Ý dự kiến có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Giorgia Meloni, lãnh đạo của đảng cánh hữu "Anh em của Ý" (Brothers of Italy), dự kiến sẽ trở thành nữ thủ tướng cánh hữu đầu tiên của Ý kể từ Thế chiến II.

Kết quả sơ bộ cho thấy liên minh cánh hữu do đảng Anh em Ý của bà Giorgia Meloni lãnh đạo đã giành được khoảng 43% số phiếu ủng hộ và chiếm đa số rõ ràng trong quốc hội. Truyền hình RAI cho rằng liên minh cánh hữu này có thể giành được từ 227 đến 257 ghế trong Hạ viện gồm 400 ghế và 111 đến 131 ghế trong Thượng viện gồm 200 ghế.

Bà Giorgia Meloni, 45 tuổi, dự kiến ​​sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Ý nếu liên minh cánh hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Bà đã kêu gọi trong chiến dịch tranh cử rằng, bây giờ là thời điểm để bảo vệ lợi ích quốc gia của Ý.

Nền kinh tế Ý

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Ý, sau khi bùng phát đại dịch COVID-19, tỷ lệ nợ công trên GDP của Ý đã tăng lên đáng kể, vượt 150% trong hai năm liên tiếp 2020 và 2021. Kể từ đầu năm nay, nền kinh tế Ý đã phải hứng chịu nhiều tác động như giá nguyên vật liệu tăng vọt, lạm phát cao và thiếu hụt năng lượng.

Làm thế nào để kiểm soát nợ công và đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế đang là tâm điểm chú ý của dư luận, và các bên tham gia tranh cử cũng tập trung vào cách sử dụng quỹ phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).

Bà Giorgia Meloni cho biết nếu đắc cử, đảng "Anh em của Ý” sẽ tìm cách cải thiện kế hoạch phục hồi kinh tế hiện có và làm cho nó tương thích hơn với các ưu tiên kinh tế mà Ý cần giải quyết.

Đảng Dân chủ cho biết, họ sẽ không đàm phán lại thỏa thuận với EU vì điều đó sẽ khiến cho Ý mất đi của cải và thậm chí đánh mất cả tương lai nếu nổ ra xích mích với liên minh này.

Vấn đề nhập cư

Nhập cư là một trong những trọng tâm chính của cuộc bầu cử này. Kể từ năm 2011, hơn 800.000 người nhập cư đã đến Ý mỗi năm, chủ yếu bằng thuyền từ Bắc Phi. Bà Giorgia Meloni mong muốn Ý, giống như Thổ Nhĩ Kỳ, được EU trả tiền để giải quyết vấn đề người tị nạn và ngăn họ vào châu Âu.

Trong một thời gian dài, một lượng lớn người nhập cư và tị nạn bất hợp pháp đã vượt Địa Trung Hải bằng thuyền và tiếp tục đổ về Ý. Các đảng phái ở Ý đang chia rẽ về cách đối phó với những người nhập cư và tị nạn bất hợp pháp.

Bà Meloni đã đưa ra một thông báo nổi tiếng trên mạng xã hội rằng, bà sẽ sử dụng biện pháp "phong tỏa đường biển" để đối phó với những người di cư. Tuy nhiên, theo báo cáo của tờ Corriere della Sera của Ý, trong chiến dịch tranh cử gần đây, thái độ của bà Meloni đối với vấn đề nhập cư đã dần trở nên thận trọng hơn.

Bà cho biết EU nên đạt được một thỏa thuận với chính phủ các nước Bắc Phi để mở các trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn nhập cảnh hợp pháp vào châu Âu.

Liên minh Châu Âu (EU)

Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang vào tháng 2 năm nay, đương kim Thủ tướng Ý, bất chấp sự phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, đã theo sát Liên minh châu Âu và tham gia nhiều vòng trừng phạt chống lại Nga. Hiện tại, "chủ nghĩa hoài nghi châu Âu" đang phổ biến ở Ý, kéo theo rạn nứt giữa Ý và châu Âu về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bà Meloni đã công khai chỉ trích EU là một "gã khổng lồ quan liêu" và cho rằng Ý nên duy trì sự độc lập tương đối trong các tổ chức như EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Matteo Salvini, lãnh đạo Đảng Liên đoàn, người được coi là "người ủng hộ châu Âu", tin rằng các chuyến hàng vũ khí của Mỹ và châu Âu tới Ukraine thực sự đang kéo dài cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời chỉ trích công khai việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Theo quan điểm của ông, các biện pháp trừng phạt đang làm tổn thương châu Âu nhiều hơn là Nga.

Ý sẽ rút khỏi sáng kiến "Vành đai và Con đường"

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Reuters vào ngày 25/8, bà Giorgia Meloni nói rằng Trung Quốc đang xâm nhập vào mọi ngóc ngách trên thế giới thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Theo Reuters, bà Meloni cho hay, bà sẽ phải đối mặt với tình hình chính trị quốc tế thay đổi nhanh chóng ngay sau khi đắc cử, bao gồm cả Nga và Trung Quốc - hai quốc gia đang thách thức các nước phương Tây.

Bà Meloni nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của bà, Ý sẽ không phải là một "mắt xích dễ bị tổn thương" trong liên minh phương Tây.

