Viện Hàn lâm Đài Loan cảnh báo Úc về 'sự bành trướng nguy hiểm' của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát gần đây đã từng nói “Tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản, và cũng là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật - Mỹ”. Theo một chuyên gia Đài Loan, Úc nên áp dụng lập trường tương tự ngay từ bây giờ.

Tiến sĩ David Yeau-Tarn Lee kêu gọi Úc cần đóng một vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong việc chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bài phát biểu của ông với tiêu đề: “Dân chủ hóa và Hòa bình ở eo biển Đài Loan” tại Trung tâm Văn hóa của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Sydney ở Úc, hôm 23/9.

Ông Lee là trợ giảng tại Viện Nghiên cứu Phát triển Sau đại học của Đại học Quốc gia Chengchi (National Chengchi University-NCCU). Ông từng là phó chủ tịch Học viện Khoa học Xã hội của NCCU và giám đốc Viện Sau đại học về Phát triển Quốc gia của Đài Loan. Các chủ đề nghiên cứu của ông bao gồm: tư tưởng chính trị, dân chủ, chủ nghĩa tự do, dân chủ hóa, nhân quyền và chủ nghĩa sinh thái (ecologism).

Ảnh của Epoch Times
Tiến sĩ David Yeau-Tarn Lee có bài phát biểu tại Trung tâm Văn hóa của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Sydney, Úc, hôm 23/9/2022. (Ảnh: Epoch Times)

Chuyến thăm của ông Lee diễn ra vào thời điểm căng thẳng đang leo thang trên eo biển Đài Loan. Tháng trước, ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở các vùng biển xung quanh Đài Loan, được nhiều người coi là đòn trả đũa nhằm vào hòn đảo tự trị sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân chủ-California) đến hòn đảo vào ngày 02/8.

Đại sứ Trung Quốc tại Úc Tiêu Thiên, cho biết trong một bài phát biểu trước Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Úc vào ngày 10/8 rằng, những kẻ ly khai ủng hộ Đài Loan độc lập sẽ bị trừng phạt khi hòn đảo này được "thống nhất" với Trung Quốc.

Đài Loan đã được tự quản từ năm 1949 với quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ và hiến pháp của riêng mình, bất chấp việc ĐCSTQ tuyên bố rằng đây là một tỉnh nổi loạn và phải được thống nhất với Trung Quốc bằng vũ lực nếu cần thiết.

Vai trò của Úc trong việc chống ĐCSTQ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Chính phủ Úc đã nhận ra mối đe dọa của ĐCSTQ và đã giải quyết tốt điều đó trong những năm gần đây, ông Lee nói với The Epoch Times.

Các sự kiện gần đây ở Quần đảo Solomon là lời cảnh tỉnh cho nhiều người ở Úc, khi lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương Manasseh Sogavare đã ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh và cho phép lực lượng an ninh Trung Quốc bắt đầu các khóa đào tạo cho Lực lượng Cảnh sát Quần đảo Hoàng gia Solomon. Ông Sogavare cũng đã trì hoãn các cuộc bầu cử của đất nước này.

Trong bức ảnh do Tân Hoa Xã công bố, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, bên phải, khóa tay với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến thăm tại Honiara, Quần đảo Solomon, vào ngày 26/05/2022. (Ảnh: Tân Hoa Xã/Getty Images)

“Thật là một mối quan hệ tốt đẹp mà Quần đảo Solomon [từng] có với Úc! Nhưng bất kể quý vị đối xử tốt với họ như thế nào, ĐCSTQ cũng sẽ hối lộ các quan chức của của quần đảo này”, ông Lee nói.

Ngoài chính phủ, người dân Úc cũng nhận thức rõ ràng hơn về mối đe dọa của Bắc Kinh. Theo một cuộc khảo sát gần đây, cứ 10 người Úc thì có một người tin rằng Trung Quốc sẽ sớm tấn công Úc, trong khi cứ 20 người Đài Loan thì có một người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sớm tấn công Đài Loan.

Để đối phó với hành vi của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Úc đã thành lập AUKUS, một quan hệ đối tác an ninh ba bên lịch sử với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh vào năm 2021. Theo đó, chính phủ Hoa Kỳ và Anh sẽ hỗ trợ Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong hôm 05/8 đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh về các cuộc tập trận bắn đạn thật "không cân xứng và gây bất ổn" gần Đài Loan, đồng thời kêu gọi Trung Quốc nên "kiềm chế và giảm leo thang" trong khu vực.

Tiềm năng của mối quan hệ Úc-Đài Loan

Khi được hỏi về những gì Úc có thể làm để hỗ trợ Đài Loan, ông Lee nói rằng ngoài các chính trị gia đã nghỉ hưu, các nhà hoạch định chính sách đương nhiệm của Úc cũng có thể đến thăm Đài Loan, như các đối tác của họ ở Hoa Kỳ và châu Âu đã làm.

Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott, người ủng hộ việc Đài Loan gia nhập khối thương mại khu vực Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã đến thăm hòn đảo này vào năm 2021.

Ông Lee cũng gợi ý rằng các chính phủ, bao gồm Hoa Kỳ và Úc, có thể duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Đài Loan, giống như các ví dụ lịch sử của Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như Đông Đức và Tây Đức.

Úc hiện không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thừa nhận “chính sách Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Mối đe dọa của các chế độ chuyên quyền

Những xung đột giữa dân chủ và chuyên quyền là không thể tránh khỏi đối với con người, và cuối cùng chúng có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới, ông Lee nói.

“Chưa bao giờ xảy ra chiến tranh giữa các nền dân chủ, và hệ thống dân chủ tôn trọng nhất quyền tự do cá nhân và quyền con người. Tuy nhiên, các quốc gia đang trong quá trình dân chủ hóa cũng tương đối kém ổn định hơn và thậm chí có nhiều khả năng họ sẽ tiến hành chiến tranh để giảm bớt áp lực nội bộ”, ông nói.

“Nếu Trung Quốc có thể thúc đẩy dân chủ hóa và chuyển đổi thành một nền dân chủ tự do một cách suôn sẻ, thì có thể tránh được một cuộc đại cách mạng và một cuộc chiến tranh thế giới. Nếu quá trình dân chủ hóa không xảy ra hoặc quá trình chuyển đổi dân chủ không diễn ra suôn sẻ, cuộc đại cách mạng lần thứ tư hoặc một cuộc chiến tranh thế giới khác có thể xảy ra ”.

Ông Lee cho biết, ông tin rằng nếu nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, Úc sẽ bị liên lụy rất nhiều.

Ông nói: “Việc đối mặt với hậu quả của sự bành trướng nguy hiểm của [ĐCSTQ] là điều không thể tránh khỏi đối với Úc".

Ông nói: “Vì vậy, tôi nghĩ Úc cần phải thức tỉnh hơn nữa".

“Úc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối đầu giữa dân chủ tự do và chế độ chuyên quyền", ông Lee nhận định.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Viện Hàn lâm Đài Loan cảnh báo Úc về 'sự bành trướng nguy hiểm' của Bắc Kinh