Chuyên gia: 'Vấn đề nhân quyền không phải chuyện nội bộ của Trung Quốc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 20/07 đánh dấu 23 năm chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần với các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức.

Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến trong những năm 1990 với hơn 100 triệu người tu luyện ở Trung Quốc vào cuối thập niên đó. Cho rằng điều này là một mối đe dọa, vào năm 1999 chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch trên toàn quốc tìm cách “xóa sổ” môn tu luyện này.

Hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù và các cơ sở giam giữ trên khắp đất nước, nơi họ bị tra tấn và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Theo các nhà vận động nhân quyền hàng đầu tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022 tại Hoa Kỳ từ ngày 28/6 đến ngày 30/06, việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức các học viên Pháp Luân Công nên được chú trọng khi đề cập các vấn đề nhân quyền với Trung Quốc.

“Trước hết, chúng ta cần tập trung vào việc này, bởi vì đó là một trong những tội ác kinh khủng nhất mà quý vị có thể hình dung", bà Katrina Lantos Swett, cựu chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), nói với chương trình “China Insider” (Nội tình Trung Quốc) của đài truyền hình NTD.

“Hơn nữa chuyện này là một thực tế không thể phủ nhận. Đó là điều mà người ta khi nghe đến sẽ cảm thấy choáng váng và ghê sợ", bà Swett nói thêm.

Theo bà Swett, khi nghe về tội ác kinh khủng này, mọi người liên tưởng đến thực tế rằng “các trường y, bệnh viện của họ có thể gián tiếp tiếp tay, bởi vì họ đang đào tạo các bác sĩ Trung Quốc, và họ đang tham gia các chương trình với các bác sĩ này".

Bà giải thích, “Điều đó có thể khiến mọi người tăng phần phẫn nộ về mặt đạo đức … và chuẩn bị kỹ càng hơn để tập trung vào một loạt các hành vi lạm dụng ở Trung Quốc".

Ông Lord David Alton từ Hạ viện Anh, cũng gọi hành động này là đáng lên án. Ông nói rằng, ông cùng các đồng sự thuộc tất cả các đảng phái của mình đang làm việc trên các dự luật để đưa ra các hình phạt lớn hơn cho bất kỳ ai dính líu tới hoạt động thu hoạch nội tạng này.

Ông Alton nói: “Nó tạo ra động lực không khuyến khích người dân đi du lịch từ Vương quốc Anh để thực hiện việc [cấy ghép nội tạng] đó".

Bà Katrina Lantos Swett, phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, trình bày trong một phiên điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos về “Tình cảnh của các Nhóm thiểu số Tôn giáo ở Ấn Độ” tại Capitol Hill ở Hoa Kỳ vào ngày 04/04/2014. (Ảnh: Nicholas Kamm/AFP qua Getty Images)

Không phải là vấn đề nội bộ của Trung Quốc

Bà Swett bác bỏ luận điệu của chính quyền Trung Quốc rằng các vấn đề nhân quyền là vấn đề nội bộ của họ và các quốc gia khác không nên can thiệp vào.

Bà trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, nói rằng, “Không một quốc gia nào có thể nói với phần còn lại của thế giới rằng cách chúng tôi đối xử hoặc ngược đãi công dân của chúng tôi không phải là việc của các vị".

Bà nói thêm: “Quyền của công dân của họ là vấn đề của luật pháp quốc tế, không phải là vấn đề của luật pháp Trung Quốc".

Theo quan điểm của bà Swett, Bắc Kinh viện cớ “vì họ không muốn tội lỗi của mình được trưng ra trước thế giới".

“Và họ cố gắng hết sức để gây áp lực và đe dọa để không cho người khác làm điều đó. Nhưng thực tế là họ quá đỗi nhạy cảm, chỉ muốn biện hộ, và quá mức thù địch trước bất kỳ nỗ lực nào để nói lên sự thật cho chúng ta biết rằng họ có một chút sợ hãi để thế giới biết sự thật", bà Swett nói.

Bà Mary Beth Long, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh quốc tế, cũng đồng ý với các lập luận của bà Swett.

Bà nói: “Cách Trung Quốc đối xử với vấn đề nhân quyền của họ có tác động về mặt an ninh đối với tất cả chúng ta".

“Những ranh giới nhân tạo về nội bộ và ngoại giới này, với tư cách là con người, chúng ta không thể đồng ý với nó, không thể khi nói đến các quyền căn bản của nhân loại như tự do tôn giáo”, bà cho biết thêm.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chính đặc trách các Vấn đề An ninh Quốc tế Mary Beth Long (ở giữa) và Chỉ huy Bộ Tư lệnh các Lực lượng Liên hợp-Afghanistan, Đại tướng Karl Eikenberry lắng nghe Quản trị viên Cơ quan Thực thi Ma túy (DEA) Karen Tandy khi bà làm chứng trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện về tình trạng an ninh và an toàn ở Afghanistan, tại Hoa Kỳ vào ngày 28/06/2006. (Ảnh: Joshua Roberts/Getty Images)

Kêu gọi hành động

Bà Swett tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn cầu hành động chống lại các tội ác về nhân quyền nói chung, và cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc nói riêng.

Bà nói: “Chúng ta cần có nhiều lãnh đạo chính phủ hơn ở cấp cao nhất nói về cuộc đàn áp này, chỉ trích công khai và quy trách nhiệm cho Trung Quốc".

Bà Nadine Maenza, cựu ủy viên USCIRF, bày tỏ quan điểm chung rằng, “Chính phủ Hoa Kỳ cần sử dụng mọi đòn bẩy mà mình có để chống lại Trung Quốc, và để mang lại nhân quyền, để đưa các quốc gia khác cùng vào cuộc".

Bà nói thêm: “Chúng ta có thể gắn tự do tôn giáo, gắn nhân quyền với các mục tiêu chính sách ngoại giao".

“Chúng ta an toàn hơn khi tự do tôn giáo và nhân quyền được cải thiện trên toàn thế giới. Và điều gì xảy ra khi mọi thứ đang xấu đi và tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, điều đó đang gây ra tất cả các loại xung đột trên khắp thế giới mà chúng ta sẽ phải giải quyết".

Trong khi đó, bà Long đề nghị tích hợp vấn đề nhân quyền của chính quyền Trung Quốc với chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Bà nói: “Đó là một phần không thể thương lượng, và không bao giờ nên được thương lượng trong an ninh quốc gia hoặc các chính sách của chúng ta".

Bà Long nói: “Nếu Trung Quốc chọn trở thành một bên đóng góp tích cực trong không gian làm việc toàn cầu, thì Trung Quốc phải thừa nhận quyền căn bản đó trong cách thức điều đó tác động tới các mối quan hệ kinh tế, quan hệ thương mại, sự tham gia của chúng ta với các hoạt động thể thao của nhau".

“Một khi quý vị trở thành một tác nhân quốc tế vô trách nhiệm, như Triều Tiên chẳng hạn, nếu quý vị không thể bảo vệ chính những giá trị thiết yếu đối với chúng ta trên trái đất này, thì quý vị sẽ phải bị cô lập", bà nói thêm.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: 'Vấn đề nhân quyền không phải chuyện nội bộ của Trung Quốc'