Năm 2019, Ý trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chấp nhận Sáng kiến "​​Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Ý, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, đã ký thỏa thuận với Thủ tướng khi đó là ông Giuseppe Conte. Tuy nhiên, bà Meloni khẳng định rằng bà sẽ không tìm cách tiếp tục bất kỳ kế hoạch nào trong thỏa thuận này.

"Tôi không có mong muốn trong việc ủng hộ sự mở rộng của Trung Quốc ở Ý hoặc châu Âu", bà nói và chỉ ra rằng bà phản đối việc thúc đẩy vận tải điện của châu Âu, bởi vì chính sách này sẽ có lợi cho Trung Quốc, một nhà sản xuất pin xe điện lớn trên thế giới.

Bà nói thêm: "Ukraine là phần nổi của tảng băng chìm. Mục đích thực sự của cuộc xung đột này là cố gắng viết lại trật tự thế giới. Nga thì lớn tiếng còn Trung Quốc thì im lặng, nhưng sức mạnh thâm nhập của họ đang vươn tới mọi ngóc ngách trên thế giới".

Thái độ của Ý đối với ĐCSTQ dần nguội lạnh

Ý đã từng ký Bản ghi nhớ Sáng kiến BRI với Trung Quốc và trở thành quốc gia sáng lập EU đầu tiên, và là thành viên nhóm bảy cường quốc kinh tế (G7) chấp nhận sáng kiến này. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng an ninh và sự bất bình gia tăng trong nước hồi 2021, sự nhiệt tình mà Ý dành cho Trung Quốc đã nhanh chóng phai nhạt.

Vào ngày 21/3/2019, ông Tập Cận Bình đã đến Rome, thủ đô của Ý, để ký kết thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Là thành viên G7 đầu tiên ủng hộ sáng kiến này, Rome đã gạt bỏ những lời chỉ trích gay gắt từ Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Các nhân vật chính trị và kinh doanh từ thành phố cảng Trieste đến Rome đang theo đuổi khoản đầu tư cơ sở hạ tầng 20 tỷ euro đầy hứa hẹn của Trung Quốc, với kỳ vọng thấy Trung Quốc tràn ngập hàng hóa "Made in Italy".

“Ý đã thắng, và các công ty của Ý cũng vậy”, Phó Thủ tướng Ý Luigi Di Maio cho biết vào thời điểm ông ký sáng kiến này.

Sau khi Thủ tướng Ý Mario Draghi nhậm chức vào tháng 2/2021, để bảo vệ tài sản chiến lược của đất nước, ông đã ba lần từ chối các thương vụ mua lại các công ty Ý của Trung Quốc.

Tờ EU News ngày 24/11 trích dẫn một tài liệu do Công ty Cơ điện Zhejiang Jingsheng (ZJME) đệ trình. Tài liệu này cho thấy chính phủ Ý đã chặn kế hoạch mua lại một liên doanh do công ty này thành lập và Chi nhánh American Applied Materials (AM) tại Hong Kong, dự định mua lại AM’s kinh doanh thiết bị in lụa ở Ý.

Theo báo cáo, các sản phẩm của công ty liên quan đến chất bán dẫn, quang điện, đèn LED và Công nghiệp 4.0. Đây là một doanh nghiệp công nghệ cao với công nghệ hàng đầu về thiết bị vật liệu bán dẫn và sản xuất vật liệu nền LED ở Trung Quốc.

Ý đã từ chối hai khoản đầu tư quan trọng của Trung Quốc vào mùa xuân năm 2021, và ủng hộ thông cáo chung của NATO vào tháng 6, nêu rõ rằng "Tham vọng rõ ràng của Trung Quốc và các hành động tùy tiện đã tạo ra thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các khu vực liên quan đến an ninh NATO".

Công chúng ở Ý có nhận thức rất tiêu cực về Trung Quốc, phần lớn xuất phát từ sự "khó ưa" với nhóm người Hoa ở nước này. Có hơn 300.000 người Hoa sống chủ yếu sống ở Veneto, Lombardy và Tuscany của Ý.

Nhiều người Ý có thái độ tiêu cực kể trên xuất phát từ nền kinh tế do Trung Quốc điều hành đang đe dọa lao động Ý tại địa phương, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cái gọi là "lối sống Ý".

Bà Meloni từng bị bắt nạt khi còn nhỏ

Bà Giorgia Meloni, với tư cách là lãnh đạo của đảng liên minh lớn nhất – Anh em của Ý, có khả năng trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này.

Bà Meloni sinh năm 1977. Từ nhỏ, bà ở với với mẹ và các chị. Bà từng bị bắt nạt khi còn nhỏ vì béo phì. Bà muốn chơi bóng chuyền vào thời điểm đó, nhưng bị bạn bè gọi là "Fatso" (béo phì). Bà quyết tâm giảm cân và cuối cùng cũng đạt được mục tiêu.

Sự nghiệp sau này của bà Meloni thực sự nằm ngoài sự mong đợi của những người từng bắt nạt bà khi đó. Bà được bầu vào Hạ viện Ý năm 2006 khi vừa 29 tuổi. Bà được bầu làm Bộ trưởng Thanh niên năm 2008, trở thành Bộ trưởng trẻ nhất từ ​​trước đến nay. Vào năm 2012, bà đã đồng sáng lập đảng "Anh em của Ý" và là lãnh đạo đảng kể từ năm 2014.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Ý dự kiến có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử