Vương Quốc Anh đẩy nhanh tốc độ tách khỏi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối quan hệ giữa Vương Quốc Anh và Trung Quốc đang ngày càng xấu đi. Hội đồng thành phố Newcastle của Vương quốc Anh gần đây đã cắt đứt quan hệ với thành phố kết nghĩa Thái Nguyên của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đồng thời, các nhà chức trách nước này đang tiến hành điều tra "Trạm Dịch vụ Cảnh sát và Hoa kiều" của ĐCSTQ thiết lập ở London và Glasgow.

Anh nhất trí chấm dứt quan hệ kết nghĩa với thành phố Thái Nguyên của Trung Quốc

Bà Wendy Taylor, một nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do của Newcastle, đã đề xuất một kiến nghị chấm dứt mối quan hệ kết nghĩa với thành phố Thái Nguyên của Trung Quốc, vì "các giá trị phổ quát như nhân quyền, dân chủ và tự do, chính phủ Trung Quốc không chỉ coi thường các chuẩn mực quốc tế mà thậm chí, Bắc Kinh không hề quan tâm đến điều đó", theo một bản kiến nghị mà bà đã đệ trình.

Hoạt động kiến nghị chấm dứt mối quan hệ kết nghĩa với thành phố Thái Nguyên được thúc đẩy bởi nhóm sinh viên Hong Kong "Newcastle Stands with Hong Kong (NSWHK)".

Đề nghị này đã được Quốc hội Newcastle xem xét và biểu quyết vào ngày 2/11. Bà Taylor tuyên bố rằng "Luật An ninh Quốc gia" của ĐCSTQ được ban hành vào năm 2020 đã vi phạm "Tuyên bố chung Trung - Anh" và tước bỏ quyền tự trị ban đầu của Hong Kong.

Năm ngoái, ĐCSTQ đã trừng phạt bà Jo Smith Finley, một học giả về Trung Quốc tại Đại học Newcastle, vì bảo vệ nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ. Bà Taylor đã đọc bức thư ngỏ của bà Finley tại quốc hội, trong đó nói rằng "Bà ấy bị trừng phạt vì ủng hộ lương tâm và công bằng xã hội". Đây được coi là mối đe dọa to lớn đối với tự do học thuật ở Vương quốc Anh.

Bà Jane Byrne thuộc Đảng Lao động Anh cũng cho hay, các đề xuất sửa đổi cũng đã tham khảo một nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế nêu bật tình hình nhân quyền đang xấu đi của Trung Quốc, bao gồm các phiên tòa bất công, đe dọa và tra tấn. Bà Byrne cho biết, Newcastle nên ủng hộ những người đấu tranh cho nền dân chủ tự do.

Cuối cùng, tất cả các ủy viên hội đồng thành phố đã quyết định bỏ phiếu nhất trí về đề nghị này, và thành phố đã chính thức cắt đứt mối quan hệ với thành phố kết nghĩa Thái Nguyên, Trung Quốc.

Anh dự kiến đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử

Hôm thứ Ba (1/11), ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Anh, đã trả lời các câu hỏi của các nghị sĩ trong Hạ viện Anh. Ông tuyên bố, Thủ tướng Rishi Sunak tin rằng các Viện Khổng Tử là mối đe dọa đối với tự do của một số trường cao đẳng ở Vương quốc Anh và sẽ cân nhắc đóng cửa các viện này.

Vào tháng 9, các phương tiện truyền thông Anh đưa tin rằng, bà Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, đang đàm phán với Đài Loan để cử các giáo viên dạy tiếng Trung đến Anh để thay thế các Viện Khổng Tử.

Ông Sunak duy trì quan điểm nghiêm khắc đối với ĐCSTQ trong cuộc tranh luận bầu cử thủ tướng trên TV vào tháng 7 năm nay. Ông coi ĐCSTQ là "mối đe dọa an ninh lớn nhất" của Anh trong thế kỷ này và đề xuất một số biện pháp, bao gồm cả việc đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử ở nước Anh.

Vương quốc Anh có nhiều Viện Khổng Tử nhất trên thế giới, lên đến 31 viện. Theo ông Sunak, trên thực tế, tất cả số tiền mà chính phủ Anh chi cho giáo dục tiếng Trung ở các trường tiểu học và trung học đều được phân bổ cho các Viện Khổng Tử được thành lập trong các trường đại học. Điều này đang đóng góp gián tiếp cho quyền lực mềm của ĐCSTQ.

Ông Sunak cũng tuyên bố rằng, một liên minh các quốc gia tự do mới sẽ được thành lập để chống lại các mối đe dọa mạng của ĐCSTQ. Liên minh này sẽ thách thức hành vi gián điệp sở hữu trí tuệ của ĐCSTQ, bảo vệ các tài sản quan trọng của Anh và ngăn chặn ĐCSTQ sở hữu các tài sản nhạy cảm về mặt chiến lược.

Vương Quốc Anh điều tra các "Trạm Dịch vụ Cảnh sát và Hoa kiều"

Theo một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders, cơ quan công an của Trung Quốc đã thành lập 54 "Trạm Dịch vụ Cảnh sát và Hoa kiều" tại 21 quốc gia. Trong số đó, có ba trạm được thiết lập ở Vương quốc Anh.

Quốc hội Anh đã khởi xướng ít nhất hai yêu cầu đóng cửa khẩn cấp đối với các trạm cảnh sát của ĐCSTQ. Ông Tugendhat tuyên bố trong phiên điều trần ngày 1/11 rằng, chính phủ Anh rất lo ngại về những hành động không được khai báo của cảnh sát ĐCSTQ.

Ông Tugendhat cho biết, những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm "đàn áp xuyên quốc gia" là "sai lầm" và phải bị dừng lại. Ông nhấn mạnh rằng, bất kỳ cơ quan nước ngoài nào hoạt động tại Vương quốc Anh đều phải tuân theo luật pháp của Vương quốc Anh. Mọi nỗ lực trục xuất bất kỳ cá nhân nào một cách bất hợp pháp đều sẽ không được phép.

Ông cũng đề cập đến Dự luật An ninh Quốc gia sắp có hiệu lực của Vương quốc Anh, nhấn mạnh rằng bất kỳ lực lượng nước ngoài nào ép buộc, quấy rối hoặc đe dọa một cá nhân đều sẽ cấu thành tội hình sự.

Hà Lan đã ra lệnh cho ĐCSTQ đóng cửa ngay lập tức “Trạm Dịch vụ Cảnh sát và Hoa kiều” ở Hà Lan vào ngày 1/11. Ireland cũng ra lệnh đóng cửa đồn cảnh sát của ĐCSTQ ở Dublin, trong khi Đức và Canada vẫn đang tiến hành điều tra.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vương Quốc Anh đẩy nhanh tốc độ tách khỏi Trung Quốc