Xung đột Nga-Ukraine ngày thứ sáu: Ba tên lửa bắn trúng đài tưởng niệm người Do Thái ở Kyiv

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày thứ 6 diễn ra xung đột Nga-Ukraine, người dân Ukraine thức dậy khi nghe tiếng hú của còi báo động và tin tức về một đoàn xe tăng Nga trải dài 65km đang tiến về thủ đô Kyiv. Theo sau đó là đoàn pháo kích tăng cường tiến vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Trước tình hình này, vòng 2 của cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào hôm nay (2/3).

Diễn biến chính cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày thứ sáu:

  • Giao tranh tiếp tục diễn ra. Các thành phố như Kharkiv và Kyiv hứng không kích nặng nề.
  • Hãng thông tấn TASSSputnik dẫn lời một số nguồn tin phía Nga cho biết đàm phán vòng 2 có thể diễn ra hôm nay (2/3).
  • Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu một nghị quyết về tình hình Ukraine trong ngày 2/3.
  • Cuối ngày hôm 1/3, 5 người chết khi Nga tấn công một tháp truyền hình ở Kyiv, các quan chức Ukraine cho biết. Cuộc tấn công diễn ra ngay sau khi Nga cảnh báo họ đang chuẩn bị tấn công các mục tiêu ở thủ đô Ukraine.
  • Tên lửa cũng bắn trúng đài tưởng niệm người Do Thái ở Kyiv và các văn phòng chính phủ ở Kharkiv - thành phố lớn thứ 2 của Ukraine, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.
  • Ngân hàng thế giới WB viện trợ khẩn cấp cho Ukraine 3 tỷ USD.

Đài tưởng niệm ở Kyiv trúng không kích

"Vừa rồi, đài tưởng niệm Babyn Yar đã bị bắn trúng. Ba quả tên lửa đã bắn trúng nơi này", CNN dẫn lời giáo sĩ Moshe Reuven Azman nói trong một video đăng tải trên trang Facebook cá nhân.

"Babyn Yar là biểu tượng, nơi có 200.000 người già, phụ nữ và trẻ em vô tội đã nằm xuống", ông nói thêm.

Từ năm 1941 đến năm 1943, Đức Quốc xã đã bắn chết hàng chục nghìn người tại Babyn Yar, bao gồm gần như toàn bộ người Do Thái ở Kyiv, theo trang web chính thức của đài tưởng niệm.

"Tôi liên tục nhận được các cuộc gọi từ người Do Thái, không chỉ người Do Thái, cả người Ukraine và người Nga từ khắp Kyiv yêu cầu giúp đỡ", giáo sĩ nói.

"Họ cần viện trợ nhân đạo. Tôi đang cố gắng giúp đỡ mỗi ngày. Những người già gọi điện nói rằng họ không có thuốc cần thiết, các bà mẹ nói rằng họ không có thức ăn cho trẻ em, họ đang phải chịu đựng cuộc pháo kích", vị giáo sĩ nói thêm.

Thủ đô Kyiv bị tấn công tên lửa sau khi Nga cảnh báo người dân sơ tán

Một tên lửa dường như đã bắn trúng một tháp truyền hình ở Kyiv vào ngày 1/3 trong vòng vài giờ sau khi Nga cảnh báo rằng quân đội nước này sẽ tiến hành các cuộc tấn công vào thủ đô của Ukraine.

Khói bốc lên bao trùm Kyiv sau một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào tháp truyền hình thủ đô Ukraine ở Kyiv vào ngày 1/3/2022. (Ảnh: ARIS MESSINIS/ AFP/ Getty Images),Xung đột Nga-Ukraine ngày thứ sáu: Ba tên lửa bắn trúng đài tưởng niệm người Do Thái ở Kyiv
Khói bốc lên bao trùm Kyiv sau một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào tháp truyền hình thủ đô Ukraine ở Kyiv vào ngày 1/3/2022. (Ảnh: ARIS MESSINIS/ AFP/ Getty Images)

Khói bốc lên từ tòa tháp ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga được các hãng thông tấn nhà nước dẫn lời rằng quân đội nước này sẽ tấn công các địa điểm ở Kyiv thuộc cơ quan an ninh của Ukraine và một đơn vị hoạt động đặc biệt.

