Xâm lược Đài Loan, ĐCS Trung Quốc liệu đã sẵn sàng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, ĐCS Trung Quốc đã có những động thái táo bạo với Đài Loan. Liệu họ đã sẵn sàng xâm lược Đài Loan? Chúng ta hãy phân tích khả năng này.

ĐCS Trung Quốc liên tục gây hấn và đe dọa chiến tranh với Đài Loan

ĐCSTQ đang tiến hành triển khai rầm rộ những vụ xâm nhập chưa từng có vào không phận cũng như lãnh hải của Đài Loan.

Vào tháng 3, chính quyền Bắc Kinh đã cho triển khai 20 máy bay xâm nhập vào Đài Loan, bao gồm cả máy bay mang bom hạt nhân.

Không dừng ở đó, tiếp tục vào tháng 4, quân đội Trung Quốc đã tiếp tục huy động lượng máy bay lớn hơn với 25 chiếc, liên tục uy hiếp đảo quốc này.

Năm ngoái, không quân Trung Quốc đã tiến hành khoảng 380 lần đột kích vào vùng nhận dạng không phận (ADIZ) của Đài Loan. Đây là số xâm nhập nhiều nhất trong vòng 1 năm kể từ năm 1996. Cho đến nay, quân đội Trung Quốc đã đưa máy bay vào ADIZ gần như mỗi ngày.

Như một diễn biến leo thang, cũng vào đầu tháng 4, Trung Quốc điều động tàu sân bay Liêu Ninh cùng tàu khu trục hạng nặng 055 và các tàu khác đi qua eo biển Miyako ở tây nam Nhật Bản để vào Thái Bình Dương, bắt đầu cuộc tập trận ngay sát Đài Loan.

Những động thái này uy hiếp trực tiếp chủ quyền Đài Loan và được giới chức quân sự Đài Loan nói rằng những lần xâm nhập như vậy là “lớn chưa từng có”.

Một cơ cấu đội hình hải quân Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh (giữa), trong cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông, vào ngày 2/1/2017. (STR / AFP qua Getty Images)

Không chỉ trên mặt quân sự, trên mặt trận tuyên truyền, chính quyền Trung Quốc cũng tích cực gây hấn. Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời Báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận diều hâu của ĐCSTQ đã kích động người Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

“Tôi sẽ bắt các vị tham gia vào đội biệt kích để dội bom xuống các hầm trú ẩn máy bay trên đảo [Đài Loan]. Nếu các vị liều mạng bỏ chạy, tôi sẽ bắn hạ từ phía sau”, ông Hồ nói với cư dân mạng Weibo của Trung Quốc.

Ông này còn nói thêm rằng: Không có eo biển có thể bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc tấn công của Trung Quốc. Đài Loan có quân đội tự vệ và có sự ủng hộ của đồng minh Hoa Kỳ theo ‘Đạo luật quan hệ Đài Loan. Tuy nhiên, không gì có thể bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc tấn công. Ông cũng cảnh bảo rằng, các nhà lãnh đạo của Đảng Dân Tiến nên tỉnh táo và sáng suốt.

Ông Hồ tiếp tục đe dọa rằng, nếu Đài Loan tiếp tục hành động, thì người Đài Loan cũng sẽ chịu nhận số phận giống như những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Phản ứng của Đài Loan

Trước diễn biến ngày càng hung hăng của ĐCSTQ, Đài Loan đã có phản ứng mạnh mẽ. Cụ thể Ngoại trưởng Đài Loan cho biết rằng Đài Loan sẽ chiến đấu đến cùng khi nói rằng: “Nếu cần phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Nếu cần phải tự vệ tới ngày cuối cùng, chúng tôi sẽ tự vệ, cho đến tận ngày cuối cùng”.

Đài Loan cũng dọa bắn trả máy bay không người lái của Bắc Kinh nếu chúng tiếp cận quá gần quốc đảo.

