Virus Marburg gây tử vong 88% bùng phát ở Tanzania: Việt Nam đã có biện pháp gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/3, Bộ Y tế Tanzania thông báo, dịch bệnh do virus sốt xuất huyết Marburg gây ra đã làm 5 người ở nước này tử vong và 3 người khác phải nhập viện điều trị.

WHO cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Ba (21/3) rằng, phòng thí nghiệm công cộng quốc gia của Tanzania đã xác nhận căn bệnh này sau cái chết của 5 trong số 8 người ở vùng Kagera phía tây bắc Tanzania với các triệu chứng bao gồm sốt, nôn mửa, chảy máu và suy thận.

WHO cho biết trong số những người thiệt mạng có một nhân viên y tế. Ba người sống sót đang được điều trị, với 161 người tiếp xúc được theo dõi.

Bộ trưởng Y tế Tanzania, bà Ummy Mwalimu, cho biết nhà chức trách đang tiến hành truy vết 161 người được cho là có tiếp xúc gần với những người mắc bệnh. Bà Mwalimu khẳng định Chính phủ Tanzania đã kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh và không hoang mang.

Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực Châu Phi của WHO cho biết: “Nỗ lực của các cơ quan y tế Tanzania trong việc xác định nguyên nhân gây bệnh là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy quyết tâm ứng phó hiệu quả với đợt bùng phát dịch bệnh”.

“Chúng tôi đang làm việc với chính phủ để nhanh chóng tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus”, bà nói.

Một nhân viên y tế rời khỏi khu vực cách ly ngày 10 tháng 4 năm 2005 tại Uige, cách thủ đô Luanda khoảng 300 km về phía bắc, trong một căn lều tạm bợ nơi những người dân địa phương bị nhiễm virus Marburg được điều trị. Uige, một thị trấn bị tàn phá bởi nhiều năm nội chiến là tâm điểm của đợt bùng phát virus sát thủ Marburg đã cướp đi sinh mạng của 180 người (Ảnh: FLORENCE PANOUSSIAN/AFP via Getty Images)

Với tỷ lệ tử vong cao tới 88%, Marburg thuộc cùng một họ với virus gây ra bệnh Ebola và được truyền sang người từ loài dơi ăn quả. Sau đó, nó lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.

Theo WHO, các triệu chứng bao gồm sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu thường phát triển trong vòng 7 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Theo WHO, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus Marburg dao động từ 24% đến 88% trong các đợt bùng phát trước đây, tùy thuộc vào chủng virus và cách kiểm soát bệnh. Hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus, nhưng các phương pháp điều trị tiềm năng, bao gồm các chế phẩm từ máu, liệu pháp miễn dịch và điều trị bằng thuốc, cũng như các loại vaccine thử nghiệm ban đầu đang được đánh giá.

Trước đó, 11 người đã tử vong trong một đợt bùng phát đầu tiên của virus này ở Guinea-Bissau vào ngày 7/1.

Hôm 20/3, Bộ Y tế Việt Nam vừa có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg xâm nhập vào Việt Nam. Theo Bộ Y tế, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong đến 88%.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ.

Đặc biệt lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.

Đồng thời phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Virus Marburg gây tử vong 88% bùng phát ở Tanzania: Việt Nam đã có biện pháp gì?