WHO từ chối công nhận dịch bệnh Coronavirus là một ‘đại dịch toàn cầu’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự lây lan của loại coronavirus mới chưa đạt đến mức độ của đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm thứ Hai (24/2), ngay cả khi số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng mạnh ở Iran, Hàn Quốc và Ý.

Số ca nhiễm “tăng đột ngột” ở ba quốc gia này “rất đáng lo ngại”, Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên ở Geneva, nhưng cho biết các chuyên gia tại cơ quan này đã quyết định phản đối việc mô tả tình hình là một “đại dịch”.

“Virus này có tiềm năng gây đại dịch không? Hoàn toàn có. Chúng ta đã ở đó chưa? Từ đánh giá của chúng tôi, chưa”, ông nói.

“Hiện tại, sử dụng từ ‘đại dịch’ không phù hợp với thực tế, nhưng chắc chắn có thể gây sợ hãi”.

Có dịch bệnh của virus (corona) mới ở nhiều quốc gia, ông Tedros nói.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một cuộc họp báo ở Geneva vào ngày 24/2/2020. (Fabrice Coffrini / AFP qua Getty Images)

WHO, một cơ quan quốc tế đang hỗ trợ các quốc gia cố gắng chống lại loại virus mới, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào cuối tháng 1, sau khi có xác nhận của nhiều trường hợp nhiễm Coronavirus vốn không có tiền sử du lịch đến Trung Quốc, nơi virus này xuất hiện vào tháng 12 năm 2019. Tình trạng khẩn cấp toàn cầu được định nghĩa là “một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan ra toàn cầu của bệnh và có khả năng cần thiết lập một phản ứng phối hợp mang tính toàn cầu”.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, một dịch bệnh là “một sự gia tăng, thường mang tính đột ngột, tổng số các trường hợp mắc bệnh trên mức bình thường xảy ra ở một nhóm dân cư trong một khu vực cụ thể”. Một đại dịch “đề cập đến một dịch bệnh lan rộng trên một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn người”.

Tiến sĩ Anthony Fauci, một quan chức hàng đầu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết trong một lần xuất hiện trên CNN cuối tuần qua rằng một đại dịch có đặc điểm lây truyền từ người sang người liên tục ở những nơi khác nhau trên thế giới.

“Chúng ta rõ ràng đang đứng trước bờ vực đó”, ông nói.

Lính Ý tuần tra qua một điểm kiểm tra ở lối vào thị trấn nhỏ Vo Vecchio, nằm trong khu vực màu đỏ của COVID-19, ổ dịch coronavirus mới, miền bắc Italy, vào ngày 24/2/2020. (Marco Sabadin / AFP qua Getty Images)

Tính đến thứ Hai (24/2), đã có 2.074 trường hợp nhiễm COVID-19 ở 28 quốc gia ngoài Trung Quốc. 23 người chết bên ngoài Trung Quốc vì căn bệnh này, một con số đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Ngoài sự tăng đột biến trong các trường hợp ở Iran, Hàn Quốc và Ý, khoảng nửa tá quốc gia ở Trung Đông đã báo cáo các trường hợp vào thứ Hai (24/2). Nhiều ca được xác nhận lần đầu tiên ở những nước này.

“Quyết định của chúng tôi về việc có nên sử dụng từ 'đại dịch' để mô tả dịch bệnh hay không dựa trên đánh giá liên tục về sự lây lan của virus, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tác động của nó đối với toàn xã hội”, ông Tedros nói với các phóng viên ở Geneva.

“Hiện tại, chúng tôi không thấy có ​​sự lây lan toàn cầu không rõ ràng của loại coronavirus này và chưa có sự ghi nhận về tình trạng ​​bệnh nặng hay tử vong trên diện rộng”.

Các quốc gia, các nhóm và mọi người nên tập trung vào việc cố gắng ngăn chặn virus nhưng vẫn phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra đại dịch, ông Tedros nói thêm.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, nói với các phóng viên rằng từ ‘đại dịch’ đề cập đến niềm tin rằng toàn bộ dân số thế giới có thể sẽ bị phơi nhiễm với virus mới, khi có một phần dân số bị nhiễm bệnh.

“Đại dịch cúm” đôi khi có thể được gọi sớm hơn rất nhiều vì thế giới đã đối mặt với chúng trước đây, ông nói.

“Cách giải thích dễ dàng hơn là một đại dịch sẽ xảy ra khi có dịch cúm. Những gì chúng ta chưa thể hiểu rõ về COVID-19 chính là tác nhân thực sự khiến bệnh lây lan”, ông nói, đồng thời trích dẫn số liệu từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định số ca nhiễm ở Trung Quốc đang giảm - vốn là điều khiến hầu hết các chuyên gia nghi ngờ.

Cuộc họp báo diễn ra sau khi một nghiên cứu ước tính rằng hai phần ba số người mang virus từ Trung Quốc đã không bị phát hiện ở các quốc gia nơi họ đi du lịch.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, trong quá trình phân tích dữ liệu chuyến bay từ Vũ Hán - ổ dịch chính của Coronavirus, đã kết luận rằng “số ca được phát hiện ở một số quốc gia ít hơn đáng kể so với dự kiến ​​dựa trên khối lượng hành khách bay đến từ Vũ Hán”.

Du Miên
- Theo The Epoch Times.


WHO từ chối công nhận dịch bệnh Coronavirus là một ‘đại dịch toàn cầu’