Viện trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ khẳng định rằng, ngay cả khi Đảng Cộng hòa tiếp quản Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ không ngừng nỗ lực viện trợ cho Ukraine để chiến đấu chống lại lực lượng Nga.

Giống như các nhà ngoại giao khác, nhóm của Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng họ không bình luận về các vấn đề chính trị trong nước. Tuy nhiên, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, người đứng đầu phái bộ thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cũng không tránh khỏi những câu hỏi về chính sách đối ngoại của Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đặc biệt là trong vấn đề viện trợ cho Ukraine.

Căn cứ trên kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tính đến thời điểm hiện tại, Đảng Cộng hòa được cho là đang tiến sát tới ngưỡng kiểm soát Hạ viện và có khả năng giành được đa số tại Thượng viện Mỹ.

Các quan chức Mỹ cho biết, lập trường và chính sách của Washington về việc viện trợ cho Kyiv chống lại sự xâm lược của Nga là không đổi.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại trung tâm dành cho người tị nạn và những người mất nhà ở do hậu quả của cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, ở Irpin, gần Kyiv, Ukraine, vào ngày 8/11/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/Pool/AFP/Images)

“Đúng vậy, người Ukraine và những người khác đã hỏi về tác động của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nếu Quốc hội Mỹ thay đổi sau cuộc bầu cử, liệu nó có tác động đến sự ủng hộ của chúng ta hay không?”, Đại sứ Thomas Greenfield ở thủ đô Kyiv của Ukraine cho biết.

"Tôi muốn nói với người dân Ukraine rằng: Quý vị đã chứng kiến sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ đối với Ukraine".

Tổng thống Biden cam kết sẽ tiếp tục làm việc với Quốc hội Mỹ để đảm bảo sẽ tiếp tục ủng hộ cho Ukraine, bà nói.

Bà Thomas Greenfield khẳng định rằng, bà không lo ngại về chiến lược của Mỹ đối với Ukraine trong những tháng tới.

Mỹ đã sát cánh với Ukraine kể từ những ngày đầu của cuộc chiến, và Mỹ chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu rạn nứt nào trong mối liên hệ này, bà nói với đài CNN ở Ukraine.

Bà nhấn mạnh rằng, Ukraine nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ, cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh Châu Âu (EU).

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đoàn kết cho đến khi Ukraine thắng trận và Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine".

Nga báo hiệu rút quân khỏi Kherson, Ukraine hoài nghi
Một phụ nữ tại ngôi làng Arkhanhelske thuộc vùng Kherson, Ukraine, vào ngày 3/11/2022. Khu vực này trước đây bị quân Nga chiếm đóng. (Ảnh: Bulent Kilic/AFP/Getty Images)

Tương lai viện trợ của Mỹ cho Ukraine là không chắc chắn

Khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ kết thúc, mức độ ủng hộ của nước này đối với Ukraine cũng đang được xem xét và đưa ra tranh luận.

Dân biểu Mỹ Marjorie Taylor Greene, người được biết đến với chủ trương chống gian lận cử tri trong cuộc bầu cử năm 2020, đã nói tại một sự kiện vận động tranh cử gần đây rằng, "Dưới thời Đảng Cộng hòa, sẽ không có thêm tiền để viện trợ cho Ukraine".

Bà nói: “Biên giới duy nhất mà họ (đảng Dân chủ) lo lắng là Ukraine, không phải biên giới phía nam của Mỹ. Đất nước của chúng ta luôn phải ưu tiên. Nhưng họ không quan tâm đến biên giới của chúng ta hay người dân của chúng ta".

Và Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy, một đảng viên Cộng hòa ở bang California có khả năng trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ tiếp theo, đã đưa ra một tuyên bố rằng Đảng Cộng hòa sẽ không ký "tấm séc trống" cho Ukraine.

Ông McCarthy nói với đài CNN vào tuần này rằng: “Tôi hoàn toàn ủng hộ Ukraine".

Ông McCarthy nói: “Chúng ta cũng nên trang bị vũ khí cho Đài Loan càng sớm càng tốt để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc và khiến cho thế giới trở nên an toàn hơn".

"Đó là lý do tại sao tôi cho rằng những gì quý vị cần không phải là một tấm séc trống, mà là đảm bảo rằng các nguồn lực được đưa đến nơi cần thiết và cả Quốc hội và Thượng viện Mỹ có thể tự do tranh luận một cách cởi mở".

Một người đàn ông chạy trước một tòa nhà chung cư bị phá hủy ở Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, hôm 26/9/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Thượng viện Mỹ ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine

Tuy nhiên, các thành viên Đảng Cộng hòa cấp cao tại Thượng viện Mỹ tin rằng việc Mỹ viện trợ các thiết bị quân sự và vũ khí quan trọng cho Ukraine là nhằm phục vụ lợi ích của chính nước Mỹ - phòng thủ trước cuộc tấn công quân sự của quân đội Nga.

Thượng nghị sĩ James Risch của tiểu bang Idaho, thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 9. Vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh sáp nhập một số vùng lãnh thổ của Ukraine đã bị quân Nga xâm lược và chiếm đóng.

“Tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng nghiệp trong Quốc hội Mỹ để đảm bảo rằng, Ukraine có xe tăng, máy bay không người lái và hệ thống phòng không cần thiết để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này”, ông Risch nói.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton gần đây cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục viện trợ Ukraine với sự hỗ trợ quân sự mà chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp", ông Cotton nói vào tuần trước.

"Một số đối tác châu Âu của chúng tôi cũng có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng thực tế có những hệ thống mà chỉ Mỹ mới có thể cung cấp", ông khẳng định.

Lam Giang

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ?