Vụ tai nạn máy bay ở Nepal: 2 người mất tích, 70 người được xác nhận đã tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chức Nepal cho biết, không còn ai sống sót sau vụ tai nạn máy bay ATR 72 gần Pokhara, Nepal, hôm 15/1.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tờ The Washington Post, ông Tek Bahadur K.C., quan chức quận Kaski, nói rằng, giới chức khu vực đang “cố gắng trục vớt bốn thi thể từ Hẻm núi sông Seti” với độ sâu khoảng 300 mét.

Sau tiết lộ trên, hai thi thể khác đã được phát hiện, nâng tổng số người tử vong đã được xác minh lên 70 người, theo tờ Reuters.

Chuyến bay của hãng hàng không Yeti Airlines từ Kathmandu đến thị trấn du lịch Pokhara chở 72 hành khách, bao gồm cả 4 thành viên phi hành đoàn. Máy bay đã lao xuống hẻm núi cách sân bay chỉ khoảng 800 mét, sau 25 phút trong chuyến bay kéo dài 27 phút.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal cho biết trong một tuyên bố, chiếc máy bay chở 68 hành khách, trong đó có 15 công dân nước ngoài: 5 hành khách người Ấn Độ, 4 người Nga, 2 người Hàn Quốc và 4 người đến từ Ireland, Úc, Argentina và Pháp.

Nữ phi công Anju Khatiwada là cơ phó trên chiếc máy bay của hãng hàng không Yeti Airlines gặp nạn hôm 15/1 ở Nepal. Hồi năm 2006, chồng của cô Khatiwada cũng đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn tương tự, tờ Reuters đưa tin.

Vụ tai nạn hàng không Nepal thảm khốc nhất trong nhiều thập kỷ

Dữ liệu từ trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24.com cho thấy, chiếc máy bay đã khởi hành lúc 04:47 giờ UTC (Giờ Phối hợp Quốc tế) vào ngày 15/1. Chiếc máy bay ATR-72 hai động cơ 15 tuổi đã ngừng phát sóng vị trí của nó vào khoảng 05:05 giờ UTC và gửi tín hiệu cuối cùng vài phút sau đó lúc 05:12 giờ UTC. Theo khung giờ Việt Nam thì ba mốc thời gian trên lần lượt là 11h47, 12h05 và 12h12 trưa ngày 15/1.

Một video được đăng trên mạng xã hội cho thấy chiếc ATR-72 đang bay ở tầm thấp tại Pokhara thì đột ngột nghiêng 90 độ về bên trái. Máy bay sau đó biến mất khỏi khung hình. Sau đó là một vụ nổ lớn kèm theo những tiếng la hét thất thanh.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập tính xác thực của đoạn video.

Các quan chức vẫn chưa xác nhận nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, những người tìm kiếm hôm thứ Hai (16/1) đã tìm thấy máy ghi âm buồng lái và hộp đen của máy bay. Những phát hiện này có thể giúp các nhà điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, tờ Reuters đưa tin. Các máy ghi âm được cho là ở tình trạng tốt và sẽ được gửi đi phân tích.

Chuyên gia tư vấn hàng không kỳ cựu Neil Hansford nói với hãng thông tấn Australian Broadcasting Corporation (ABC) rằng, dựa trên các báo cáo, nguyên nhân của vụ tai nạn có thể là do “cách xử lý của phi công”.

“Tôi cho rằng các phi công đã mất kiểm soát chiếc máy bay và đó là lý do khiến nó lao xuống rìa một sườn núi", ông Hansford nói. “Nhiên liệu không phải là vấn đề, bởi vì nó cháy rất dễ dàng, và rõ ràng là vẫn còn rất nhiều nhiên liệu trên máy bay”.

Ông Hansford cũng nhấn mạnh rằng, các điều kiện môi trường ở Nepal, chẳng hạn như địa hình gồ ghề và núi cao - bao gồm cả đỉnh Everest - cũng có thể dẫn đến thời tiết nhiều mây và điều kiện bay nguy hiểm. Đó là những “kẻ thù đối với ngành hàng không".

Ông nói: “[Việc lái máy bay trong điều kiện như vậy] đòi hỏi phi công phải có trình độ bay rất cao và [máy bay] được trang thiết bị tiên tiến. Nhưng thật không may, một quốc gia kém phát triển như Nepal chưa có được những yếu tố đó”.

Quang cảnh bờ hồ ở Pokhara, phía tây Nepal vào ngày 25/12/2022. (Ảnh: Katabella Roberts/The Epoch Times)

Phi công không báo cáo bất cứ yếu tố bất lợi nào

Phát ngôn viên của Sân bay Pokhara, ông Anup Joshi, nói với đài BBC hôm 16/1 rằng, "điều kiện tầm nhìn tốt, hình ảnh những ngọn núi rõ ràng" vào thời điểm chuyến bay diễn ra và "không có vấn đề gì với thời tiết", chỉ có gió nhẹ.

Ông Joshi cũng nói rằng, phi công của chuyến bay đã không báo cáo “bất cứ yếu tố bất lợi nào” khi máy bay đến gần sân bay, nhưng vài phút trước khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, phi công đã yêu cầu thay đổi đường băng - từ đường băng số 3 sang đường băng số 1.

“Chúng tôi có thể hoạt động ở cả hai đường băng”, vị phát ngôn viên của sân bay Pokhara cho biết máy bay đã được phép hạ cánh.

Vụ tai nạn hôm 15/1 đánh dấu vụ tai nạn đẫm máu nhất ở Nepal kể từ năm 1992. Khi đó, một chiếc Airbus A300 của Hãng hàng không quốc tế Pakistan đâm vào một sườn đồi khi đến gần Kathmandu, khiến toàn bộ 167 hành khách trên máy bay thiệt mạng.

Nhìn chung, gần 350 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay hoặc trực thăng ở Nepal kể từ năm 2000. Liên minh Châu Âu đã cấm các hãng hàng không của Nepal vào không phận của họ kể từ năm 2013 do lo ngại về an toàn.

Pokhara nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng 129 km (80 dặm) về phía tây và là điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ bầu không khí thoải mái, bờ hồ đẹp như tranh, các khóa tu yoga và địa điểm chơi dù lượn. Địa điểm này cũng đóng vai trò là cửa ngõ vào Annapurna Circuit, một đường mòn đi bộ đường dài nổi tiếng ở dãy Himalaya.

Hôm 16/1, Thủ tướng Nepal tuyên bố nước này tổ chức quốc tang trong hôm 16/1 để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong tai nạn máy bay, đồng thời chính phủ cũng thành lập một ủy ban gồm 5 thành viên để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vụ tai nạn máy bay ở Nepal: 2 người mất tích, 70 người được xác nhận đã tử vong