Vanuatu ủng hộ Bắc Kinh, gọi Đài Loan là 'phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ của quốc gia Thái Bình Dương Vanuatu đã công khai ủng hộ chính sách Một Trung Quốc sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, trong bối cảnh đang có những lo ngại về ảnh hưởng mạnh mẽ của Bắc Kinh ở khu vực Nam Thái Bình Dương cùng mối đe dọa xung đột quanh eo biển Đài Loan.

Vào ngày 05/8, ông Silas Bule, quyền Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ Vanuatu, đã đưa ra một tuyên bố cho biết: “Chính sách Một Trung Quốc là chiến lược đối ngoại quan trọng, toàn diện của Vanuatu, đồng thời cũng là nền tảng của mối bang giao Trung Quốc-Vanuatu".

“Vì mục tiêu đó, và trước những phát triển gần đây xung quanh vấn đề Đài Loan, Vanuatu xin nhắc lại rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc”, ông Silas Bule tuyên bố.

Hầu hết các quốc gia đều áp dụng chính sách “mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan để tránh làm trầm trọng thêm mối quan hệ với ĐCSTQ. Trung Quốc luôn coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ không thể tách rời, bất chấp việc Đài Loan đang điều hành nền kinh tế và xã hội độc lập, cùng hệ thống bầu cử dân chủ của mình hơn 70 năm nay.

Bình luận của ông Bule được đưa ra sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ-California) đã thu hút sự chú ý của quốc tế cũng như các hành động quân sự đe dọa từ Bắc Kinh. Cho đến nay, quân đội Trung Quốc đã tiến hành thử tên lửa ở khu vực xung quanh đảo Đài Loan.

Vanuatu, tên chính thức Cộng hòa Vanuatu, là đảo quốc gồm quần đảo vùng Melanesia, tây nam Thái Bình Dương. Quần đảo này nằm phía đông Úc cách 1.750 km, phía đông bắc Nouvelle-Calédonie cách 500 km, phía tây Fiji, và phía nam quần đảo Solomon.

Tuy nhiên, theo ông Antonio Graceffo, một giáo sư kinh tế và nhà phân tích Trung Quốc, chuyến thăm của bà Pelosi đã gửi một “thông điệp rõ ràng” rằng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ do Washington quyết định chứ không phải lợi ích của ĐCSTQ.

“ĐCSTQ giờ đây không còn lựa chọn nào tốt hơn là lên tiếng phản đối mạnh mẽ và đe dọa vu vơ, biến họ từ một cường quốc thành một chú chuột đang náo loạn", ông viết trong một bài báo cho The Epoch Times.

Lãnh đạo khu vực Thái Bình Dương ủng hộ Bắc Kinh

Sự ủng hộ của Vanuatu đối với ĐCSTQ diễn ra trong bối cảnh đang có một cuộc giằng co chiến lược khác giữa Bắc Kinh và các quốc gia dân chủ - lần này là ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Thủ tướng Vanuatu Bob Loughman là một trong số các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương vui mừng thắt chặt ngoại giao và duy trì quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh cùng các quốc gia dân chủ. Đồng thời, Vanuatu cũng nhận viện trợ và tài trợ phát triển từ cả hai phía.

Tình hình trước mắt khuyến khích ông Loughman thực hiện các động thái để củng cố vị thế của mình, bao gồm nỗ lực không thành công trong việc gia hạn và cho phép công dân nước ngoài giữ chức vụ tại Vanuatu. Hiện có một số lượng lớn công dân Trung Quốc ở nước này.

Một mô hình tương tự đã xảy ra ở Quần đảo Solomon với việc Thủ tướng Manasseh Sogavare dần dần cắt đứt các thể chế dân chủ của quốc gia này.

Vào cuối tháng 7, có thông tin tiết lộ rằng thủ tướng đã buộc đài phát thanh quốc gia, Tổng công ty Phát thanh Quần đảo Solomon, tự kiểm duyệt và ngừng xuất bản nội dung chỉ trích chính phủ của ông.

Theo chuyên gia Cleo Paskal, tất cả những động thái chính trị này là một phần của chiến lược lớn hơn mà ĐCSTQ đang thực hiện có tên là “chiến tranh hỗn loạn” (entropic warfare).

Bà cho biết, ĐCSTQ đã triển khai đều đặn tất cả các cách có thể để gây mất ổn định các thể chế dân chủ của các quốc gia khu vực Thái Bình Dương, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một “trật tự mới” tập trung vào lợi ích của chính họ.

“Những vũ khí đó được sử dụng để làm suy yếu quốc gia mục tiêu từ bên trong, phân mảnh và tạo ra tình trạng hỗn loạn ở quốc gia đó, khiến cho nó ít có khả năng chống chọi với ảnh hưởng của Trung Quốc hơn”, bà Paskal nói với The Epoch Times.

“Quá trình tạo ra sự bất ổn định và phân mảnh đó được mô tả là tạo ra một trạng thái 'entropy' (hỗn loạn) - về chính trị, xã hội và kinh tế - nơi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ. Và trong tình trạng hỗn loạn đó, Trung Quốc có thể tạo ra một trật tự mới, nơi mà chính họ cùng các lực lượng ủy nhiệm sẽ ở vị trí trung tâm".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vanuatu ủng hộ Bắc Kinh, gọi Đài Loan là 'phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc'