Vì sao du học sinh Trung Quốc có thể ngăn tự do ngôn luận trong trường đại học Mỹ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các hoạt động mờ ám của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại các trường đại học của Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý, làm dấy lên lo ngại ngày càng tăng như một phần trong chiến dịch của chính quyền ông Trump nhằm ngăn chặn Bắc Kinh lật đổ Hoa Kỳ.

Trong năm qua, Hoa Kỳ đã tập trung vào hành vi của Bắc Kinh nhằm đánh cắp nghiên cứu của Mỹ, bằng cách truy tố các học giả che giấu mối liên hệ với Trung Quốc, cấm các nghiên cứu sinh có liên kết với quân đội Trung Quốc nhập học tại Mỹ và nhắm vào các nhà khoa học quân sự bí mật của Trung Quốc đang làm việc tại các trường đại học của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã bị đóng cửa vào tháng Bảy, khi chính quyền ông Trump khẳng định rằng cơ quan ngoại giao này là cơ sở thực hiện việc tuyển dụng các nhà khoa học tại Mỹ tham gia những kế hoạch nhân tài của Trung Quốc. Các chương trình này đã bị giới chức Hoa Kỳ chỉ trích vì khuyến khích người tham gia chuyển giao công nghệ và bí quyết của Hoa Kỳ cho Trung Quốc.

Gần đây nhất, chính quyền Washington đã thúc giục các trường đại học Hoa Kỳ xem xét lại mối quan hệ đối tác với các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ, nói rằng cơ sở này truyền bá tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và gây ảnh hưởng xấu đến các trường đại học.

Nhưng một khía cạnh trong các hoạt động ảnh hưởng của ĐCSTQ ít được chú ý hơn, là cách nó triển khai Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) để kiểm soát du học sinh Trung Quốc và ngăn chặn tự do ngôn luận trong khuôn viên trường đại học Mỹ.

Tuy các nhóm hiệp hội sinh viên, với các chi hội tại hơn 100 trường đại học Hoa Kỳ, cung cấp một trải nghiệm xã hội để sinh viên Trung Quốc thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài, nhưng các nhà phân tích cho rằng các tổ chức này còn phục vụ một chức năng thâm hiểm hơn: thúc đẩy lợi ích của ĐCSTQ trong giới học thuật Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới đã phải đối mặt với làn sóng đóng cửa, ngoại giới cho rằng Viện Khổng Tử là một công cụ để ĐCSTQ xuất khẩu hệ tư tưởng và Chiến tranh Lạnh mới. Bức ảnh chụp hôm 29/10/2014, người dân đứng bên ngoài Văn phòng Giáo dục của Trường Công lập Toronto kêu gọi xoá bỏ Học viện Khổng Tử. (Zhou Xing / The Epoch Times)

Jacob Kovalio, phó giáo sư lịch sử châu Á tại Đại học Carleton của Canada cho biết: “CSSA là một nhánh của một cái cây rất mạnh - trung tâm của nó là nơi thu thập thông tin tình báo, hoạt động gián điệp, tuyên truyền của ĐCSTQ”.

Kiểm soát bởi Lãnh sự quán

CSSA là một phần của các hoạt động tạo ảnh hưởng rộng rãi ở nước ngoài của Bắc Kinh, chịu sự điều hành của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) trực thuộc ĐCSTQ. Theo các nhà phân tích, đơn vị này của ĐCSTQ chịu trách nhiệm điều phối hàng nghìn nhóm để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, ĐCSTQ đã hoạt động ở các nước phương Tây, ví như Hoa Kỳ, để “truyền bá về ‘sự tốt đẹp’ của [ĐCSTQ], cũng như thiết lập các kênh tuyên truyền quan trọng trực tiếp từ một số người nhập cư Trung Quốc”, giáo sư Kovalio nói.

Ông nói, CSSA được giám sát bởi các lãnh sự quán địa phương của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng các nhóm này là một “phương tiện chính” mà qua đó Bắc Kinh truyền tải tuyên truyền của mình trong các trường học của Hoa Kỳ, đồng thời ngăn chặn các cuộc thảo luận tự do về phát ngôn chỉ trích ĐCSTQ.

Nhiều cá nhân thuộc CSSA đã công khai nói hoặc đã tuyên bố trước đây rằng họ được các lãnh sự quán địa phương của Trung Quốc chỉ đạo, hỗ trợ hoặc tài trợ.

