Xuất khẩu vũ khí của Nga và Trung Quốc rớt thảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài năm tới đây hứa hẹn sẽ là thời gian khó khăn cho các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga và Trung Quốc. Có vẻ nhàm tai khi nói rằng “gieo nhân nào gặt quả nấy”, nhưng nó hiếm khi lại hiển nhiên và rõ ràng được như trong trường hợp này.

Hàng năm, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đều công bố báo cáo thường niên về hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu. Dù là một tài liệu ngắn (chỉ 12 trang) nhưng nó rất đáng đọc. Đặc biệt, nó có đầy đủ dữ liệu hữu ích về hoạt động chuyển giao vũ khí quốc tế.

Theo báo cáo của SIPRI xuất bản hồi tháng 03/2023, tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 5 năm 2018–2022 đã giảm so với 5 năm trước đó (2013–2017). Thị phần của các quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp và Ý trên thị trường vũ khí toàn cầu tăng đáng kể; trong khi Hàn Quốc đang nổi lên như một tay chơi lớn, vượt xa Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển.

Đáng chú ý, theo báo cáo, Nga và Trung Quốc đang đặc biệt đối mặt với tình trạng sụt giảm trong xuất khẩu vũ khí. Từ giai đoạn 2013–2017 đến giai đoạn 2018–2022, hoạt động chuyển giao vũ khí ra nước ngoài của Trung Quốc giảm 23%, trong khi xuất khẩu vũ khí của Nga giảm tới 31% - tức là giảm gần ⅓.

Thành thật mà nói, không thể tìm thấy hai quốc gia nào xứng đáng phải chịu điều này hơn Nga và Trung Quốc. Tính hiếu chiến và hung hăng của cả hai nước này trên trường quốc tế đang giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp vũ khí của họ.

Rất dễ để hiểu tại sao doanh số bán vũ khí của Nga lại yếu kém như thế. Cuộc xâm lược Ukraine ít nhiều đã khiến nước này trở thành kẻ bị ruồng bỏ, khiến Moscow mất đi các hợp đồng vũ khí lớn. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, doanh số bán vũ khí của Nga đã giảm mạnh ở khắp mọi nơi. Các khách hàng lâu năm của Nga, chẳng hạn như Ấn Độ và Ai Cập, đã cắt giảm đáng kể lượng vũ khí mua từ Moscow. Do đó, Nga hiện có ít đơn đặt hàng máy bay chiến đấu từ nước ngoài hơn so với Pháp hay Ý.

Thị phần của Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu đã giảm từ 22% trong giai đoạn 2013-2017 xuống chỉ còn 16% trong giai đoạn 2018-2022. Năm 2013, Nga đã xuất khẩu gần 8 tỷ USD vũ khí; đến năm 2022, con số này giảm xuống chỉ còn dưới 3 tỷ USD. Trong khi đó, thị phần của Mỹ trên thị trường vũ khí toàn cầu đã tăng từ 33% lên 40%.

Đông Nam Á là khu vực mà Nga mất đi nhiều đơn hàng vũ khí. Đã có thời, Đông Nam Á là thị trường đặc biệt béo bở cho các nhà sản xuất vũ khí của Nga. Trong những năm trước, Moscow đã bán máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 cho Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cũng như máy bay huấn luyện MiG-29 và Yak-130 cho Myanmar. Các giao dịch mua bán quan trọng khác bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa chống hạm và máy bay trực thăng.

Kết quả là trong phần lớn thế kỷ 21, Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho khu vực này. Theo ông Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (có trụ sở tại Singapore), từ năm 2000 đến 2021, giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga sang khu vực này là 10,9 tỷ USD, theo sau là Mỹ với 8,4 tỷ USD.

Hiện tại, Đông Nam Á không còn là thị trường béo bở của Moscow. Chẳng hạn, Indonesia đã hủy bỏ thỏa thuận mua máy bay chiến đấu của Nga, trong khi Philippines bỏ kế hoạch mua máy bay trực thăng và tàu ngầm từ Nga. Ngay cả Việt Nam, khách hàng lớn nhất của Nga ở Đông Nam Á, cũng đã tạm dừng mua vũ khí của Nga.

Việc mất nguồn thu từ buôn bán vũ khí - đặc biệt là sang châu Á - là một thảm họa đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Moscow rõ ràng không muốn mất đi ngành kinh doanh hái ra tiền này, nhưng họ vẫn phải đối mặt với thực tế là các hợp đồng vũ khí có thể sẽ tiếp tục chững lại, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tình hình xuất khẩu vũ khí yếu kém của Nga đã để lại một khoảng trống mà các đối thủ cạnh tranh có thể lấp vào. Đây là cơ hội của Hoa Kỳ và các nhà sản xuất vũ khí lớn tại châu Âu.

