Xung đột Ukraine: Đây có phải là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đảo chiều?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các tin tức phổ biến hiện nay đổ lỗi cho Tổng thống Vladimir Putin về việc Nga xâm lược Ukraine. Mặc dù rõ ràng là ông Putin phải chịu trách nhiệm về thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine, nhưng cách diễn giải này không xem xét đến vai trò mà các chính phủ kế nhiệm của Hoa Kỳ và NATO đã thực thi trong tình huống bi thảm này.

Mặc dù các chính phủ kế nhiệm của Hoa Kỳ đã và đang cố gắng biến Ukraine thành một bức tường thành của Mỹ, nhưng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận việc Canada hay Mexico xin tham gia một liên minh quân sự với Nga và cho phép lắp đặt các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt bên trong biên giới của họ.

Theo ông John J. Mearsheimer, Giáo sư Khoa học Chính trị Ưu tú R. Wendell Harrison tại Đại học Chicago, nhận thấy thì:

“Hoa Kỳ không cho phép các cường quốc ở xa triển khai lực lượng quân sự tại bất cứ đâu ở Tây Bán cầu, chứ đừng nói là ở gần biên giới của mình. Hãy tưởng tượng sự phẫn nộ của Hoa Kỳ nếu Trung Quốc xây dựng một liên minh quân sự hùng mạnh và cố gắng đưa Canada và Mexico vào đó. Riêng về mặt logic, thì các nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần nói với những người đồng cấp phương Tây rằng họ coi việc NATO mở rộng sang Gruzia (Georgia) và Ukraine là không thể chấp nhận được, cùng với bất kỳ nỗ lực nào nhằm khiến các nước đó chống lại Nga - một thông điệp mà cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008 cũng đã thể hiện rất rõ ràng".

Theo nghĩa này, Ukraine là có sự tương đương về chính trị, địa lý, và ngoại giao với Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba ở phía bên kia bán cầu.

Năm 1962, thế giới phải đối mặt với một tình huống nguy hiểm tương tự. Đó là vào thời Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô lắp đặt các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba — một quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ. Đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng đó, Tổng thống John F. Kennedy đã ra lệnh bao vây vùng biển của hòn đảo này, chỉ dỡ bỏ khi Liên Xô thu hồi các tên lửa của họ khỏi Cuba.

Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy ký lệnh phong tỏa vùng biển của Cuba hôm 24/10/1962, trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba. (Ảnh Getty Images)

Cũng giống như Hoa Kỳ, vào năm 1962, không chấp nhận mối đe dọa của Liên Xô dọc theo biên giới của mình, thì trong kiểu “Chiến Tranh Lạnh” mới này, vị tổng thống chuyên quyền của Nga không muốn có sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ngay trước thềm cửa nước mình và yêu cầu đảo ngược chính sách bành trướng của NATO.

Về cơ bản, NATO là một công cụ của Hoa Kỳ, và việc trao quyền thành viên cho các quốc gia Đông Âu có thể không nhằm mục đích tăng cường an ninh của họ mà thay vào đó, có thể là một phương tiện để bao vây Nga và bán vũ khí quân sự cho các chính phủ “thân phương Tây” hơn.

Tháng 12/2013, Thượng nghị sĩ John McCain, khi đó là người có tiếng nói hàng đầu của Đảng Cộng Hòa về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nói với các nhà lãnh đạo của phe đối lập ở Ukraine đóng trại trên quảng trường chính của Kyiv rằng “vận mệnh của Ukraine nằm ở Châu Âu”. Ngày 15/12/2013, khi được người dẫn chương trình Candy Crowley của đài CNN hỏi liệu có phải là một ý kiến ​​hay khi “tiếp nhận nước Nga” hay không, ông McCain trả lời:

“Chắc chắn là Ukraine có tầm quan trọng sống còn đối với ông Putin. Tôi nghĩ chính ông [Henry] Kissinger, tôi không chắc lắm, người đã nói rằng Nga nếu không có Ukraine thì sẽ là một cường quốc phía đông, còn có Ukraine thì đó là một cường quốc phía Tây. Đây là sự khởi đầu của nước Nga, ngay tại Kyiv. Vì vậy, ông Putin coi nó là vô cùng quan trọng và ông ấy đã gây áp lực lên người Ukraine. Tin báo rất rõ ràng rằng ông ấy đã đưa ra một số lời đe dọa. Tôi không biết liệu ông ấy có thực hiện chúng hay không".

Ông Henry Kissinger - từng là Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời các tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford - cho rằng Ukraine “không nên được phép gia nhập NATO".

Theo ông ấy, “Phương Tây phải hiểu rằng, đối với Nga, Ukraine không bao giờ chỉ là một quốc gia xa lạ. Lịch sử nước Nga bắt đầu với Kyivan-Rus. Đạo Nga lan truyền ra từ đó. Ukraine là một phần của Nga trong nhiều thế kỷ. Hạm đội Biển Đen của Nga — phương tiện thể hiện sức mạnh của Nga ở Địa Trung Hải — có trụ sở tại Sevastopol, Crimea (với thỏa thuận lâu năm của Ukraine)".

Nhà ngoại giao quá cố người Mỹ, ông George Kennan, trong một cuộc phỏng vấn năm 1998 được thực hiện ngay sau khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua vòng mở rộng đầu tiên của NATO ở Đông Âu, đã cảnh báo rằng điều này sẽ dẫn đến một “Cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, có thể kết thúc bằng một cuộc chiến kịch liệt".

Ông dự đoán rằng sự mở rộng của NATO chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng quân sự, sau đó những người ủng hộ sự mở rộng như vậy sẽ “nói rằng chúng tôi luôn nói với quý vị rằng đó là cách của người Nga".

