Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Triều Tiên tiếp tục vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo gần đây, Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm cả việc cho phép nước này xuất khẩu tài nguyên trong vùng biển của họ.

Vào ngày 5/3, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI), một cơ quan cố vấn an ninh và quốc phòng có trụ sở tại London, đã công bố một báo cáo về kết quả phân tích các hình ảnh vệ tinh, thông tin tàu thương mại và hệ thống nhận dạng tự động của các con tàu (AIS) (nơi phát ra tín hiệu vị trí được các vệ tinh và thiết bị vô tuyến tiếp thu lại nhằm tránh va chạm trên biển).

Báo cáo kết luận: “Trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC), một đội tàu chở hàng lớn của Bắc Triều Tiên tiếp tục giao than cho Trung Quốc trong nỗ lực phối hợp quy mô lớn giữa 2 nước, nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt của UNSC đối với nước này về vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo”.

Các lệnh trừng phạt quốc tế đã được áp đặt lên Triều Tiên kể từ năm 2016, sau các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Vào tháng 8/2017, UNSC đã thông qua Nghị quyết 2371 cấm Triều Tiên xuất khẩu các sản phẩm như than, sắt, quặng sắt và hải sản. Vào tháng 12 cùng năm, UNSC đã “giáng” cho Bình Nhưỡng một “đòn” nữa bằng Nghị quyết 2397, đặt ra hạn ngạch 500.000 thùng mỗi năm đối với nhập khẩu dầu của nước này.

Tuy nhiên, theo báo cáo cho thấy, các tàu của Triều Tiên đã vận tải than và các tài nguyên khác (những hàng hóa có khả năng bị cấm do lệnh trừng phạt trước đó trong các nghị quyết của UNSC) để đi đến vùng biển Trung Quốc quanh quần đảo Chu San, một quần đảo thuộc tỉnh Chiết Giang ven biển Trung Quốc. Những lô hàng đó có thể có mục đích là chuyển cho Trung Quốc.

Theo báo cáo trên, Chu San là một trong những căn cứ hải quân của Trung Quốc. Nơi đây có Hạm đội Biển Đông, với các khu trục hạm, tàu khu trục và tàu hộ tống đóng quân ở đó. Các hòn đảo cũng là nơi có các cơ sở được điều hành bởi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc và Cảng vụ Chu San.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia phát hiện rằng mặc dù có sự hiện diện quân sự dày đặc như vậy, các tàu của Bắc Triều Tiên vẫn không dừng lại hoặc bị giam giữ, ngay cả khi các tàu này đang truyền tín hiệu AIS giả để ngụy trang.

Một số tàu của Bắc Triều Tiên đã bị UNSC đưa vào danh sách đen.

Nghị quyết 2397 của Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sẽ “bắt giữ, kiểm tra và đóng băng (các hàng hóa có trên tàu) bất kỳ tàu chở hàng nào” trong cảng và vùng lãnh hải của họ, nếu họ có cơ sở hợp lý để tin rằng con tàu đó đang tham gia vào hoạt động bất hợp pháp theo lệnh cấm của nghị quyết.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc có vẻ như đã không cản trở các tàu của Bắc Triều Tiên.

Ví dụ, vào ngày 1/2 năm nay, một tàu tuần tra hàng hải Trung Quốc “đã đi qua một cụm tàu ​​của Bắc Triều Tiên lúc 03:40 UTC”.

Thái độ “lơ là” của Trung Quốc trong hành động ngăn chặn các tàu của Triều Tiên làm “dấy lên mối lo ngại rất lớn về khả năng tuần tra hiệu quả của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất của họ, hoặc họ không muốn thực thi các nghị quyết của UNSC mà chính họ đã ủng hộ để ứng phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang diễn ra của Triều Tiên”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng tìm thấy bằng chứng hỗ trợ cho một báo cáo khác vào năm 2019 của Liên Hợp Quốc, trong đó tuyên bố rằng các tàu của Triều Tiên đang thực hiện các hoạt động bất hợp pháp về việc chuyển hàng từ tàu sang tàu trên biển, vốn là hành vi bị cấm bởi các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, Bắc Triều Tiên có thể đã vượt quá hạn ngạch 500.000 thùng hàng năm trong 4 tháng đầu năm 2019, và xuất khẩu tổng cộng 930.000 tấn than trong cùng thời gian đó. Những hành động này đều vi phạm lệnh trừng phạt.

Ngoài ra, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy các tàu Bắc Triều Tiên đã tiến hành chuyển hàng từ tàu sang tàu ở vùng biển ngoài khơi miền Bắc Việt Nam, và ngoài khơi thành phố Ninh Ba, một thành phố cảng lớn của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Vào ngày 10/5/2019, RUSI phát hiện ra một con tàu được gắn cờ Bắc Triều Tiên, bên cạnh có hai tàu nhỏ hoặc xà lan không xác định với một nền tảng chuyển tải nổi, gần Quần đảo Chu San.

RUSI thông báo: “Trong một số trường hợp này, có thể quan sát thấy sà lan Trung Quốc đang đi về phía các tàu Bắc Triều Tiên trước khi mất tín hiệu AIS, ngay sau đó chúng xuất hiện trở lại trên các hệ thống theo dõi, trước khi quay trở lại các cơ sở xử lý các vật liệu số lượng lớn dọc theo sông Dương Tử”.

Trả lời báo cáo của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc nói rằng các tuyên bố này là “mơ hồ” và không đủ để “cấu thành một chuỗi bằng chứng đầy đủ hoặc cơ sở để điều tra thêm”.

Trước phản ứng của phía Trung Quốc, RUSI tuyên bố: “Nếu các bằng chứng này kết hợp với các bằng chứng được trình bày ở đây vẫn không đủ để khiến Trung Quốc hành động, thì thật khó để tưởng tượng cơ quan nào sẽ thúc đẩy nước này đáp ứng các nghĩa vụ của UNSC”.

Báo cáo của RUSI được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (C4ADS) có trụ sở tại Washington đưa ra một báo cáo, tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc năm 2017 về việc ngăn cấm nước này “cung cấp, bán hoặc chuyển giao cát”, theo Reuters.

C4ADS cho biết: “Giữa tháng 3 và tháng 8/2019, C4ADS đã quan sát thấy một đội tàu lớn đi từ vùng biển Trung Quốc đến Bắc Triều Tiên để nạo vét và vận chuyển cát từ vịnh Haeju của Bắc Triều Tiên”.

C4ADS đã rút ra kết luận dựa trên việc phân tích dữ liệu AIS, nhưng họ vẫn đang đo lường xem có bao nhiêu cát đã được xuất khẩu từ Triều Tiên.

Văn Thiện
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Triều Tiên tiếp tục vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc