Vũ khí hạt nhân chiến thuật nguy hiểm ra sao? Quy trình Nga dùng chúng thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/3 cho biết Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của nước láng giềng Belarus, đồng thời cho biết thêm điều này sẽ không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân. Những vũ khí này là gì và chính sách của Nga đối với chúng là gì?

Mỹ cho biết thế giới sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 vì những bình luận của ông Putin trong cuộc chiến Ukraine, nhưng Moscow nói rằng quan điểm của họ đã bị hiểu sai.

Kyiv và các đồng minh phương Tây lo ngại vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng trên chiến trường sau khi ông Putin và những một số quan chức Nga cảnh báo rằng họ sẵn sàng sử dụng tất cả kho vũ khí khổng lồ của mình để phòng thủ.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng các hệ thống đưa đạn đến mục tiêu. Chúng có thể được sử dụng trên chiến trường hoặc tiến hành các cuộc tấn công hạn chế. Vũ khí này được thiết kế để phá hủy các mục tiêu đối phương trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng và gây ra những tổn thất như vũ khí hạt nhân thông thường. Nói cách khác, với vũ khí hạt nhân chiến thuật, người ta có thể kiểm soát được các vụ nổ hạt nhân ở mức "vừa phải".

Những vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có đương lượng nổ 1 kiloton hoặc thấp hơn. Một kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Loại vũ khí lớn nhất có thể lên đến 100 kiloton.

Trái lại, vũ khí hạt nhân chiến lược thì có sự hủy diện lớn hơn nhiều lần (lên đến 1.000 kiloton) và sẽ được phóng từ tầm xa hơn. Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima vào năm 1945 có sức mạnh 15 kiloton.

Giới học thuật và các nhà đàm phán kiểm soát vũ khí đã dành nhiều năm để tranh luận về cách định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW). Cái tên đã nói lên rằng, chúng là vũ khí hạt nhân được sử dụng cho các lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì phá hủy các thành phố lớn nhất của Mỹ hoặc Nga như vũ khí nguyên tử thông thường.

Rất ít người biết chính xác Nga có bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật ​​vì đây là bí mật từ thời Chiến tranh Lạnh.

Nga có ưu thế vượt trội về số lượng so với Mỹ và NATO khi nói về vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giới chức Mỹ tin rằng Moscow đang sở hữu khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, nhiều gấp 10 lần so với Washington.

Những đầu đạn này có thể được trang bị và phóng trên nhiều loại tên lửa, ngư lôi và bom trọng lực của các lực lượng hải quân, không quân hoặc lục quân. Chúng thậm chí có thể được lái vào một khu vực nhất định và kích nổ.

Mỹ có khoảng 200 vũ khí như vậy, một nửa trong số đó nằm ở các căn cứ ở châu Âu. Những quả bom hạt nhân B61 dài 3,6 mét này có đương lượng nổ khác nhau từ 0,3 đến 170 kiloton, được triển khai tại 6 căn cứ không quân trên khắp các nước Ý, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.

Ở Nga, Tổng thống là người ra quyết định cuối cùng trong trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, cả chiến lược và phi chiến lược, theo học thuyết hạt nhân của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu chúc mừng các thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga trong ngày lễ của họ, tại Moscow ngày 27/3/2023. (Ảnh: GAVRIIL GRIGOROV/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga có khoảng 22.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật trong khi Mỹ có khoảng 11.500. Hầu hết số vũ khí này đã được tháo dỡ hoặc đang chờ tháo dỡ.

Số còn lại được lưu trữ trong ít nhất 30 căn cứ quân sự và hầm chứa dưới sự kiểm soát của Tổng cục 12 của Bộ Quốc phòng Nga do Igor Kolesnikov đứng đầu. Kolesnikov sẽ là người báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng về vấn đề hạt nhân.

Để chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật, có khả năng ông Putin sẽ tham khảo ý kiến ​​của các quan chức cấp cao từ Hội đồng An ninh Nga. Sau đó Tổng thống sẽ hạ lệnh, thông qua Bộ tổng tham mưu, để đầu đạn được nối với phương tiện phóng, chuẩn bị cho một lệnh phóng tiềm năng.

Bởi vì ông Putin không thể dự đoán được phản ứng của Mỹ, nên toàn bộ tư thế răn đe hạt nhân của Nga sẽ thay đổi: tàu ngầm sẽ ra khơi, lực lượng tên lửa sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao nhất và máy bay ném bom chiến lược sẽ xuất hiện tại các căn cứ, sẵn sàng cất cánh ngay lập tức.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Mỹ đã nỗ lực hết sức để chuyển các kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô đóng tại Belarus, Ukraine và Kazakhstan cho Nga - quốc gia kế thừa kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

Kể từ khi vũ khí hạt nhân được trả lại vào đầu những năm 1990, Nga đã không công bố bất kỳ việc triển khai vũ khí hạt nhân nào ra bên ngoài biên giới của mình.

Ông Putin hôm thứ Bảy (25/3) cho biết thỏa thuận với Belarus sẽ không trái với các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân do Liên Xô ký kết quy định rằng không một cường quốc hạt nhân nào có thể chuyển vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ cho một quốc gia phi hạt nhân. Nhưng hiệp ước này cho phép vũ khí hạt nhân được triển khai bên ngoài biên giới của một quốc gia hạt nhân dưới sự giám sát chặt chẽ như với trường hợp vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vũ khí hạt nhân chiến thuật nguy hiểm ra sao? Quy trình Nga dùng chúng thế nào?