Vụ đánh bom ở Istanbul làm nổi bật căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tiếp nhận lời chia buồn của Mỹ sau vụ đánh bom chết người ở trung tâm Istanbul khiến 6 người thiệt mạng hôm 13/11. Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang ngày càng leo thang.

Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, vụ tấn công đã được lên kế hoạch và thực hiện bởi Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và chi nhánh của nó ở Syria, Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Kẻ đánh bom đã nhanh chóng bị bắt giữ.

Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), luôn coi PKK là một tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, bất chấp sự liên kết chặt chẽ của PKK với YPG, lực lượng YPG vẫn nhận được sự ủng hộ của Washington. Theo đó, Mỹ tiếp tục sử dụng YPG như một bức tường thành chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

“Mỹ tài trợ, huấn luyện, trang bị vũ khí và cung cấp thông tin tình báo cho YPG", ông Abdullah Agar, một chuyên gia an ninh và nhà bình luận chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The Epoch Times.

Ông nói: “Sự hậu thuẫn của Mỹ cho phép nhóm khủng bố thực hiện các loại tấn công này. Đây là lý do chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ".

Về phần mình, PKK đã phủ nhận các cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom ở Istanbul.

Nhóm này cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang web của mình ngày 14/11: “Chúng tôi không thể nhắm mục tiêu vào dân thường theo bất kỳ cách nào".

Các thành viên của cảnh sát điều tra hiện trường Thổ Nhĩ Kỳ (áo trắng) đang xem xét hiện trường vụ đánh bom làm rung chuyển khu phố mua sắm sầm uất Istiklal ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 13/11/2022. (Ảnh: Yasin Akgul/AFP/Getty Images)

Vụ tấn công nhắm mục tiêu vào ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm Chủ nhật (13/11), một vụ nổ đã làm rung chuyển trung tâm thành phố Istanbul, khiến 6 người thiệt mạng và 81 người khác bị thương. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mô tả đây là một vụ đánh bom "sặc mùi khủng bố".

Sau vụ nổ, xe cứu thương và cảnh sát lao tới khu vực này khi hàng trăm người tháo chạy khỏi đại lộ Istiklal nổi tiếng. Con phố đi bộ này thuộc quận Beyoglu của thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chật kín người mua sắm, khách du lịch và gia đình vào dịp cuối tuần.

Ông Agar, một chuyên gia an ninh tại Đại học Bahcesehir của Istanbul, cũng lưu ý rằng Đại lộ Istiklal là nơi tập trung một số phái bộ ngoại giao nước ngoài.

“Phố đi bộ Istiklal là một điểm du lịch nổi tiếng; một địa điểm mà những người đi nghỉ mát và những người trẻ tuổi thường tụ tập", ông Agar nói.

“Cuộc tấn công này nhắm mục tiêu cụ thể vào ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ, một trụ cột của nền kinh tế quốc gia".

Ông cho hay: “Vụ đánh bom rất có thể nhằm mục tiêu làm suy yếu uy tín ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ".

Trong vòng vài giờ sau vụ tấn công, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng thủ phạm bị đã bị bắt và đang được thẩm vấn. Người đứng sau vụ đánh bom tại Istabul được cho là cô Ahlam al-Bashir, một phụ nữ Syria 23 tuổi.

Các nhà chức trách cũng công bố đoạn video cho thấy hình ảnh cô al-Bashir nhận một gói hàng từ một người đàn ông không rõ danh tính ở Quảng trường Taksim gần Istanbul.

Ngay sau đó, người ta thấy cô này đặt gói hàng lên một chiếc ghế dài trên Đại lộ Istiklal. Vài phút sau, gói hàng phát nổ, nhấn chìm khu vực xung quanh trong biển lửa.

Phát biểu với các phóng viên vào ngày 14/11 gần hiện trường vụ nổ, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu cho biết, hàng chục cá nhân khác đã bị giam giữ vì có liên quan đến vụ tấn công.

Ông Soylu khẳng định rằng, “theo kết quả điều tra”, những kẻ chịu trách nhiệm về vụ đánh bom chết người có liên hệ với PKK và YPG.

