Vi phạm nhân quyền 'làm lu mờ' FIFA World Cup 2022

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 22 (FIFA World Cup 22) chính thức khai cuộc tại Qatar hôm 20/11/2022. Lễ hội bóng đá được tổ chức bốn năm một lần được coi là sự kiện quan trọng và danh giá nhất trên thế giới, đã bị lu mờ bởi những cuộc tấn công không ngừng nghỉ vào hồ sơ nhân quyền của quốc gia đăng cai.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã liên tục báo cáo về các vi phạm nhân quyền, đặc biệt là cách đối xử với những người lao động nhập cư làm công việc xây dựng các sân vận động bóng đá.

Tờ The Guardian ước tính rằng, khoảng 6.500 công nhân đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng các sân vận động. Tuy nhiên, chính phủ Qatar đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và cho biết, chỉ có 37 trường hợp tử vong trong quá trình xây dựng đại dự án này.

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi thành lập quỹ bồi thường cho những người lao động xấu số này.

Ông Steve Cockburn, Trưởng phòng Tư pháp Kinh tế và Xã hội tại Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Không thể coi các yêu cầu về bình đẳng, nhân phẩm và bồi thường như một loại chiến tranh văn hóa nào đó. Đây là những khái niệm nhân quyền phổ quát mà FIFA luôn cam kết tôn trọng trong các quy tắc của riêng mình”.

Trong phần hỏi đáp với giới truyền thông ở Doha trước trận đấu khai mạc, chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã đáp trả đanh thép những quốc gia chỉ trích hồ sơ nhân quyền của nước chủ nhà Qatar, cáo buộc các quốc gia phương Tây là "đạo đức giả".

“Tôi là người châu Âu. Vì những gì chúng ta đã làm trong 3.000 năm trên khắp thế giới, chúng ta nên xin lỗi trong 3.000 năm tới trước khi đưa ra những bài học đạo đức. Có bao nhiêu doanh nghiệp châu Âu hoặc phương Tây đã kiếm được hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD từ Qatar? Bao nhiêu trong số đó đã giải quyết vấn đề quyền lợi của người lao động nhập cư?”, ông nói.

Ông Infantino lập luận rằng, các quốc gia trước đây từng vi phạm nhân quyền nên "thận trọng" khi đánh giá hồ sơ nhân quyền của các quốc gia khác.

"Nếu châu Âu thực sự quan tâm đến số phận của những người lao động này, họ có thể tạo ra các kênh hợp pháp như những gì Qatar đã làm. Họ có thể tạo điều kiện cho các công nhân này đến châu Âu để làm việc, mang đến cho họ một tương lai [tươi sáng], thắp lên ngọn lửa hy vọng cho họ".

"Bài học đạo đức một chiều này chỉ là đạo đức giả. Tôi tự hỏi tại sao không ai nhận ra sự tiến bộ [mà Qatar] đã đạt được kể từ năm 2016", ông tiếp tục.

Lập luận này gợi nhớ đến câu chuyện trong đoạn Phúc âm Gioan. Đoạn mô tả cảnh những người Pha-ri-si dẫn một người phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giê-su. Người phụ nữ bị xử tử bằng cách bị ném đá đến chết theo luật Môi-se.

Khi họ đến gặp Chúa Giê-su để xin phán xét, Ngài nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi".

Lập luận của ông Infantino ngụ ý rằng, chỉ những quốc gia có thành tích hoàn hảo trong suốt tiến trình lịch sử được ghi chép lại mới có quyền khẳng định nền tảng đạo đức cao thượng và buông lời chê bai các quốc gia khác.

Tuy nhiên, lập luận như trên là phi thực tế, vì nó sẽ che mắt thế giới khỏi những vi phạm nhân quyền đang diễn ra hiện nay.

Dù trong trường hợp nào đi nữa, những lập luận của ông Infantino vẫn bị coi là sai lầm, vì các nước châu Âu có thể đã sửa chữa hồ sơ nhân quyền tồi tệ trước đây của họ.

Màn bắn pháo hoa trong ngày khai mạc giải bóng đá World Cup 2022 ở Doha, Qatar, hôm 20/11/2022. (Ảnh: Issouf Sanogo/AFP/Getty Images)

Nhân quyền là giá trị cao quý, có ý nghĩa phổ quát

Hôm 25/10, Tiểu vương hiện tại của Qatar là Sheik Tamim bin Hamad Al Thani, đã lên tiếng chỉ trích hành động thiếu tôn trọng đối với quốc gia của mình trong một tuyên bố trên truyền hình. Ông nói rằng, Qatar đã "hứng chịu một chiến dịch chưa từng có mà chưa một nước chủ nhà nào phải đối mặt".

Suy ngẫm về lời phàn nàn của ông Infantino, người ta hẳn không khỏi phủ nhận rằng, những lời ông nói thật có lý.