Hơn thế nữa, Đài Loan đã triển khai tên lửa, nhằm tăng cường hỏa lực và năng lực phòng thủ. Cảnh sát biển Đài Loan đã triển khai lần lượt 168 và 124 tên lửa chống thiết giáp Kestrel tới các sở chỉ huy trên các đảo Đông Sa và Ba Bình. Những tên lửa chống thiết giáp, được triển khai cho mục đích phòng thủ, có thể được sử dụng trong các chiến dịch chống đổ bộ.

Tên lửa RT-2000 trong tập trận bắn đạt thật "Hán Quang" trên đảo Penghu vào ngày 25, 2017. Lực lượng Đài Loan tiến hành bắn đạn thật trong cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất vào ngày 25 tháng 5, do Tổng thống Thái Anh Văn chủ trì, khi hòn đảo này phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ đối thủ Trung Quốc. (Nguồn ảnh SAM YEH / AFP qua Getty Images)

Không chỉ triển khai tên lửa, quốc đảo này còn tiến hành sản xuất tên lửa tầm xa có khả năng vươn sâu vào trong lãnh thổ đại lục. Được biết, Đài Loan đang sản xuất tên lửa đất đối không và đang phát triển ba loại tên lửa tầm xa khác. Trong những tháng gần đây, Đài Loan đã thực hiện một loạt vụ thử tên lửa ngoài khơi về phía bờ biển Đông Nam của nước này.

Đồng thời họ cũng chuẩn bị các cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo rằng họ sẽ tổ chức "Cuộc tập trận Hán Quang" trong năm nay. Một cuộc tập trận thực sự, gọi là “trận mô phỏng phức hợp" mô phỏng cuộc tấn công của ĐCSTQ, sẽ được tiến hành vào tháng Bảy năm nay.

Thực trạng chính trị của Đài Loan

Đài Loan có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc được Tôn Trung Sơn thành lập vào năm 1912 sau cách mạng Tân Hợi, lật đổ triều đình nhà Thanh. Trung Hoa Dân Quốc cai quản toàn bộ Trung Quốc Đại lục, lấy thủ đô là Nam Kinh.

Trung Hoa Dân Quốc thuộc bên thắng cuộc trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Họ tham gia sáng lập Liên Hiệp Quốc vào năm 1945 và với danh nghĩa là Trung Quốc họ đảm nhiệm một vị trí trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến năm 1971.

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc quản lý Trung Quốc Đại lục từ năm 1921 đến năm 1949. Sau khi thua cuộc trong cuộc nội chiến với Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 1949, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân Đảng nắm quyền đã để mất quyền kiểm soát thực tế đối với hầu hết phần lãnh thổ Trung Quốc Đại lục. Sau đó Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Đại lục, còn Trung Hoa Dân Quốc thì rút sang Đài Loan và chỉ còn kiểm soát được khu vực đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ xung quanh, dù cho vẫn duy trì những tuyên bố chủ quyền như trước năm 1949.

Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower tại Đài Bắc ngày 18 tháng 6 năm 1960. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Sau khi rút sang Đài Loan, tại đây họ lấy Đài Bắc làm thủ đô lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc. Họ vẫn chủ trương là chính thể hợp pháp duy nhất và có chủ quyền hoàn toàn đối với toàn bộ khu vực Trung Quốc Đại Lục.

Sau giai đoạn này, các quốc gia phương Tây vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc. Tuy vậy, kề từ năm 1971, Trung Hoa Dân Quốc bị mất quyền đại diện cho “Trung Quốc” vào tay Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc và đã rút khỏi tổ chức này.

Do chịu ảnh hưởng của áp lực ngoại giao, từ năm 1971 đến nay càng ngày càng có nhiều quốc gia công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc.

Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do ĐCSTQ nắm quyền luôn coi Đài Loan là một tỉnh phản loạn và đe dọa dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo này.

Trên danh nghĩa, Trung Hoa Dân Quốc - Đài Loan vẫn tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ Trung Quốc Đại Lục. Đây là một trong những là lý do tại sao các quốc gia chỉ công nhận một trong 2, một là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do ĐCSTQ lãnh đạo, hoặc là Trung Hoa Dân Quốc - Đài Loan bởi vì cả 2 chính thể đều tuyên bố chủ quyền của toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc đại lục.