"Lực lượng Nga vừa nổ súng vào Tháp truyền hình Kyiv", Quốc hội Ukraine viết trong một bài đăng trên mạng xã hội, chia sẻ hình ảnh về tòa tháp bốc khói.

Vài giờ trước đó, Nga cho biết các cuộc tấn công nhằm ngăn chặn "các cuộc tấn công thông tin chống lại Nga", kêu gọi người dân Ukraine sơ tán khỏi các khu vực xung quanh các địa điểm.

Đánh chiếm Kyiv, quốc gia có khoảng 2,8 triệu dân, là mục tiêu chính của quân đội Nga, theo các quan chức Ukraine, Mỹ và Anh.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao nói với các phóng viên trong một cuộc gọi vào hôm thứ Ba, Nga đã tiến đến Kyiv vào hôm thứ Ba nhưng rất ít tiến triển.

Các bức ảnh do công ty vệ tinh Maxar của Mỹ công bố cho thấy xe tăng, pháo và xe chở nhiên liệu của Nga trải dài khoảng 65km dọc theo một đường cao tốc về phía bắc.

Xung đột Nga-Ukraine ngày thứ sáu: Ba tên lửa bắn trúng đài tưởng niệm người Do Thái ở Kyiv
Một bức ảnh vệ tinh cho thấy đoàn xe thiết giáp của Nga đang tiến về Thủ đô Kyiv Ảnh: Getty Images

WB viện trợ khẩn cấp cho Ukraine

Ngân hàng Thế giới (WB) chuẩn bị gói viện trợ khẩn cấp 3 tỷ USD cho Ukraine, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang sớm xem xét các yêu cầu tài trợ khẩn cấp cho nước này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết trên một tuyên bố hôm 2/3, theo Sputnik.

“Tại Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đang chuẩn bị gói hỗ trợ 3 tỷ USD trong những tháng tới, bắt đầu với hoạt động hỗ trợ ngân sách giải ngân nhanh với ít nhất 350 triệu USD sẽ được trình lên để hội đồng phê duyệt trong tuần này", tuyên bố cho biết.

Một phòng khám phụ sản gần Kyiv bị trúng tên lửa

Theo bài đăng trên Facebook của ông Vitaliy Gyrin, Giám đốc phòng khám phụ sản Adonis, một tên lửa đã bắn trúng phòng khám tư nhân này hôm 2/3.

"Một tên lửa đã bắn trúng phòng khám phụ sản gây ra nhiều thiệt hại, nhưng tòa nhà vẫn đứng vững. Mọi người đã được sơ tán", ông Gyrin viết, CNN đưa tin.

Ông cũng đặc biệt yêu cầu mọi người không đến phòng khám: "Điều quan trọng nhất là đừng đến đây bây giờ. Mọi người đang ở một nơi an toàn. Đây là điều chắc chắn".

Tổng thống Ukraine: 'Nga hãy ngừng ném bom trước đã'

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 1/3 nói rằng Nga phải ngừng ném bom xuống các thành phố nước này trước khi các cuộc đàm phán mới có thể bắt đầu.

"Ít nhất cần phải ngừng ném bom vào người dân. Hãy ngừng ném bom và sau đó ngồi xuống bàn đàm phán", vị tổng thống nói với Reuters.

Yêu cầu được đưa ra sau khi vòng đàm phán đầu tiên diễn ra đầu tuần này đạt được rất ít tiến triển.

Trong khi đó, TASS dẫn lời một người ở phía Nga nói rằng vòng 2 của cuộc đàm phán có thể diễn ra ngày hôm nay (2/3).