Tuy vậy, Trung Quốc dường như không được hưởng lợi từ những thất bại của Nga. Các khách hàng lớn nhất của Nga - đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam - sẽ không bao giờ mua vũ khí Trung Quốc. Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Myanmar và Thái Lan, cũng không có vẻ sẽ chọn Bắc Kinh để mua vũ khí.

Trên thực tế, trong nửa thập kỷ qua, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng - 23%, theo SIPRI. Trong 5 năm qua, các giao dịch vũ khí của Trung Quốc trung bình chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm đáng kể so với con số 2 tỷ USD vào năm 2013 (năm đầu tiên ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã liên tục thất bại trong nỗ lực thoát ra khỏi vị thế nước xuất khẩu vũ khí hạng hai. Thị phần của Bắc Kinh trong ngành kinh doanh vũ khí toàn cầu hiếm khi vượt quá 5% hoặc 6%, khiến nước này đứng ở vị trí thứ 3 rất xa sau Hoa Kỳ và Nga (hoặc gần đây hơn là đứng thứ 4 sau Pháp).

Hơn nữa, Trung Quốc vẫn còn quá phụ thuộc vào một số khách hàng lớn, đặc biệt là Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Trên thực tế, trong những năm gần đây, Pakistan chiếm hơn một nửa (54%!) tổng số vũ khí chuyển giao từ Trung Quốc. Đồng thời, các khách hàng không thường xuyên như Algeria, Indonesia, Iran, Sudan và Venezuela đã cắt giảm đáng kể hoặc ngừng hoàn toàn việc mua vũ khí Trung Quốc.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho hai nhà xuất khẩu vũ khí thất bại này?

Trong trường hợp của Nga, hai trong số những khách hàng lớn nhất của họ, Ấn Độ và Trung Quốc - cả hai đều từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine - có thể sẽ tiếp tục mua các hệ thống vũ khí hoặc công nghệ quân sự của Nga. Họ chỉ đơn giản là quá phụ thuộc vào Moscow đến mức khó có thể sớm “chia tay”.

Ví dụ, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào Nga về động cơ phản lực và máy bay trực thăng. Vào năm 2015, Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với Moscow để mua 24 máy bay Su-35 - được mệnh danh là “vua” tác chiến trên không.

Tuy vậy, các quốc gia này có thể đã quyết định rằng hiện nay là thời điểm tốt để giảm sự phụ thuộc của họ, thông qua việc đa dạng hóa các nhà cung cấp hoặc tăng cường mua sắm trong nước. Ví dụ, Ấn Độ đang mua ngày càng nhiều thiết bị quân sự từ Israel và Hoa Kỳ.

Về phần mình, Trung Quốc vẫn có một số thế mạnh đáng chú ý trong lĩnh vực kinh doanh vũ khí toàn cầu. Ví dụ, Bắc Kinh đã nổi lên như một nhà xuất khẩu hàng đầu về tất cả các loại phương tiện bay không người lái (UAV), từ loại rất nhỏ (thường là cầm tay) đến các loại UAV rất lớn có thể bay cao và có độ bền lâu dài (HALE).

Đặc biệt, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà cung cấp máy bay không người lái vũ trang lớn nhất thế giới. Theo SIPRI, Bắc Kinh đã bán máy bay không người lái vũ trang cho ít nhất 16 quốc gia ở 3 châu lục, gồm Ai Cập, Indonesia, Iraq, Jordan, Nigeria, Ảrập Xêút, Serbia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tổng cộng, những đơn hàng này trị giá hơn 700 triệu USD.

Vài năm tới đây hứa hẹn sẽ là thời gian khó khăn cho các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga và Trung Quốc. Có vẻ nhàm tai khi nói rằng “gieo nhân nào gặt quả nấy”, nhưng nó hiếm khi lại hiển nhiên và rõ ràng được như trong trường hợp này.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả Richard A. Bitzinger là nhà phân tích độc lập về bảo mật quốc tế. Ông từng là thành viên cấp cao của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore; ông cũng từng đảm nhiệm nhiều công việc trong chính phủ Mỹ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự và các vấn đề về hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.



BÀI CHỌN LỌC

Xuất khẩu vũ khí của Nga và Trung Quốc rớt thảm