Liệu có khả thi, thậm chí là công bằng hay không, khi các quốc gia phương Tây áp đặt niềm tin về nhân quyền và các giá trị của mình lên một quốc gia Ả Rập có nền văn hóa, lịch sử và thể chế hoàn toàn khác biệt?

Chẳng phải việc xuất khẩu những lý tưởng phương Tây kiểu này chính là một hình thức của "chủ nghĩa vị chủng" (ethnocentrism) hay sao? Chủ nghĩa vị chủng (hay còn gọi là chủ nghĩa duy chủng tộc, chủ nghĩa duy dân tộc) là thông lệ đánh giá văn hóa, hành vi và tín ngưỡng khác bằng tiêu chuẩn văn hóa của chính mình.

Việc áp đặt các chuẩn mực của châu Âu lên Qatar có phải là biểu hiện của sự ngạo mạn lẫn thuộc địa hóa về văn hóa (cultural hubris and colonisation) hay không?

Nếu đáp án của những câu hỏi này là Có, thì bản thân việc áp đặt góc nhìn về nhân quyền của các quốc gia phương Tây sẽ dẫn đến việc vi phạm lối sống của người dân Qatar.

Nhưng một hình thức thuộc địa hóa về văn hóa kể trên sẽ được bỏ qua nếu có thể lập luận một cách thuyết phục rằng, nhân quyền, giá trị và nguyên tắc là các giá trị tuyệt đối, bao gồm các nguyên tắc bất phá được áp dụng trên toàn thế giới vào mọi thời điểm, bất chấp những nhạy cảm về văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Có thể lập luận rằng, những bình luận đanh thép của ông Infantino vừa gây hiểu lầm và vừa thiếu thông tin, vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền cơ bản của Qatar đã được ghi chép đầy đủ. Ví dụ, phụ nữ ở Qatar vẫn phải được sự cho phép của người giám hộ nam mới có thể kết hôn, đi du học bằng học bổng của chính phủ hoặc đảm đương các công việc trong chính phủ.

Người hâm mộ bóng đá xem trận khai mạc FIFA World Cup Qatar 2022, hôm 20/11/2022 tại Doha, Qatar. (Ảnh: Clive Mason/Getty Images)

Tính cạnh tranh trong thể thao bị hủy hoại bởi yếu tố chính trị

Tuy nhiên, những bình luận của ông Infantino đã phơi bày sự thất vọng khi mà FIFA và Qatar phải hứng chịu những chỉ trích không ngừng nghỉ trong một khoảng thời gian khá dài.

Trước thềm giải đấu, các cầu thủ đại diện cho một số liên đoàn bóng đá dự định đeo băng tay "One Love" cầu vồng để ủng hộ sự đa dạng, không phân biệt đối xử, đặc biệt với cộng đồng LGBTQ.

Tuy nhiên, FIFA sau đó đã cấm hành động này, và đe dọa rằng, các cầu thủ sẽ nhận thẻ vàng từ đầu trận nếu họ phớt lờ quy định của FIFA và thẻ đỏ nếu họ tiếp tục đeo băng đội trưởng. Nhiều liên đoàn bóng đá kể từ đó đã miễn cưỡng rút lại hành động này. Một số liên đoàn bóng đá đã lên án hành vi này, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Đức và Hà Lan.

Qatar coi đồng tính là "bất hợp pháp". Luật pháp Qatar quy định người đồng tính có thể bị phạt tiền và đối mặt án tù. Chính phủ Qatar không công nhận hôn nhân đồng giới cũng như không cho phép người dân vận động các quyền cho cộng đồng LGBTQ.

Cho dù kết cục có ra sao thì cũng thật tồi tệ khi chính trị và thể thao đang bị trộn lẫn. Tôi từng phản đối việc trộn lẫn chính trị và thể thao vì nó ngăn những người hâm mộ tập trung vào các kỹ năng trên sân bóng cũng như những thành tích thể thao xuất sắc của đội bóng mà họ yêu thích.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là các sự kiện chính trị ngày nay thường làm suy yếu và thậm chí bóp méo khả năng cạnh tranh trong thể thao.

Tóm lại, nhận xét của ông Infantino phản ánh sự bất mãn của ban lãnh đạo FIFA, mặc dù những lập luận này chỉ có tính thuyết phục một phần. Tuy nhiên, rõ ràng là cuộc tranh cãi này đã làm lu mờ những hứa hẹn về một giải đấu World Cup thú vị và đáng nhớ giữa các đội bóng đắt giá nhất thế giới.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Huyền Anh

Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Úc, Á Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Xấu Xa”) (NXB Boolarong Press, 2020) và “The Coincidence” (“Sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên”) (NXB Connor Court Publishing, 2021).



BÀI CHỌN LỌC

Vi phạm nhân quyền 'làm lu mờ' FIFA World Cup 2022