Việc ĐCSTQ ủng hộ Taliban sẽ đẩy chính chế độ này đến cạm bẫy và rắc rối

Giúp NTDVN sửa lỗi

ĐCSTQ coi việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan là một cơ hội chiến lược và chế độ độc tài đã nhanh chóng bắt tay liên kết với nhóm khủng bố Trung Đông. Tuy nhien, mối quan hệ này ẩn chứa những cạm bẫy tiềm tàng có thể gây tổn hại đến chính quyền Bắc Kinh, theo tác giả He.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 17/8, đối với việc Taliban tiếp quản Kabul chỉ vài ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh luôn đóng “một vai trò xây dựng” ở Afghanistan. Chính quyền Trung Quốc coi tình hình này như một cơ hội chiến lược để tích cực tham gia hơn trong các vấn đề tại Afghanistan.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đứng đầu Ủy ban Chính trị Taliban tại Afghanistan là ông Mullah Abdul Ghani Baradar, tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc vào ngày 28/7. Ông Vương Nghị nói: “Việc rút quân vội vàng của Mỹ và NATO khỏi Afghanistan thực sự đánh dấu sự thất bại của Chính sách của Hoa Kỳ đối với Afghanistan”.

Có vẻ như ông Vương đang ám chỉ rằng, Bắc Kinh có thể làm tốt hơn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi (tức tác giả bài viết) tin rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ thất bại trong việc chống lưng cho Taliban ở Afghanistan.

Cuộc gặp của ông Vương với ông Baradar tương đương với việc ĐCSTQ chính thức thừa nhận tính hợp pháp chính trị của Taliban. Sau khi Tổng thống Afghanistan là ông Ashraf Ghani bỏ trốn khỏi đất nước Nam Á này, kênh truyền thông CCTV do ĐCSTQ kiểm soát đã công bố một đoạn video vào ngày 16/8 để minh oan cho Taliban có tựa đề: “Hiểu quá khứ và hiện tại của Taliban trong 60 giây”. Tuy nhiên, video đã bị gỡ xuống trong vòng 4 giờ sau đó, theo Đài phát thanh Quốc tế của Pháp (Radio France Internationale - RFI) đưa tin vào ngày 18/8. Đoạn video vẫn còn được đăng trên Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của chế độ Trung Quốc, trong đó ca ngợi Taliban, tuyên bố rằng nhóm này bao gồm những "sinh viên tị nạn" với "kỷ luật nghiêm ngặt" và vẫn được công dân Afghanistan “ủng hộ”.

Sẽ thật ngu ngốc nếu ĐCSTQ có kế hoạch hỗ trợ Taliban ở Afghanistan.

Cạm bẫy

Đầu tiên, ĐCSTQ có thể xảy ra xung đột với Taliban về việc vi phạm nhân quyền đối với các nhóm dân tộc ở vùng Tân Cương thuộc miền viễn tây Trung Quốc.

Trong một tuyên bố vào ngày 19/1, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã khẳng định, ĐCSTQ đang thực hiện "tội ác diệt chủng đối với nhóm người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo Hồi giáo và các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương".

Ông Pompeo nhận định: "Tài liệu đầy đủ của chúng tôi về các hành động của CHND Trung Hoa ở Tân Cương xác nhận rằng, kể từ ít nhất là tháng 3/2017, chính quyền địa phương đã gia tăng đáng kể chiến dịch đàn áp kéo dài hàng thập kỷ chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác, bao gồm cả người Kazakhstan và người Kyrgyzstan".

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Hội nghị Hành động Chính trị Cánh hữu ở Orlando, Florida, vào ngày 27/2/2021. (Tal Atzmon / The Epoch Times)
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Hội nghị Hành động Chính trị Cánh hữu ở Orlando, Florida, vào ngày 27/2/2021. (Tal Atzmon / The Epoch Times)

Mặc dù Taliban sẽ cố gắng hòa hợp với ĐCSTQ theo một số cách để đổi lấy sự hỗ trợ và lợi ích kinh tế, nhưng nhóm khủng bố này sẽ không từ bỏ sự ủng hộ thực chất của mình đối với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (East Turkestan Islamic Movement - ETIM), và cũng sẽ không chiến đấu với ETIM. Taliban sẽ không muốn mạo hiểm đánh mất tính hợp pháp của mình, hoặc gây ra các cuộc đấu đá nội bộ giữa các nhóm Hồi giáo khác nhau. ETIM là một nhóm ly khai của người Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố tổ chức này phải chịu trách nhiệm cho nhiều vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương.

