WHO: Cánh cửa cơ hội kiềm chế COVID-19 đang khép lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia cần hành động nhanh chóng trước khi cánh cửa cơ hội ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đóng hoàn toàn.

Ngày 21/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói rằng cánh cửa cơ hội để ngăn dịch COVID-19 lây lan rộng hơn ra phạm vi quốc tế đang dần khép lại, do đó các nước phải hành động nhanh để kiểm soát dịch bệnh này, theo hãng tin Reuters.

"Cánh cửa cơ hội đang thu hẹp lại, do đó chúng ta cần hành động nhanh chóng trước khi cánh cửa này đóng hoàn toàn" - ông Tedros nói.

Tuyên bố trên được tổng giám đốc WHO đưa ra sau khi nhiều ca nhiễm và tử vong mới được ghi nhận ở Hàn Quốc, Iran, Lebanon. Dù tin rằng COVID-19 có thể được ngăn chặn, nhưng ông Tedros vẫn cảnh báo về cơ hội kiềm chế dịch bệnh này.

"Nó có thể chuyển biến theo bất kỳ hướng nào. Nếu chúng ta làm tốt, chúng ta có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nào xảy ra. Nhưng nếu chúng ta lãng phí cơ hội, thì chúng ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng" - ông Tedros giải thích.

Giai đoạn mới của dịch Covid-19?

Hiện nay tuy số người chết vì nCoV bên ngoài Trung Quốc vẫn nhỏ, với 14 trường hợp tử vong, nhưng tại các quốc gia châu Á khác, tình trạng lây nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Số ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc ngày 21/2 tăng lên 204, gấp đôi trong vòng 24 giờ với tâm điểm là Daegu, thành phố lớn thứ tư đất nước có dân số 2,5 triệu người. Thị trưởng Daegu Kwon Young-jin đã yêu cầu các cư dân thành phố nên ở trong nhà.

Ông Kwon nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có”.

Tại Nhật Bản, tình hình cũng rất đáng báo động. Nước này trở thành "ổ dịch" lớn thứ hai sau Trung Quốc với hơn 700 ca nhiễm nCoV, trong đó có hơn 600 người trên tàu Diamond Princess. Du thuyền này bị cách ly từ ngày 4/2 đến 19/2 tại cảng Yokohama do một du khách Hong Kong trên tàu tháng trước dương tính với nCoV.

Ngoài trường hợp tàu Diamond Princess, số ca nhiễm nCoV tại Nhật cũng tăng gấp ba trong tuần qua, lên tới hơn 90 người. Một cụ bà trong độ tuổi 80 ở tỉnh Kanagawa có xét nghiệm dương tính với nCoV đã tử vong tuần trước.

Mỹ cũng ghi nhận thêm 20 ca dương tính với nCoV trong ngày 21/2, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở đây lên 35.

Một diễn biến khác là một số bệnh nhân ở Trung Quốc sau khi được chữa khỏi, đã tái nhiễm nCoV tại nhà.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khuyến cáo các bệnh nhân đã khỏi bệnh tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, đeo khẩu trang và hạn chế các hoạt động ngoài trời sau khi được xuất viện, nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc các mầm bệnh khác.

Theo cập nhật của báo South China Morning Post ngày 21/2, trên thế giới đã có 2.250 ca tử vong (gồm 2.236 ca ở Trung Quốc đại lục, 3 ở Nhật Bản, 2 ở Hàn Quốc, 2 ở Hong Kong, 1 ở Đài Loan, 4 ở Iran, 1 ở Pháp, 1 ở Philippines). Trong khi đó, số ca nhiễm là 76.794 ca, trong đó có 1.381 trường hợp ở ngoài Trung Quốc.

"Virus này rất nguy hiểm và là kẻ thù số một của cộng đồng", Tổng giám đốc WHO nói trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 20/2.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

WHO: Cánh cửa cơ hội kiềm chế COVID-19 đang khép lại