Hiện nay chỉ có 14 nước thành viên Liên Hiệp Quốc có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Trong những năm gần đây, Đài Loan có những động thái muốn trở thành một quốc gia độc lập với chủ quyền là đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ khác. Đây là lý do chọc giận ĐCSTQ. Vì nếu họ làm vậy, chính quyền Trung Quốc sẽ khó khăn trong việc xâm lược một quốc gia có chủ quyền thuộc Liên Hiệp Quốc. Do đó chính quyền Bắc Kinh luôn đe dọa dùng vũ lực với Đài Loan nếu quốc đảo này muốn độc lập.

Khi nào ĐCS Trung Quốc xâm lược Đài Loan?

Đây là câu hỏi được nhiều bên quan tâm. Các chuyên gia về quân sự cho rằng ĐCSTQ đang tăng tốc thời gian xâm lược Đài Loan.

Ông John Mills - cựu giám đốc Chính sách an ninh mạng, chiến lược và các vấn đề quốc tế tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã nói với tờ The Epoch Times rằng: Các cuộc xâm nhập gần đây của Bắc Kinh chỉ là một phần trong một loạt các cuộc tập trận chạy nước rút nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Đài Loan.

Máy bay chiến đấu J-10 của lực lượng không quân Ba Yi thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc biểu diễn trước truyền thông Singapore Airshow ở Singapore vào ngày 9/2/2020 (Suhaimi Abdullah / Getty Images)
Máy bay chiến đấu J-10 của lực lượng không quân Ba Yi thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc biểu diễn trước truyền thông Singapore Airshow ở Singapore vào ngày 9/2/2020 (Suhaimi Abdullah / Getty Images)

Ông Mills dự đoán rằng các cuộc tập trận này có thể đạt đến đỉnh điểm là một cuộc chạy đua nước rút quy mô lớn trong hai năm tới. Ông Mills cho rằng, những cuộc tập trận chạy nước rút này là rất cần thiết, do tính chất phức tạp của các hoạt động đổ bộ - cũng như sự thật là quân đội Trung Quốc chưa từng tiến hành một cuộc đổ bộ quân sự nào vào một cường quốc thù địch trong một tình huống thực tế.

Ông tin rằng một cuộc xâm lược có thể xảy ra trong ba năm tới, sẽ là sớm hơn rất nhiều so với ước tính sáu năm mà đô đốc Hoa Kỳ Philip Davidson, người chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (INDOPACOM) từng đưa ra trong một cuộc điều trần quốc hội vào hồi đầu tháng Ba.

Ông Mills nói rằng: “Nếu họ không làm điều đó trong 10 năm tới, tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình có thể sẽ bị cách chức. Tôi cho rằng thậm chí họ sẽ dành ra 6 năm để phát động xâm lược. Ông nói thêm rằng; ông Tập có thể chấp nhận áp lực tấn công Đài Loan để đánh lạc hướng mối bận tâm vào các vấn đề nội bộ, như khủng hoảng kinh tế chẳng hạn.

Đô đốc John Aquilino, người được đề cử kế nhiệm cựu đô đốc Davidson để chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, tại phiên điều trần bổ nhiệm của ông vào hồi tháng 3, ông đã từ chối xác nhận ước tính 6 năm của Davidson. Tuy nhiên ông cho biết mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Trung Quốc “gần với chúng ta hơn rất nhiều so với điều mà hầu hết mọi người đang nghĩ”.

Luận điểm này được lặp lại bởi cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R McMaster. Hồi tháng 3 ông này đã nói rằng; ông Tập tin rằng “ông ta có một cơ hội thoáng qua đang khép lại” để tấn công Đài Loan. Ông McMaster cho biết; khoảng thời gian từ năm 2022 trở đi đánh dấu thời điểm “nguy hiểm nhất” đối với Đài Loan, trùng với thời điểm kết thúc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Học giả chuyên nghiên cứu Trung Quốc Gordon Chang cũng có quan điểm như trên khi cho rằng ông Tập sẽ không dám rủi ro khi gây hấn trước Thế vận hội, vì điều đó sẽ khiến cộng đồng quốc tế tránh xa sự kiện này. ĐCSTQ rõ ràng tin rằng một kỳ Olympic thành công là rất quan trọng đối với tính hợp pháp của họ.