Theo Bộ trưởng, cuộc tấn công được chỉ đạo từ thành phố Kobani có đa số người Kurd sinh sống. Kobani trải dài từ phía bắc Syria đến phía nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Soylu cũng cho biết, kẻ đánh bom bị cáo buộc đã đi qua thành phố Afrin phía bắc Syria khi đang trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Agar, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi “các cuộc tấn công và xâm nhập thường xuyên của những kẻ khủng bố YPG/PKK” dọc theo biên giới dài khoảng 900 km (560 dặm) với Syria.

Kể từ năm 2016, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ba cuộc tấn công lớn vào miền bắc Syria với mục đích là bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc tấn công của PKK và YPG.

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần ám chỉ về kế hoạch tấn công lần thứ tư, viện dẫn các cuộc tấn công tăng cường từ các khu vực do YPG kiểm soát ở miền bắc Syria.

PKK được thành lập vào cuối những năm 1970 và có trụ sở tại Dãy núi Qandil phía bắc Iraq. Tổ chức này tuyên bố đang tìm cách thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd.

Trong bốn thập kỷ qua, PKK đã tổ chức nhiều cuộc tấn công nhắm mục tiêu quân sự và dân sự vào bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các binh sĩ Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tập trung tại vùng nông thôn phía bắc thành phố Manbij, hôm 02/06/2022. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 01/06 đã nhắc lại những mối đe dọa về một cuộc tấn công quân sự ở miền bắc Syria nhắm vào “những kẻ khủng bố” người Kurd. (Ảnh: Bakr Alkasem/AFP/Getty Images)

'Khủng hoảng niềm tin'

Ngay sau vụ đánh bom ở Istanbul, nhiều quốc gia và các tổ chức đa phương đã lên án cuộc tấn công, cũng như gửi lời chia buồn tới Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Liên minh Châu Âu, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organisation of Islamic Cooperation) cùng những tổ chức khác.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng lên án vụ tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO từ năm 1952.

Washington cũng không ngoại lệ.

“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến những người bị thương và những người đã mất đi người thân”, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố.

“Chúng tôi sẽ kề vai sát cánh với đồng minh NATO của chúng tôi là Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố”, tuyên bố nói thêm.

Nhưng vào ngày 14/11, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã từ chối lời chia buồn của Washington.

“Thông điệp chia buồn này nên được hiểu là ‘kẻ giết người luôn quay lại hiện trường vụ án’”, ông Soylu cho hay.

“Sự hậu thuẫn của những người được gọi là đồng minh của chúng ta dành cho những kẻ khủng bố, bằng cách che giấu chúng trong đất nước của họ, cho những kẻ khủng bố một chiếc phao cứu sinh ở những khu vực chúng chiếm đóng, hoặc bằng cách tài trợ cho chúng… Tất cả là sự giả dối trắng trợn".

Vào ngày 15/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp người đồng cấp Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia. Ông Biden được cho là đã nhắc lại lời chia buồn của đất nước ông về vụ tấn công chết người ở Istanbul.

Vẫn chưa rõ phản ứng của ông Erdogan ra sao trước cử chỉ hòa giải của người đồng cấp Mỹ.

Nhưng trong một thông điệp sau đó được đăng trên Twitter, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ “lòng biết ơn chân thành” của mình tới hàng chục quốc gia và tổ chức đã gửi lời chia buồn tới đất nước ông sau vụ đánh bom.

Mặc dù dòng tweet của ông Erdogan không đề cập rõ ràng đến Mỹ, nhưng bài đăng có kèm theo hình ảnh lá cờ Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Agar, tình tiết này làm nổi bật căng thẳng đang leo thang giữa Ankara và Washington, đặc biệt là khi sự cố này liên quan đến việc Washington tiếp tục hỗ trợ cho YPG.

“Làm thế nào Mỹ có thể hỗ trợ một nhóm khủng bố tấn công và quấy rối biên giới của một thành viên NATO?”, ông hỏi.

“Sự hậu thuẫn không ngừng của Washington dành cho YPG đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng".

PKK là tổ chức chính trị và phong trào vũ trang của người Kurd nhằm đòi độc lập. Giao tranh giữa PKK và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ 1984 khiến hơn 40.000 người thiệt mạng.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vụ đánh bom ở Istanbul làm nổi bật căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