Ví dụ, điều lệ cho CSSA tại Đại học Saint Louis ở Missouri cho biết, tổ chức này chịu sự “lãnh đạo và hỗ trợ trực tiếp” của đại sứ quán Trung Quốc và lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago. CSSA tại Đại học Tennessee, trong điều lệ của mình (hiện đã gỡ bỏ khỏi website trực tuyến), nói rằng tổ chức này đã nhận được tài trợ từ đại sứ quán Trung Quốc.

Sự can thiệp chặt chẽ của Lãnh sự quán Trung Quốc đối với CSSA vùng Tây Nam Hoa Kỳ, một nhóm bảo trợ bao gồm 26 trường đại học trong khu vực, thậm chí còn trắng trợn hơn. Điều lệ của nó nói rằng các ứng cử viên Chủ tịch của CSSA phải được lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles chấp thuận. Nó cũng nói rằng nhóm nhận được hướng dẫn từ lãnh sự quán và liệt kê cơ quan ngoại giao này như một đầu mối liên hệ trên trang web của họ.

Sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với các CSSA không phải là hiện tượng gần đây. Frank Xie, hiện là phó giáo sư Khoa Quản trị Kinh doanh tại Đại học Nam Carolina – Aiken, đến Hoa Kỳ năm 1986 với tư cách là nghiên cứu sinh tiến sĩ hóa học tại Đại học Purdue ở Indiana. Ông đã bị sốc khi phát hiện ra rằng CSSA ở đó đã bị lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago “kiểm soát chặt chẽ”.

Phó giáo sư Xie nói: “Tôi không mong đợi điều đó trong một xã hội tự do. Bạn vẫn bị [ĐCSTQ] kiểm soát rất chặt chẽ. Tôi không hài lòng với điều này".

Ông Xie bắt đầu thúc đẩy cải cách tại CSSA và cuối cùng trở thành phó Chủ tịch của tổ chức này. Hai năm sau, ông dẫn đầu một cuộc “đảo chính” để cắt đứt quyền kiểm soát của lãnh sự quán Trung Quốc. Sau khi câu lạc bộ trở nên độc lập, lãnh sự quán đã kết thúc tài trợ và các hỗ trợ khác, ông nói.

Sau đó, học giả Xie nhận ra rằng lãnh sự quán đã phái sinh viên Trung Quốc theo dõi ông ấy và những sinh viên có tư tưởng ủng hộ dân chủ khác trong khuôn viên trường.

“Họ đã báo cáo danh tính của chúng tôi, các hoạt động của chúng tôi cho lãnh sự quán”, ông Xie nói.

Vị giáo sư này nói rằng, sau cuộc đàn áp đẫm máu của ĐCSTQ với các sinh viên ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6/1989, sinh viên Trung Quốc ở Hoa Kỳ cùng đoàn kết với những người biểu tình, đã giành quyền kiểm soát tất cả các CSSA trên toàn quốc, khiến các hiệp hội này trở nên độc lập với các lãnh sự quán. Nhưng khi những sinh viên Trung Quốc đó tốt nghiệp, các nhóm này lại rơi vào tay ĐCSTQ, ông Xie nói.

Trong cuộc biểu tình ngày 4/6/1989 tại Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình đã không ngại ngần tuyên bố: “Học sinh nào mà không nghe lời, chỉ cần một khẩu súng máy là giải quyết được vấn đề”. (Getty)
Trong cuộc biểu tình ngày 4/6/1989 tại Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình đã không ngại ngần tuyên bố: “Học sinh nào mà không nghe lời, chỉ cần một khẩu súng máy là giải quyết được vấn đề”. (Getty)

Kể từ đó, chính quyền Bắc Kinh đã “hoàn thiện kế hoạch kiểm soát và ảnh hưởng này” đối với sinh viên Trung Quốc trong nước, ông nói. Sinh viên Trung Quốc biết rằng họ đang bị CSSA cùng lãnh sự quán giám sát, và người thân của họ ở nhà có thể bị chính quyền đe dọa nếu họ công khai đưa ra quan điểm không phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh.

Giáo sư Xie khẳng định: “Họ thường xuyên có nỗi sợ hãi này”.

Năm 2017, sinh viên Trung Quốc Yang Shuping đã cảm thấy phẫn nộ với chính quyền Trung Quốc sau khi cô ca ngợi “không khí tự do ngôn luận trong lành” được tìm thấy ở Hoa Kỳ nhưng không được hưởng ở quê nhà, trong bài phát biểu khai giảng tại Đại học Maryland. Điều đó đã gây ra phản ứng dữ dội từ CSSA của trường này, cũng như các sinh viên và cư dân mạng Trung Quốc khác. Những người này gọi bình luận của cô ấy là phản bội; cô buộc phải xin lỗi công khai sau đó.

