Xung đột biên giới Trung - Ấn, hai bên tăng cường binh lính, tích trữ lương thực, chuẩn bị chiến tranh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phân tích chỉ ra rằng, Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus Corona Vũ Hán, và suy giảm kinh tế của nước này cũng thuộc nhóm tồi tệ nhất thế giới. Cả ông Tập Cận Bình và Modi đều có mong muốn chiến thắng trong cuộc chiến giữa hai nước lần này để củng cố quyền lực của mình. Và cuộc chiến giữa Trung Quốc - Ấn Độ được cho là sắp bắt đầu.

Sau trận xung đột đẫm máu lớn nhất trong 45 năm qua tại biên giới Trung - Ấn hồi tháng 6 vừa rồi, một cuộc tranh chấp quân sự khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại xảy ra vào ngày 31/8. Hai bên đổ lỗi cho binh lính của đối phương là đã vượt qua biên giới Himalaya, những người Tây Tạng lưu vong đã tham chiến cùng quân đội Ấn Độ, có thông tin cho thấy họ đã giành được một phần chiến thắng.

Theo tờ CmMedia của Đài Loan, xung đột đã nổ ra ở biên giới phía Tây giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hai bên cáo buộc nhau đã vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở biên giới và phát động "các hành động khiêu khích quân sự".

Theo báo The Hindu đưa tin ngày 31/8, một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, khoảng 25 binh lính Trung Quốc đã vượt qua LAC và bị quân đội Ấn Độ chặn đánh. Nguồn tin nói thêm rằng, có thể nhìn thấy khoảng 100 binh lính Trung Quốc dưới ngọn núi Black Top đối diện với Đường kiểm soát thực tế.

Tờ The Telegraph của Anh dẫn lời một nguồn tin cho biết, sau khi lực lượng đặc chủng Ấn Độ giao chiến với quân đội Trung Quốc trong ba giờ đồng hồ, quân đội Trung Quốc đã bị đẩy lùi. Các nguồn tin tiết lộ rằng, quân đội Ấn Độ hiện đã đẩy lùi quân Trung Quốc và chiếm đóng lãnh thổ gần Chushul.

Tuy nhiên, cả hai bên đều không đưa ra con số thương vong.

Trên Twitter lan truyền quân đội Ấn Độ chiến thắng, người Tây Tạng vẫy "Cờ Sư tử tuyết sơn"

Trên Twitter, cư dân mạng Sorig đăng tin rằng các lính dù đặc chủng Tây Tạng phục vụ trong quân đội Ấn Độ đã ăn mừng chiến thắng. Họ vui vẻ ca hát, nhảy múa dọc theo biên giới Ladakh. Ngoài ra còn có một đoạn video cho thấy người Tây Tạng vẫy "Cờ Sư tử tuyết sơn".

Tranh chấp về biên giới Ladakh ở phía tây dãy Himalaya giữa hai nước liên tục kéo dài trong nhiều thập kỷ qua. Chiến tranh Trung - Ấn đã nổ ra vào năm 1962. Sau khi Ấn Độ bại trận, cả hai nước đều đưa quân tới đóng tại các khu vực có địa thế cao và rét buốt, nhưng sau đó thực hiện một loạt biện pháp kiềm chế căng thẳng, bao gồm thỏa thuận cấm binh sĩ mang vũ khí.

Hồ Pangong Tso dài và hẹp, nằm cách Thung lũng sông Galwan trên dãy Himalaya khoảng 200 km về phía nam, với độ cao 4.350 m. Hầu hết các hồ nằm ở khu vực Tây Tạng của Trung Quốc, và Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) lại chạy đúng qua Hồ Pangong Tso.

Theo India Today, ở khu vực Hồ Pangong Tso đã xuất hiện 4 trại đóng quân mới của Trung Quốc, trước đây chỉ có một trại ở khu vực Finger 4.

Bối cảnh xung đột, GDP của Ấn Độ giảm mạnh nhất thế giới

Biên tập viên của trang tin tức tài chính kinh tế FX168 nhận định rằng, nguyên nhân sâu xa khiến xung đột biên giới giữa hai nước bùng phát nhiều lần là do biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ chưa được phân giới chính thức, và hai bên có nhận thức khác nhau về ranh giới kiểm soát thực tế.

Do sự bất đồng quan điểm về Đường kiểm soát thực tế, mâu thuẫn biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ thỉnh thoảng xảy ra. Báo cáo của FX168 nói rằng, các xung đột có thể lớn hoặc nhỏ, và liệu chúng có trở thành tin tức thời sự hay không phụ thuộc vào việc cả hai bên có muốn đưa tin hay không. Ngày 31/8, xung đột Trung - Ấn trở thành tin nóng trên các kênh truyền thông Ấn Độ. Cùng ngày, Ấn Độ đã công bố dữ liệu kinh tế của quý trước (từ tháng 4 đến tháng 6) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá từ số liệu tăng trưởng hàng quý của Ấn Độ qua các năm, từ năm 2014 đến tháng 3 năm 2020, số liệu tăng trưởng GDP hàng quý hàng năm của Ấn Độ đều dương, và con số tăng trưởng cao nhất trong thời kỳ nói trên đã đạt được là 9,7%. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, dữ liệu tăng trưởng hàng quý của Ấn Độ đột ngột giảm mạnh.

Virus Vũ Hán gây thương vong nghiêm trọng, kinh tế Ấn Độ bị đình trệ

Tất cả những điều này là do ĐCSTQ che giấu đại dịch gây nên.

Gần đây, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ tiếp tục xấu đi, số ca mắc mới chỉ trong một ngày đã vượt quá 75.000 ca trong 5 ngày liên tiếp. Tính đến ngày 3/9, đã có tổng cộng 67.376 ca tử vong và 3.853.406 ca chẩn đoán nhiễm dịch.

Các chuyên gia y tế phương Tây cho rằng, dịch bệnh ở Ấn Độ đã bước vào giai đoạn mất kiểm soát, sẽ liên tục gây thiệt hại và mất mát cho đất nước 1,3 tỷ dân này.

Dịch bệnh tiếp tục xấu đi ở Ấn Độ liên tiếp gây ra những thiệt hại và tổn thất cho đất nước 1,3 tỷ dân này. Hình ảnh tàu điện ngầm Delhi được khử trùng vào ngày 3/9/2020. (Prakash SINGH / AFP)

Theo Nikkei Asian Review, trong một báo cáo được công bố vào tuần trước Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã chỉ ra rằng, sự suy giảm kinh tế của Ấn Độ tiếp tục kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay. Trong một báo cáo tháng 7, tổ chức xếp hạng ICRA đã tuyên bố rằng do các biện pháp phong tỏa của Ấn Độ và số lượng ca nhiễm bệnh đã tăng lên, dự kiến GDP của Ấn Độ ​​sẽ giảm 9,5% trong năm tài chính này.

Ấn Độ đóng 200.000 quân ở biên giới, chuẩn bị cho nhiệt độ -30°C

Theo trang web India Today, khi cuộc giằng co đối đầu ở biên giới Trung - Ấn có thể vẫn tiếp tục, quân số Ấn Độ hiện tại ở biên giới Trung - Ấn đã lên tới 200.000 người. Do khu vực xung đột có khí hậu khắc nghiệt, các con đường nối với bên ngoài đều đóng cửa vào mùa đông, do đó, Ấn Độ sẽ cần vận chuyển và dự trữ khoảng 200.000 tấn vật tư trước tháng 10, đủ để chu cấp cho quân đội trong 6 tháng, khi đó nhiệt độ ở các khu vực này có thể giảm xuống mức âm 30 độ đến âm 45 độ.

Theo bài báo, các khu vực cao so với mực nước biển được chia thành hai loại, những người ở độ cao dưới 3.600 m cần được trang bị quần áo chống lạnh cực độ và những người ở trên độ cao này cần quần áo và thiết bị leo núi đặc biệt. Hiện tại, Quân đội Ấn Độ có hơn 354.000 binh sĩ được bố trí ở độ cao 3.600 m, hơn 38.000 binh sĩ được triển khai ở độ cao trên 3.600 m.

ĐCSTQ đã triển khai tên lửa và máy bay chiến đấu dọc theo biên giới

So với Ấn Độ, hoàn cảnh địa lý bên phía Đường kiểm soát thực tế của Trung Quốc tốt hơn. Thứ nhất, khí hậu sẽ không quá lạnh, ánh nắng mặt trời sẽ lưu lại lâu hơn. Thứ hai, địa hình tương đối bằng phẳng nên việc vận chuyển doanh trại và tiếp tế dễ dàng hơn.

Truyền thông Ấn Độ nói rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Đường kiểm soát thực tế ở biên giới 2 nước cho thấy, Trung Quốc đã chuẩn bị cho mùa đông và đang sẵn sàng đối phó với bất kỳ động thái nào của Ấn Độ. Theo các hình ảnh vệ tinh vào tháng trước, một lượng lớn quân đội Trung Quốc đã tập kết trên khu vực cao nguyên, và quân đội Trung Quốc có thể giấu trang thiết bị trong các đường hầm.

Một hình ảnh vệ tinh mới được một nhà phân tích chuyên nghiệp công bố trên Twitter cho thấy, Trung Quốc đã tăng cường triển khai lực lượng ở huyện Gar (thuộc khu tự trị Tây Tạng), cách hồ Pangong Tso khoảng 180 km về phía nam. Hơn nữa tại biên giới giữa 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal, đã xây dựng một căn cứ tên lửa đất-đối-không (Hongqi-9) và các cơ sở hạ tầng khác trên bờ hồ Manasarovar.