Thứ hai, ĐCSTQ phải đối mặt với những ràng buộc từ bên trong Taliban và từ cộng đồng quốc tế.

Vẫn còn một câu hỏi là liệu Taliban có thể kiểm soát hoàn toàn tình hình ở Afghanistan hay không.

Liên quan đến nhóm Taliban, có sự phân chia thành Taliban Afghanistan và Taliban Pakistan. Nhóm Taliban Pakistan từng là một chi nhánh của Taliban Afghanistan, và trở nên độc lập vào năm 2007 do những khác biệt về lợi ích. Bản thân Taliban ở Afghanistan không phải là một nhóm nguyên khối thống nhất, và có sự khác biệt đáng kể về quan điểm chính trị giữa các thành viên.

Liên quan đến sự tham gia của quốc tế, có ít nhất 8 bên - Hoa Kỳ, Nga, Pakistan, Ấn Độ, Iran, Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc - tất cả đều gắn bó với nhau và phức tạp. Không nghi ngờ gì nữa, khả năng của ĐCSTQ trong việc can thiệp vào Taliban và Afghanistan là có hạn.

Thứ ba, ĐCSTQ phải đối mặt với hai mối đe dọa trực tiếp lớn từ Afghanistan.

Mối đe dọa đầu tiên được ĐCSTQ gán cho là “Ba thế lực tà ác”: chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan đã làm nảy sinh các lực lượng này và mở rộng sang Pakistan.

Vào ngày 14/7, một quả bom đã phát nổ trong một chiếc xe buýt chở đầy người lao động ở huyện Kohistan, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Những người lao động này đang trên đường đến công trường xây dựng dự án thủy điện Dasu, một phần của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (China-Pakistan Economic Corridor - CPEC) - một thành phần quan trọng của chiến lược BRI (Belt and Road Initiative - Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường) của ĐCSTQ. Trong số 13 người thiệt mạng, 9 người mang quốc tịch Trung Quốc. Ngoài ra, 28 công dân Trung Quốc bị thương trong vụ nổ bom. ĐCSTQ tin rằng vụ việc là một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào công dân Trung Quốc.

Mối đe dọa thứ hai là buôn bán ma túy xuyên biên giới, mang lại nguồn thu nhập khổng lồ mà Taliban đang dựa vào.

Con của một nông dân Afghanistan thu hoạch nhựa cây thuốc phiện từ cánh đồng anh túc ở quận Surkh Rod, tỉnh Nangarhar, vào ngày 5/5/2015. (Noorullah Shirzada / AFP / Getty Images)
Con của một nông dân Afghanistan thu hoạch nhựa cây thuốc phiện từ cánh đồng anh túc ở quận Surkh Rod, tỉnh Nangarhar, vào ngày 5/5/2015. (Noorullah Shirzada / AFP / Getty Images)

Ông Irmgard Zeiler thuộc Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (U.N. Office of Drugs and Crime - UNODC) đã viết rằng: "Nền kinh tế thuốc phiện bất hợp pháp của Afghanistan có quy mô đáng kể khi so sánh với nền kinh tế hợp pháp của nó. Quốc gia này là nhà sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp hàng đầu thế giới và cung cấp hơn 80% sản lượng thuốc phiện bất hợp pháp trên toàn cầu. Tổng sản lượng bất hợp pháp của nền kinh tế thuốc phiện Afghanistan ước tính là 4,1 - 6,6 tỷ USD vào năm 2017 và 1,2 - 2,2 tỷ USD vào năm 2018".

Những mối đe dọa và cạm bẫy nói trên có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị “về những diễn biến ở Afghanistan, bao gồm cả tình hình an ninh và những nỗ lực tương ứng của chúng tôi nhằm đưa các công dân Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa đến nơi an toàn”, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 16/8. Có lẽ lời kêu gọi này có thể nhắc nhở Bắc Kinh không nên đánh giá sai tình hình, điều này có thể gây tổn hại cho Trung Quốc và chính ĐCSTQ.

Tác giả Wang He có bằng thạc sĩ về luật và lịch sử, đồng thời đã nghiên cứu về phong trào cộng sản quốc tế. Ông từng là giảng viên đại học và là giám đốc điều hành của một công ty tư nhân lớn ở Trung Quốc. Ông Wang hiện sống ở Bắc Mỹ và đã xuất bản các bài bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị của Trung Quốc kể từ năm 2017.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times hay NTD Việt Nam.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Việc ĐCSTQ ủng hộ Taliban sẽ đẩy chính chế độ này đến cạm bẫy và rắc rối