The Epoch Times đưa tin vào năm 2018 rằng một nữ sinh Trung Quốc 20 tuổi tại Đại học Carnegie Mellon ở Pennsylvania đã được triệu tập đến một cuộc họp với các thành viên của Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc của trường đại học này sau khi cô chỉ trích nhóm này trong một nhóm trò chuyện WeChat riêng tư giữa bạn bè, do hiệp hội này đã quảng cáo trò chơi điện tử bạo lực sau vụ xả súng tang thương ở giáo đường Do Thái Pittsburgh.

Các thành viên hiệp hội cảnh báo cô đừng gây rắc rối và yêu cầu cô phải xin lỗi vì những bình luận của mình. Họ nói với cô rằng: "Bạn không thể nói chuyện như vậy trong vòng kết nối của bạn bè", nữ sinh viên kể lại.

Hàng loạt bê bối

CSSA ở Hoa Kỳ và các nơi khác đã nhiều lần bị lên án vì những can thiệp nhằm hủy bỏ các sự kiện hoặc bài phát biểu của các nhóm bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài, bao gồm người Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công.

Vào năm 2017, khi nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Dalai Lama dự kiến ​​phát biểu tại Đại học California – San Diego, CSSA cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng họ đã yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles hướng dẫn về cách ngăn chặn sự kiện này.

Vào tháng 9/2019, Đại học McMaster của Canada đã cấm CSSA của mình, với lý do tổ chức này vi phạm quy tắc cấm các hành vi gây nguy hiểm cho sự an toàn của mọi người. Động thái này diễn ra vài tháng sau khi CSSA phản đối một sự kiện nhân quyền trong khuôn viên trường, thảo luận về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

"Toà lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một trung tâm tình báo khổng lồ. Đó là một mạng lưới quy mô các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ trên đất Mỹ nhằm khuynh đảo thay đổi Hoa Kỳ."
"Toà lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một trung tâm tình báo khổng lồ. Đó là một mạng lưới quy mô các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ trên đất Mỹ nhằm khuynh đảo thay đổi Hoa Kỳ." (Getty)

Lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto đã yêu cầu sinh viên báo cáo quan sát của họ về cuộc tụ tập và yêu cầu CSSA khiếu nại về sự kiện này với các quan chức trường đại học, theo các cuộc trò chuyện nhóm WeChat mà The Epoch Times thấy được vào thời điểm đó.

Nhưng nhiều nỗ lực của CSSA nhằm ngăn chặn cuộc thảo luận mở không được báo cáo. Giáo sư Xie kể lại một sự việc xảy ra vào khoảng năm 2004, khi ông đang giảng dạy tại Đại học Drexel ở tiểu bang Pennsylvania. Tại đây, ông đã làm quen với câu lạc bộ kinh tế của sinh viên Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, và đã giúp sắp xếp để nhà kinh tế Trung Quốc nổi tiếng người Hoa Kỳ He Qinglian có bài phát biểu cho sinh viên Trung Quốc trong khuôn viên trường. Nhà kinh tế học He là một cộng tác viên của The Epoch Times, nổi tiếng với những bài phê bình về nền kinh tế và hệ thống chính trị Trung Quốc.

Tuy nhiên, chủ tịch của câu lạc bộ đã phải chịu áp lực ép buộc hủy bỏ sự kiện này, ông Xie nói, và cuối cùng đã rút phích cắm. Trong khi vị chủ tịch không thừa nhận ai đã gây áp lực với mình, giáo sư Xie nói rõ ràng đó là việc làm của CSSA hoặc lãnh sự quán Trung Quốc.

CSSA cũng có liên quan đến các hoạt động gián điệp. Vào giữa những năm 2000, CSSA tại một trường đại học của Bỉ hoạt động như một bình phong cho hoạt động gián điệp công nghiệp cho Trung Quốc, theo thông tin từ tờ Le Monde của Pháp.

Trong một trường hợp khác, từ những năm 1990 và đầu những năm 2000, các quan chức nhập cư Canada cáo buộc Yong Jie Qu, một lãnh đạo hiệp hội sinh viên Trung Quốc tại Đại học Concordia, đã tham gia “các hành vi gián điệp và lật đổ”. Các nhà chức trách cho biết người này đã xác định được các sinh viên ủng hộ dân chủ và báo cáo thông tin về họ cho đại sứ quán Trung Quốc.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao du học sinh Trung Quốc có thể ngăn tự do ngôn luận trong trường đại học Mỹ?