Bên cạnh đó, ngoài việc triển khai hàng nghìn binh sĩ đến gần tuyến kiểm soát thực tế giữa biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, Trung Quốc còn điều hàng trăm pháo binh, xe tăng và các trang thiết bị cơ giới hóa khác. Ấn Độ thậm chí còn nghi ngờ liệu quân đội Trung Quốc có kích hoạt tên lửa hệ thống phòng không S-400 hay không. Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay chiến đấu J-20 tại sân bay Hotan ở Tân Cương.

Cả ông Tập và ông Modi đều có nhu cầu thể hiện sức mạnh ngoại giao

Ông Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: "Cuộc đối đầu gần đây ở biên giới Trung - Ấn là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1962. Sau 45 năm sau, chúng tôi lại nổ ra xung đột đẫm máu ở biên giới. Và số quân sĩ hai nước bố trí tại LAC cũng là nhiều nhất trong lịch sử". Ấn Độ đã thiết lập các đồn quân sự 24/24 dọc theo biên giới tranh chấp.

Vào ngày 15/6/2020, tại Thung lũng Galwan ở phía đông của Ladakh, trên bờ phía bắc của hồ Pangong Tso, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra đụng độ, đây là cuộc xung đột đẫm máu gây thương vong đầu tiên trong hơn 40 năm qua, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc không công bố số thương vong, nhưng Ấn Độ suy đoán rằng số binh sĩ Trung Quốc tử trận là từ 30 đến 40 người.

Trong hơn 3 thập kỷ qua, khu vực biên giới Trung - Ấn tương đối bình lặng. Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền, lãnh đạo hai nước đã áp dụng các chính sách đối ngoại mạnh mẽ, dẫn đến nhiều lần đối đầu giữa quân đội hai nước ở biên giới.

Sau cuộc xung đột hồi tháng 6, Ấn Độ đã tiến hành tang lễ nghi thức cấp nhà nước để chôn cất các binh sĩ tử trận. Đầu tháng 7, ông Modi bất ngờ đến thăm Ladakh ở biên giới Trung - Ấn để đánh giá tình hình địa phương. Chuyến thăm này thể hiện sự ủng hộ của ông Modi đối với những người lính đóng quân ở đó và cũng gửi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ tới Bắc Kinh.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) bất ngờ tới căn cứ quân sự ở Nimu thuộc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ để thị sát quân đội biên phòng ngày 3/7. (Handout / PIB / AFP)

Vào Ngày Độc lập 15/8, trong bài phát biểu của mình, ông Modi cho biết: “Bất cứ ai cố gắng xâm phạm chủ quyền ở biên giới của Ấn Độ, quân đội của chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng”. Ông nói rằng Trung Quốc và Pakistan đều là những mối đe dọa quân sự.

Bài phát biểu của ông Modi vào Ngày Độc lập 15/8 cho biết: “Bất cứ ai có ý đồ vi phạm chủ quyền ở biên giới của Ấn Độ, quân đội của chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng”. (Prakash SINGH / AFP)

Ông Tập Cận Bình đã bị lên án và chỉ trích mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước, cũng như trong và ngoài đảng, do những sai lầm trong xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán, vấn đề Hong Kong và mối quan hệ với Hoa Kỳ. Nhà bình luận thời sự Vương Hoa (Wang Hua) phân tích: "Những chỉ trích này có thể làm lung lay địa vị thống trị của ông Tập. Tình hình hiện tại của ông Tập hơi giống với Mao Trạch Đông tại Hội nghị Lư Sơn. Để duy trì quyền lực của mình, ông Tập có thể phát động chiến tranh và đưa cả nước vào tình trạng chiến tranh. Như vậy sẽ có thể sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát toàn bộ đất nước, từ đó trấn áp những tiếng nói chống lại ông Tập".

"ĐCSTQ không dám giao chiến với Hoa Kỳ, bởi vì thực lực chênh lệch quá lớn. Còn chiến tranh với Ấn Độ, một mặt do hạn chế về địa lý, chiến tranh tương đối dễ kiểm soát, muốn dừng thì có thể dừng, cuối cùng sẽ không mất kiểm soát".

Nhà bình luận Vương Hoa cho rằng, mặt khác ông Modi cũng hy vọng chiến đấu với ĐCSTQ, và muốn chiến thắng để bù đắp cho người dân Ấn Độ vì phải chịu đựng dịch bệnh, để uy tín của Modi được giữ vững; tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng muốn chiến đấu thắng trận này, “việc bùng nổ chiến tranh cục bộ giữa Trung Quốc và Ấn Độ giống như ‘mũi tên đã lên cung’ và đó là điều không thể tránh khỏi”.

Minh Thanh

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Xung đột biên giới Trung - Ấn, hai bên tăng cường binh lính, tích trữ lương thực, chuẩn bị chiến tranh