Washington bác bỏ việc bán tên lửa cho Ukraine, gọi đó là tuyên truyền của Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền ông Biden đã bác bỏ các cáo buộc về việc bán tên lửa Javelin cho Ukraine qua hình thức trực tuyến, cáo buộc đó là tuyên truyền của Nga.

Các báo cáo về thương vụ mua bán lần đầu tiên được đăng tải trên mạng xã hội. Một tài khoản Twitter đã đăng ảnh chụp màn hình của một trang web trên dark web liệt kê tên lửa Javelin FGM-148 được rao bán với giá 30.000 USD. Tên lửa được thiết kế để sử dụng chống lại các phương tiện bọc thép hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực và xe quân sự hạng nhẹ. Đồng thời, tên lửa này cũng được sử dụng để chống lại boongke và trực thăng.

Theo dòng tweet của tài khoản AZ Osint hôm 2/6, tên lửa Javelin FGM-148 đã được bán bởi người Ukraine, cho thấy vũ khí này đã được chuyển hướng khỏi các điểm đến chính thức. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định những tuyên bố bán vũ khí như vậy là sai sự thật.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với đài Fox News: “Với việc Nga tích cực và nổi tiếng với những tuyên truyền thông tin sai lệch, phù hợp với sách vở cũ kỹ của nước này, thì không nên coi những hình ảnh như vậy là xác thực và cần phải được xem xét kỹ”.

“Chính phủ Nga đang đầu tư rất nhiều vào việc cung cấp thông tin sai lệch để đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế khỏi cuộc xâm lược vô cớ và tàn bạo của Điện Kremlin tại Ukraine".

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “liên tục theo dõi” mọi báo cáo về việc chuyển hướng thiết bị quốc phòng có xuất xứ từ Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới, đồng thời sẽ xem xét tất cả các cáo buộc đó một cách “nghiêm túc”.

Các lô vũ khí Mỹ đã chuyển cho Ukrainr bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: Lục quân Mỹ
Các lô vũ khí Mỹ đã chuyển cho Ukraine bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. (Ảnh: Lục quân Hoa Kỳ)

Người phát ngôn nói thêm rằng, các quan chức Mỹ sẽ làm việc với những người đồng cấp Ukraine để đảm bảo rằng tất cả vũ khí và tiền do Mỹ chuyển giao đều được "sử dụng và bảo vệ đúng cách".

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia cũng bác bỏ các báo cáo về việc bán tên lửa Javelin trên dark web, nói thêm rằng các nguồn được trích dẫn “có vẻ không đáng tin cậy”. Người phát ngôn cho biết thêm, Moscow có lịch sử phát tán thông tin sai lệch về việc phổ biến vũ khí từ Ukraine.

Một tên lửa chống tăng Javelin do các binh sĩ thuộc Lữ đoàn Stryker số 2 bắn về phía mục tiêu trong một cuộc tập trận vào ngày 28/4/2022 tại Fort Carson, Colorado, Hoa Kỳ. (Ảnh: Michael Ciaglo/Getty Images)

Tuyên bố về việc bán tên lửa Javelin trên dark web được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang gửi một khoản viện trợ quân sự trị giá 700 triệu USD khác trong gói mới nhất của nước này cho Ukraine. Vào ngày 1/6, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã trình bày chi tiết các loại vũ khí sẽ được gửi trong gói viện trợ này.

Gói này bao gồm 1.000 vũ khí chống tăng vác vai Javelin, vũ khí chống thiết giáp, đạn pháo, trực thăng, đơn vị phóng chỉ huy và phương tiện chiến thuật.

Cùng với gói viện trợ 700 triệu USD, chính quyền ông Biden đã chi tổng cộng 4,6 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi quân đội Nga tiến hành cuộc xâm lược hồi cuối tháng Hai. Kể từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, Mỹ đã gửi hơn 7,3 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Nga đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ viện trợ quân sự cho Kyiv. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 1/6 cho biết, với việc gửi thêm vũ khí tới Ukraine, Moscow tin rằng Mỹ đang “đổ thêm dầu vào lửa một cách có chủ đích và cần mẫn” .

Khi được các phóng viên hỏi về việc Nga sẽ đáp trả những hành động như vậy của Mỹ như thế nào, ông Peskov nhấn mạnh rằng tốt hơn hết là Washington “không nên nói về các tình huống xấu nhất”.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Washington bác bỏ việc bán tên lửa cho Ukraine, gọi đó là tuyên truyền của Nga