Thậm chí truyền thông nhà nước Trung Quốc như Thời Báo Hoàn Cầu cũng thừa nhận rằng những vụ xâm nhập trên là kế hoạch tập dượt cho một cuộc tấn công chính thức vào quốc đảo này.

MOSCOW, NGA - 24 tháng 6: Một đơn vị diễu binh của Lực lượng vũ trang Trung Quốc trong cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ đánh dấu kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, vào ngày 24 tháng 6 năm 2020 tại Moscow, Nga. Lễ kỷ niệm 75 năm đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại khi Đức Quốc xã đầu hàng Liên Xô. (Ảnh của Sergey Pyatakov - Getty Images)

Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, bình luận viên truyền hình kiêm chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết: “Cuộc tập trận có thể là một cuộc diễn tập kế hoạch tác chiến [của quân đội Trung Quốc] trên đảo Đài Loan, và [quân đội Trung Quốc] có thể chiếm ưu thế trên không, tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển, bao gồm cả tàu chiến của các nước ngoài can thiệp”.

Thời cơ đã chín muồi?

Điều mà Bắc Kinh cân nhắc trước tiên khi muốn xâm lược Đài Loan là gì? Đó chính là thái độ của Hoa Kỳ.

Trung Quốc hoàn toàn có thể tấn công Đài Loan vào bất cứ thời điểm nào dựa trên cán cân tương quan về lực lượng quân sự, tuy nhiên ĐCSTQ luôn dè chừng trước Mỹ. Và sự dè chừng này thường phụ thuộc vào tổng thống nắm quyền tại Nhà Trắng thuộc đảng phái nào.

Trong các đời tổng thống thuộc đảng Cộng hòa thường có chủ trương tăng cường mạnh mẽ quan hệ với Đài Loan, nên ĐCSTQ luôn dè chừng vì Mỹ có thể ra tay nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Đặc biệt là dưới thời ông Trump, quan hệ với Đài Loan và Hoa Kỳ đã tăng thêm một bước mới khi ông và nội các của mình mở rộng mối quan hệ với quốc đảo này, ông tăng cường bán vũ khí tối tân cho Đài Loan, ông cũng cho hạm đội tàu sân bay của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Đây là động thái hiếm có mà hiếm Tổng thống tiền nhiệm nào có thể làm.

Tuy vậy hiện nay chính quyền Biden thuộc đảng Dân chủ lên nắm quyền và ĐCSTQ đang cố gắng tận dụng cơ hội này để thử chính quyền Biden trong vấn đề Đài Loan. ĐCSTQ không ấn tượng với sức mạnh của Mỹ dưới thời Biden. Cuộc họp ở Alaska khi Vương Khiết Trì mắng mỏ Mỹ là một trong những phép thử đầu tiên với chính quyền Biden khi nói rằng Hoa Kỳ không có đủ tư cách để nói với Trung Quốc “từ vị thế của kẻ mạnh”.

Cuộc họp ở Alaska khi Vương Khiết Trì mắng mỏ Mỹ là một trong những phép thử đầu tiên với chính quyền Biden khi nói rằng Hoa Kỳ không có đủ tư cách để nói với Trung Quốc “từ vị thể của kẻ mạnh”. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Bắc Kinh đang công khai chế nhạo Washington. Thời báo Hoàn cầu vào giữa tháng 4 đã đăng một bài xã luận với tiêu đề: "Khi thiếu quyết tâm thực sự, Hoa Kỳ nên duy trì 'sự mơ hồ chiến lược'".

Theo học giả Gordon Chang, trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nói rằng họ không tin rằng Tổng thống Joe Biden sẽ bảo vệ Đài Loan. Bài xã luận ủng hộ quan điểm này nói rõ rằng Bắc Kinh cho rằng cán cân quyền lực quân sự đang nghiêng về phía họ, ngay cả khi Hoa Kỳ sẵn sàng tham chiến bảo vệ Đài Loan. Trong một bài xã luận khác vào ngày 8 tháng 4, chính quyền Trung Quốc nói rằng Đài Loan "hoàn toàn sẽ không có cơ" nếu họ quyết định xâm lược hòn đảo này.