Tổng thống Zelenskiy cũng kêu gọi các thành viên NATO áp đặt vùng cấm bay để ngăn chặn lực lượng không quân Nga, đồng thời cho rằng đây chỉ là một biện pháp phòng ngừa và không có nghĩa kéo liên minh vào cuộc chiến với Nga.

Ukraine đã thúc ép NATO đẩy nhanh tiến độ gia nhập, một động thái bị Nga phản đối dữ dội và được cho là một trong những lý do khiến Moscow khởi động chiến dịch quân sự.

Nga - Ukraine đàm phán trở lại vào ngày 2/3

Truyền thông Nga và Ukraine dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ vòng 2 cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ bắt đầu vào ngày 2/3 tại Belarus. Phía Ukraine giữ yêu cầu ký thỏa thuận ngừng bắn và Nga rút quân về nước.

Ngày 1/3, Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn các nguồn tin từ phía Nga tiết lộ vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra vào ngày 2/3.

Zerkalo Nedeli Glavkom, hai tờ báo của Ukraine, cùng ngày 1/3 cũng dẫn các nguồn tin từ phái đoàn Ukraine xác nhận vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra ngày 2/3.

Xung đột Nga-Ukraine ngày thứ sáu: Ba tên lửa bắn trúng đài tưởng niệm người Do Thái ở Kyiv
Chiến tranh Ukraine: Nga muốn tổ chức các cuộc đàm phán tại Belarus - nơi có liên kết chặt chẽ với Điện Kremlin (Ảnh: NTD)

Hiện chưa rõ địa điểm cuộc gặp lần này có giống lần trước là vùng Gomel của Belarus hay không.

Các nguồn tin này cũng tiết lộ những điều khoản mà hai bên đưa ra trong cuộc gặp đầu tiên hôm 28/2, theo hãng thông tấn TASS.

Trong đó Nga yêu cầu Ukraine phải chính thức tuyên bố không gia nhập các khối chống lại Nga và tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này. Kyiv cũng phải công nhận độc lập của hai vùng ly khai là Donetsk và Lugansk, cũng như từ bỏ yêu cầu Nga trả lại bán đảo Crimea (sáp nhập năm 2014).

Phía Ukraine, theo tờ Glavkom, yêu cầu Nga ký kết lệnh ngừng bắn và rút quân đội khỏi lãnh thổ của mình.

Trong một cuộc họp báo ngày 1/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã được thông báo về nội dung cuộc đàm phán.

Ông Peskov cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá kết quả đàm phán vòng 1 và Moscow vẫn đang "phân tích" cuộc gặp đầu tiên.

Đại diện Điện Kremlin cũng cho biết chưa có bất kỳ kế hoạch nào để ông Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau.

Theo ông Peskov, Nga vẫn công nhận ông Zelensky là tổng thống Ukraine và nhà lãnh đạo này hoàn toàn có thể ngăn chặn thương vong leo thang bằng cách ra lệnh quân đội hạ vũ khí.

Hôm 24/2, Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine - một động thái vấp phải sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ của phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố các chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ không dừng lại cho đến khi Nga "đạt được các mục tiêu đề ra".

Chính quyền Kyiv một mặt kêu gọi sự hỗ trợ của các nước, từ tài chính đến quân sự và nhân đạo, mặt khác thúc giục cộng đồng quốc tế gây sức ép để Nga chấm dứt các hành động quân sự.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 1/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi Bắc Kinh sử dụng quan hệ thân cận với Moscow để thuyết phục Nga.

Đáp lại, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc ủng hộ giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine và sẽ ủng hộ bất kỳ nỗ lực quốc tế nào giúp hai bên đạt được giải pháp chính trị.

Xem thêm: Toàn văn phát biểu của Tổng thống Nga Putin khi tuyên chiến với Ukraine

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Xung đột Nga-Ukraine ngày thứ sáu: Ba tên lửa bắn trúng đài tưởng niệm người Do Thái ở Kyiv