Vương quốc Anh chứng kiến cuộc đình công ngành y tế lớn nhất trong lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (6/2), hàng chục nghìn y tá và nhân viên cứu thương của Vương Quốc Anh đã tổ chức cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) - tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe do nhà nước điều hành.

Công đoàn Đại học Điều dưỡng Hoàng gia (RCN) đã tổ chức cuộc đình công với sự hợp tác của các công đoàn GMB và Unite. Đây là lần đầu tiên các nhân viên y tế và y tá đình công trong cùng một ngày.

Các công đoàn đã thúc giục chính phủ Anh tăng lương cho ngành y tế ở nước này trong năm tài chính 2022 - 2023, nhưng chính phủ Anh, cơ quan kiểm soát NHS ở Anh, đã từ chối khởi động lại các cuộc đàm phán về tiền lương.

Theo đó, lực lượng y tế cũng sẽ bãi công trong ngày 7/2, lực lượng vật lý trị liệu cũng bãi công vào ngày 9/2, trong khi đội ngũ cấp cứu sẽ tuần hành vào ngày 10/2.

Giới chức NHS cho biết đây sẽ là “tuần đình công gây gián đoạn nhất tính đến nay”. Tuy nhiên, họ kêu gọi người Anh hãy tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc y tế và khẩn cấp nếu cần và đến các cuộc hẹn theo lịch trình trừ khi họ được liên lạc trước.

Các công đoàn ở xứ Wales phần lớn đã gác lại các kế hoạch đình công sau khi chính phủ xứ Wales đề xuất tăng lương vào ngày 3/2.

'Chu kỳ không đổi'

Tổng thư ký RCN Pat Cullen nói với hãng thông tấn PA rằng: “Hôm nay, chúng ta đang ở trong tình thế mà chính phủ này đã chọn trừng phạt các y tá Anh thay vì ngồi vào bàn đàm phán và trao đổi với tôi về việc trả lương như cách họ đã làm ở xứ Wales và Scotland”.

Bà Sharon Graham, Tổng thư ký của công đoàn Unite, cho biết, “Trong cuộc xung đột về tiền lương này, chính phủ Anh chưa bao giờ bàn về vấn đề thực chất của việc trả lương, và đó mới là vấn đề thực sự”.

Bà nói rằng trừ khi chính phủ Anh đưa ra một đề nghị tăng lương, bằng không các nhân viên NHS sẽ "bị mắc kẹt trong một chu kỳ đình công không hồi kết, điều mà rõ ràng là không ai mong muốn”.

Bà Saffron Cordery, Phó Giám đốc điều hành của NHS Providers, đại diện cho các quỹ tín thác của NHS, đã thúc giục chính phủ thương lượng mức lương với các công đoàn cho năm tài chính 2022 - 2023.

"Tôi hy vọng sự việc này kết thúc bằng việc chính phủ ngồi xuống bàn đàm phán để dàn xếp về khoản lương năm nay cho nhân viên NHS", bà nói với đài Sky News.

“Tôi cho rằng chúng ta hiểu rằng nhân viên NHS đã phải đối mặt với chi phí tăng vọt, chi phí sinh hoạt tăng cao, lạm phát leo thang và thỏa thuận xem xét tiền lương năm nay được thực hiện vào thời điểm mà lạm phát không ở mức như hiện tại.

“Vì vậy, tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là chúng ta nên tập trung vào việc đạt được thỏa thuận [về tiền lương] cho năm nay, cũng như cân nhắc về thỏa thuận trả lương cho năm tới”.

‘Con đường phía trước’

Bình luận về cuộc đình công, Downing Street (chính phủ Anh) cho biết họ muốn nhìn về phía trước và không lùi bước trước các cuộc đình công đòi tăng lương.

Phát ngôn viên chính thức của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận về các giải pháp khả thi với các công đoàn”.

“Lập trường bấy lâu nay của chúng tôi là việc tăng lương cao hơn mức lạm phát là không thể chấp nhận được, do tác động của nó đối với người nộp thuế và nguy cơ gia tăng áp lực lạm phát”.

"Tuy nhiên, chúng tôi muốn vạch ra một con đường phía trước. Chúng tôi cho rằng giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề là bàn về đề nghị trả lương cho năm nay (2023 - 2024) trước khi gửi bằng chứng cho cơ quan xét duyệt trả lương".

Khi được hỏi liệu các công đoàn có nên “từ bỏ hy vọng” đàm phán về mức lương 2022 - 2023 hay không, quan chức chính phủ Anh cho biết: “Chúng tôi muốn nhìn về phía trước. Chúng tôi cho rằng nên tập trung vào vấn đề tiền lương của năm nay chứ không phải nhìn lại quá khứ".

Phát biểu trong chuyến thăm Bệnh viện Kingston ở tây nam London, Bộ trưởng Y tế Steve Barclay đã bảo vệ lập trường của chính phủ rằng việc tăng lương có thể thúc đẩy lạm phát.

Ông nói: “Chỉ vài ngày trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey nói rằng tiền lương là một yếu tố trong cách tiếp cận của ngân hàng về lạm phát và lãi suất”.

“Nhưng đúng là chúng tôi có một quy trình độc lập. Chúng tôi đã hoàn toàn chấp nhận các đề xuất được đưa ra vào năm ngoái, chúng tôi hiện đang gửi bằng chứng cho cơ quan xét duyệt lương từ tháng 4 trở đi”.

"Chúng tôi muốn hợp tác trên tinh thần xây dựng với các công đoàn về bằng chứng này, đó là lý do tại sao chúng tôi thảo luận những vấn đề này với họ”.

‘Biểu tượng của sự xấu hổ'

Đảng đối lập chính hiện nay - Đảng Lao động - đã cáo buộc các Bộ trưởng Anh là “đứng ngoài cuộc” khi nhắc đến việc đàm phán với các nhân viên NHS.

Lãnh đạo Đảng Lao động Sir Keir Starmer nói với các đài truyền hình: “Các cuộc đình công lan rộng ngày nay là một biểu tượng của sự xấu hổ đối với chính phủ Anh”.

“Không ai muốn thấy những cuộc đình công này, cũng chẳng ai muốn đình công - nhưng điều cuối cùng mà các y tá muốn làm là đình công. Những gì họ muốn là một chính phủ có thể thể hiện vai trò lãnh đạo, ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết tranh chấp này”.

"Các y tá đã nói rõ trước lễ Giáng sinh rằng họ sẽ không đình công nếu chính phủ thương lượng với họ về tiền lương. Tôi nghĩ nhiều người hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi chính phủ đứng ngoài cuộc và không thể hiện bất kỳ vai trò lãnh đạo nào giữa cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Điều đó khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều so với những gì có thể xảy ra”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vương quốc Anh chứng kiến cuộc đình công ngành y tế lớn nhất trong lịch sử