Đặc biệt ĐCSTQ sẽ khai thác về cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Biden, Jake Sullivan muốn bán đứng Đài Loan với giá 1,14 nghìn tỷ USD dưới dạng xóa nợ khi đề nghị Hoa Kỳ làm ngơ để ĐCSTQ xâm lược Đài Loan.

Theo tài liệu do WikiLeaks công bố, vào năm 2011, cố vấn lúc đó của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, Jake Sullivan đã gửi bài xã luận của New York Times có tiêu đề “Để cứu nền kinh tế của chúng ta, hãy bỏ rơi Đài Loan” của tác giả Paul V. Kane cho Hillary. Bà Hillary Clinton trả lời: “Tôi đã đọc bài báo và nghĩ rằng đó là [một ý tưởng] thật thông minh”. Trong bài báo này, ông Kane đề nghị Hoa Kỳ đàm phán để Trung Quốc xóa nợ 1,14 nghìn tỷ đô la Mỹ để đổi lấy việc chấm dứt hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ và bán vũ khí cho Đài Loan. Theo ý kiến của ông Kane, điều này sẽ cắt giảm nợ của Mỹ, giúp nền kinh tế và tránh việc xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Từ khi Biden lên nắm quyền, vẻ bề ngoài có vẻ cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế những thứ đó chỉ ở trên bề mặt và không thực chất. Trái lại, chính quyền này đã làm lợi cho Trung Quốc. Khi vừa mới lên nắm quyền, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp cấm dùng từ “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán” với lý do là phân biệt chủng tộc. Ông cũng chấm dứt chính sách của ông Trump về việc yêu cầu các trường học ở Mỹ phải công khai về mối liên hệ với Viện Khổng Tử vốn từ mang tính tuyên truyền và do thám của ĐCSTQ. Nhiều chính sách khác của Biden cũng gián tiếp có lợi cho Trung Quốc, như kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD làm lợi cho Trung Quốc khi Hoa Kỳ phải nhập khẩu thép và xi măng mà Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về những mặt hàng này. Việc kế hoạch tăng thuế của ông Biden cũng khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ trở nên kém cạnh tranh và họ sẽ dịch chuyển sản xuất sang các nước khác, tất nhiên trong đó có cả Trung Quốc. Chính quyền Biden cũng sẽ hợp tác với Bắc Kinh về chống biến đổi khí hậu mà nhiều chuyên gia cho rằng chỉ có Mỹ tuân thủ cam kết còn Trung Quốc thì sẽ không. Chưa kể đến nhiều vấn đề như tài trợ cho Viện virus học Vũ Hán hay quay trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nơi mà Hoa Kỳ đóng góp phần lớn kinh phí.

Liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan khi hòn đảo này bị Trung Quốc tấn công hay không? Chính là nằm trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Đạo luật này được thông qua từ năm 1979 khi Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và quay sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do ĐCSTQ cai trị. Đạo luật này giống như một phương thức để trấn an Đài Loan sau khi họ bị Hoa Kỳ bỏ rơi.

Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Chis Dodd và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chụp ảnh tại Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 15/4/2021. (Văn phòng Tổng thống Đài Loan)
Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Chis Dodd và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chụp ảnh tại Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 15/4/2021. (Văn phòng Tổng thống Đài Loan)

Tuy vậy Đạo luật này không nói rõ ràng là Hoa Kỳ phải có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ Đài Loan trong trường hợp đảo quốc này bị tấn công. Điều khoản khá mơ hồ và có thể được giải thích tùy theo ý chủ quan của người đọc.

Trong nhiều thập kỷ qua, Washington đã duy trì chính sách "mơ hồ chiến lược" khi họ không nói rõ với Bắc Kinh hay Đài Bắc biết Mỹ sẽ hành động gì khi có xung đột xảy ra.

Thống nhất Đài Loan là di sản của thế hệ lãnh đạo thứ 3 của ông Tập?

