Vì sao Trung Quốc đề xuất họp với ASEAN về Biển Đông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ lên án các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã mời các nhà ngoại giao ASEAN đến họp bàn về vấn đề liên quan.

Theo báo SCMP đưa tin hôm 24/8, quan chức Trung Quốc kêu gọi các thành viên ASEAN nối lại các cuộc đối thoại về Biển Đông, trong đó, có việc thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Ngoài ra, giới chức Trung Quốc còn bày tỏ quan ngại về "nguy cơ cao" từ những hoạt động quân sự của "các nước không nằm trong khu vực". Đây là cụm từ phía Trung Quốc thường dùng khi đề cập đến vai trò của Mỹ ở châu Á.

Hồi giữa tháng 7, Mỹ đã chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách của chính quyền Trung Quốc đối với các tài nguyên ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trong thông cáo báo chí đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ như sau:

"Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực – đó là Biển Đông.

Chúng tôi khẳng định rõ: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông".

Trung Quốc thiện chí giả tạo?

Tuy mời chào các nước ASEAN quay lại đàm phán, nhưng gần đây Bắc Kinh vẫn liên tục có nhiều động thái gây quan ngại. Cụ thể, quân đội Trung Quốc đang tổ chức cuộc tập trận ở phía bắc Biển Đông từ ngày 24 - 29/8. Hồi đầu tháng 8, Bắc Kinh đã điều động oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, vào tháng 7, Trung Quốc cũng điều động các oanh tạc cơ H-6J và H-6G cùng một số loại máy bay khác tiến hành tập trận ở khu vực Biển Đông.

“Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận với mức độ ngày càng tăng ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp đến Mỹ và các bên liên quan trong khu vực rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ theo đuổi những gì mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi”, Học giả Stephen Robert Nagy của Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương nói hôm 24/8.

Ông Nagy còn nhận xét: “Động thái này của Trung Quốc đồng thời để tăng cường vị thế trong quá trình đàm phán COC với các nước ASEAN”.

Suốt hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc và các nước ASEAN đã bàn bạc về Bộ quy tắc ứng xử (COC) nhằm quản lý các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng của thế giới. Các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết vùng biển này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước láng giềng.

Liên quan COC, ngày 1/8, Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải của nước này. Qua đó, Bắc Kinh định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là khu vực hàng hải “gần bờ” thay vì “xa bờ”.

Giới chuyên gia nhận định đây là cách Trung Quốc củng cố các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng cách tự đặt ra quyền kiểm soát hành chính cho vùng biển. Bắc Kinh có lẽ đang hướng đến việc tự thiết lập một hồ sơ pháp lý để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc gần đây cũng đã công bố thành lập 2 cơ quan hành chính cấp quận - huyện để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Trung Quốc đề xuất họp với ASEAN về Biển Đông?