“Tôi nghĩ đó là một sai lầm chiến lược. Không có bất cứ lý do gì cho điều này", ông Kennan cảnh báo (pdf).

Tháng 02/2014, một cuộc đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Ukraine đã lật đổ một tổng thống được bầu một cách dân chủ. Tiếp theo việc này là sự phản ứng lại của dân chúng ở phía đông quốc gia này và Nga sáp nhập Crimea, nhưng là chỉ sau khi có một cuộc trưng cầu dân ý mà Hoa Kỳ đã không công nhận. Người dân Crimea, chủ yếu nói tiếng Nga, đã bỏ phiếu áp đảo để gia nhập Liên bang Nga.

Một người đàn ông cầm cờ Crimea trước tòa nhà quốc hội Crimea ở Simferopol, Ukraine, vào ngày 17/03/2014. (Ảnh Getty Images)

Giả thuyết lập luận này phù hợp, thì cuộc xung đột hiện tại có thể được cho là kết quả của việc Hoa Kỳ cố gắng kéo Ukraine vào quỹ đạo và cấu trúc quốc phòng của mình, thông qua tư cách thành viên NATO và một thỏa thuận liên kết EU chống Moscow rõ ràng. Kể từ giữa những năm 1990, các chính phủ liên tiếp của Hoa Kỳ đã thường xuyên thúc đẩy NATO mở rộng về phía biên giới Nga.

Theo ông Peter Rutland (pdf), một cộng sự của Trung tâm Davis chuyên Nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard, “Tổng thống Clinton đã công khai ủng hộ ý tưởng mở rộng thành viên NATO, để gia nhập liên minh, những người nộp đơn phải… đặt lực lượng của họ dưới quyền chỉ huy của NATO có nghĩa là học tiếng Anh, mua các hệ thống vũ khí tương thích, chấp nhận các căn cứ của NATO trên lãnh thổ của họ, v.v".

Vòng mở rộng đầu tiên của NATO ở lục địa Âu Châu diễn ra vào năm 1999. Họ đã đưa vào NATO Cộng hòa Séc, Hungary, và Ba Lan. Vòng thứ hai, vào năm 2004, bao gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia, và Slovenia.

Sau đó, vào tháng 04/2008, một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Bucharest đã báo hiệu khả năng trở thành thành viên NATO của Gruzia (Georgia) và Ukraine, điều mà người Nga coi là “mối đe dọa trực tiếp” đối với quốc gia của họ. Và chính người Nga, chứ không phải người Mỹ và các đồng minh của họ, mới là bên quyết định xem điều gì được coi là mối đe dọa đối với chính họ.

Với 46 triệu dân, Ukraine là quốc gia lớn nhất trong số các quốc gia tách khỏi Liên bang Nga vào năm 1991. Khoảng một nửa số người Ukraine nói tiếng Nga. Tôn giáo Chính thống giáo của Nga được truyền từ Ukraine, và thậm chí những nhà bất đồng chính kiến được tôn vinh như Aleksandr Solzhenitsyn khẳng định, Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga. Thật vậy, trong 500 năm là thế.

Người Nga đã bị làm bẽ mặt nghiêm trọng trước quyết định mở rộng Liên minh của NATO bao gồm các nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây.

Việc các lực lượng NATO ném bom Serbia năm 1999 đã nhấn mạnh việc Nga bị gạt ra rìa về địa chính trị, không thể bảo vệ đồng minh truyền thống của mình. Và bây giờ họ cảm thấy rằng NATO đã di chuyển đến biên giới của họ một cách nguy hiểm, bằng cách cố gắng biến Ukraine trở thành một thành viên trên thực tế của liên minh quân sự Hoa Kỳ này.

Có thể cho rằng, giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine là biến quốc gia này thành vùng đệm giữa một bên là Nga và một bên là NATO. Quả thực, cuộc xung đột này có thể được giải quyết phần lớn nếu Tổng thống Biden chính thức tuyên bố rằng Hoa Kỳ và các đồng minh không muốn thấy Ukraine gia nhập NATO.

Tuy nhiên, như một tác giả và ký giả người Anh, ông Peter Hitchens đã chỉ ra một cách chính xác rằng: “Chúng ta đã sử dụng Ukraine như một thứ vũ khí công thành chống lại Nga. Ukraine là nạn nhân của tính hiếu chiến của chúng ta. Chúng ta đã thực hiện xong phần reo hò, còn họ thì bị đánh bom".

Ai có thể không đồng tình chứ?

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Ông Augusto Zimmermann là giáo sư và trưởng khoa luật tại Viện Giáo dục Đại học Sheridan ở Perth. Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Lý thuyết Pháp lý Tây Úc (WA) và từng là thành viên của ủy ban cải cách luật của WA từ năm 2012 đến năm 2017. Ông Zimmermann là giáo sư bổ sung của Đại học Notre Dame Australia, và đã đồng tác giả một số cuốn sách bao gồm cả cuốn COVID-19 Restrictions & Mandatory Vaccination—A Rule-of-Law Perspective (Connor Court) COVID-19 [tạm dịch: Các hạn chế COVID-19 & Chích ngừa Bắt buộc — Một Quan điểm về Pháp quyền (Tòa án Connor)].

Ông Gabriël A. Moens AM là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những cống hiến trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp nước Úc, Á Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” [tạm dịch: Một lựa chọn méo mó] (Boolarong Press, 2020) và “The Coincidence” [tạm dịch: Sự trùng hợp ngẫu nhiên] (Connor Court Publishing, 2021).

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Xung đột Ukraine: Đây có phải là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đảo chiều?