Theo Alexander Liao, ký giá chuyên phân tích mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cho rằng, thống nhất Đài Loan là di sản của thế hệ lãnh đạo thứ 3 như ông.

Trong các bài phát biểu trước công chúng, ông Tập tuyên bố rằng một trong những dấu hiệu cho thấy sự tái trỗi dậy của Trung Quốc là thống nhất Đài Loan. Theo quan điểm của ông, ngay cả khi Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai và trở thành siêu cường thế giới, nhưng nếu Đài Loan không trở thành một phần của Trung Quốc đại lục thì ĐCSTQ không thể được xem là đã thành công. Dưới con mắt của các nhà lãnh đạo Đảng thế hệ thứ hai như Tập Cận Bình, di sản của Mao Trạch Đông là chiếm được quyền lực tại Trung Quốc và di sản của Đặng Tiểu Bình là đưa Trung Quốc đi vào con đường tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Di sản của thế hệ lãnh đạo thứ ba phải là thống nhất Trung Quốc. Nếu Đài Loan không được thống nhất với Trung Quốc, tính hợp pháp và địa vị lịch sử của thế hệ lãnh đạo thứ ba của ĐCSTQ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ông Liao cho rằng nếu ĐCSTQ có khuynh hướng chấp nhận rủi ro, họ có thể sẽ dùng vũ lực để tiêu diệt Đài Loan trong một đến hai năm tới, trong khi cơ hội vẫn chưa khép lại. Nếu không, cơ hội này có thể mất vĩnh viễn đối với thế hệ lãnh đạo thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sức mạnh quân sự của TQ.

Trên lý thuyết, cán cân quân sự hiện đang nghiêng về phía Bắc Kinh. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc chi tiêu cho quân sự nhiều hơn khoảng 25 lần so với Đài Loan, và rõ ràng là có lợi thế hơn về mọi mặt, từ tên lửa, máy bay chiến đấu đến tàu chiến và năng lực của quân đội - chưa kể đến kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Theo trang xếp hạng năng lực quân sự Global Fire Power, sức mạnh của quân đội Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Nga, trong khi đó Đài Loan chỉ đứng thứ 22.

Cái giá phải trả

ĐCSTQ có thể sẽ bị trừng phạt kinh tế và ngoại giao bởi Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế nếu họ xâm lược Đài Loan. Có lẽ họ đã lường hết những hậu quả này và họ cũng có thể sẽ bị trừng phạt về một phương diện nào đó. Nhưng do có mối liên hệ mật thiết về kinh tế với các quốc gia phương Tây nên các biện pháp trừng phạt chắc hẳn sẽ mang tính tượng trưng.

ĐCSTQ có thể tham khảo một bài học rất lớn trong sự kiện nước Nga tấn công và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 dưới thời Obama. Các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ đã trừng phạt Nga sau động thái liều lĩnh này nhưng những đòn trừng phạt này không có tác dụng gì lớn với nước này sau đó. Tổng thống Nga, Putin chắc hẳn đã hành động nhanh chóng để chiếm bán đảo Crimea vì một tổng thống đảng Dân chủ Obama yếu nhược. Nên nhớ rằng sức ảnh hưởng của nền kinh tế Nga với phương Tây thấp hơn rất nhiều so với của Trung Quốc.

Có một sự trùng hợp rằng, năm 1949, Tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman, thuộc đảng Dân chủ đã không hỗ trợ quân sự Trung Hoa Dân Quốc, rốt cuộc đã để ĐCSTQ chiếm được toàn lãnh thổ Trung Hoa Đại lục. Năm 1979 Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Jimmy Carter đã chính thức chấm dứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc - Đài Loan để công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - ĐCSTQ. Còn hiện giờ Biden cũng là tổng thống thuộc đảng Dân chủ, liệu ông ta có nhắm mắt làm ngơ như những tổng thống tiền nhiệm kia và để mặc ĐCSTQ xâm lược Đài Loan hay không?

Minh Dũng



BÀI CHỌN LỌC

Xâm lược Đài Loan, ĐCS Trung Quốc liệu đã sẵn sàng?