm. Ukraine chỉ tiêu diệt các thành viên của quân đội chiếm đóng trên lãnh thổ của mình”, ông Podolyak viết trên mạng xã hội. Ông nói thêm, lời kêu gọi của Đức Thượng phụ Kirill là một “cái bẫy ích kỷ và một yếu tố tuyên truyền".

Đài Loan và Mỹ ký hợp đồng trị giá 84 triệu USD bảo trì hệ thống tên lửa Patriot PAC-3
Các sĩ quan Quân đội Hoa Kỳ đứng bên cạnh hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. (Ảnh: Jack Guez/AFP/Getty Images)

Trước đó vào ngày 5/1, Đức Thượng phụ Kirill cho biết trong một tuyên bố rằng, ông kêu gọi “tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột nội bộ thiết lập một lệnh ngừng bắn Giáng sinh từ 12:00 trưa theo giờ Moscow vào ngày 6/1 đến 12:00 sáng ngày 7/1”. Trước đây, Đức Thượng phụ Kirill đã công khai ủng hộ cuộc xâm lược như một phần của "cuộc đấu tranh siêu hình" của Nga chống lại hệ tư tưởng tân tự do của phương Tây.

Khi được hỏi về lệnh ngừng bắn của ông Putin tại một sự kiện hôm 5/1, Tổng thống Joe Biden nói rằng, ông “miễn cưỡng đáp lại bất cứ điều gì ông Putin nói", và “Tôi cho rằng ông ấy đang cố gắng tìm chút dưỡng khí".

Những chi tiết khác

Tại nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2, chính quyền Nga đã ra lệnh đình chiến cục bộ và hạn chế để cho phép sơ tán dân thường hoặc vì các mục đích nhân đạo khác. Lệnh đình chiến ban hành hôm 5/1 đánh dấu lần đầu tiên ông Putin chỉ đạo quân đội của mình tuân thủ lệnh ngừng bắn trên khắp Ukraine.

Theo văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đã ban hành lệnh đình chiến sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thúc giục ông thực hiện một lệnh ngừng bắn đơn phương trong một cuộc điện đàm vào hôm 5/1. Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga “tái khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại nghiêm túc” với chính quyền Ukraine.

Ông Erdogan sau đó cũng nói với ông Zelenskyy qua điện thoại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho một “hòa bình lâu dài”. Ông Erdogan đã thường xuyên đưa ra những đề xuất như vậy, nhằm giúp môi giới một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc và đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù nhân Ukraine - Nga.

Điện Kremlin tuyên bố sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với các điều kiện tiên quyết thông thường: "Chính quyền Kyiv đáp ứng các yêu cầu nổi tiếng và được tuyên bố nhiều lần, đồng thời công nhận các vùng lãnh thổ mới", Điện Kremlin cho biết, đề cập đến việc Moscow khăng khăng rằng Ukraine công nhận Bán đảo Crimea là một phần của Nga và thừa nhận về các lãnh thổ này kể từ ngày 24/2.

Các binh sĩ Ukraine khai hỏa bằng pháo tự hành 155 mm / 52 ly Caesar của Pháp về phía các vị trí của Nga tại chiến tuyến ở khu vực Donbas, miền Đông Ukraine vào ngày 15/6/2022. (Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty Images)

Trong một diễn biến khác, người đứng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không nhận thấy Moscow có sự thay đổi về lập trường đối với vấn đề Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Điện Kremlin “muốn kiểm soát một quốc gia láng giềng châu Âu”.

“Không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đã thay đổi kế hoạch và mục tiêu [trong chiến dịch quân sự đặc biệt] của mình đối với Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại Oslo, Na Uy, theo hãng tin AP.

Giáng sinh rơi vào ngày 25/12 theo lịch Gregorian hiện tại, được giới thiệu vào những năm 1500. Nhà thờ Chính thống giáo sử dụng lịch Julian sớm hơn, kỷ niệm Giáng sinh vào ngày 7/1/2023.

Trong khi đó, các cường quốc phương Tây ngày càng viện trợ nhiều vũ khí cho Ukraine. Trong cam kết mới nhất, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, họ có kế hoạch sớm đàm phán với người đồng cấp Ukraine về việc cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép.

Về phía Mỹ, ông Biden cho biết xe chiến đấu Bradley - loại phương tiện chiến đấu bọc thép hạng trung dùng để chở quân - có thể được gửi tới Ukraine trong thời gian tới. Tổng thống Biden xác nhận sẽ gửi những chiếc xe này cho Ukriane vào hôm 4/1. được hỏi về việc gửi những chiếc xe đó vào thứ hôm 4/1, theo đài Foxnews.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và phương Tây viện trợ quân sự và vũ khí cho đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.

“Không có lý do hợp lý nào giải thích tại sao Ukraine vẫn chưa được cung cấp xe tăng kiểu phương Tây", ông Zelenskyy cho biết trong tuần này. “Chúng ta phải chấm dứt hoàn toàn cuộc xâm lược của Nga trong năm nay và không trì hoãn bất kỳ khả năng phòng thủ nào có thể đẩy nhanh quá trình đánh bại nhà nước khủng bố".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ukraine bác lời kêu gọi đình chiến Giáng sinh của ông Putin