Trung Quốc: Trung ương ra chỉ tiêu khôi phục đất canh tác, địa phương làm mọi cách đối phó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức tỉnh Hồ Bắc nói với truyền thông hải ngoại rằng, có địa phương đã trực tiếp phủ một lớp đất mỏng lên nền bê tông rồi trồng một số loại hoa màu để đối phó với đợt kiểm tra.

Cuối tháng 2 vừa qua, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Văn kiện số 1. Trong đó đề cập: "Ổn định diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực cả năm. Giữ vững bát cơm của người dân Trung Quốc … đảm bảo rằng diện tích gieo hạt ổn định, sản lượng đạt hơn 1,3 nghìn tỷ cân [Trung Quốc]” (tương đương với 650 tỷ kg).

Tuy nhiên, theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 164,539 triệu tấn ngũ cốc, tăng 25,273 triệu tấn, tức là 18,1%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhiều lần "chỉ thị" về vấn đề lương thực, chẳng hạn như ngày 7/3, ông tuyên bố: "An ninh lương thực là 'việc lớn của đất nước'. Trong muôn nghìn công việc, ăn cơm là việc lớn".

Chính quyền Bắc Kinh đã ra sức thúc đẩy phong trào biến rừng thành ruộng, lấp ao thành ruộng hay biến vườn thành ruộng. Phong trào khôi phục đất canh tác này đột ngột leo thang kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ.

Vào ngày 28/3, người dân Trung Quốc tiết lộ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, một lượng lớn các cơ sở trồng trọt và chăn nuôi đang có thu nhập tốt đã bị chính quyền cưỡng chế san bằng. Ngay cả các công trình công cộng đã được xây dựng nhiều năm cũng bị lấp thành ruộng. Những người dân đứng ra phản kháng đã bị chính quyền đàn áp nghiêm khắc.

Một quan chức ở tỉnh Hồ Bắc xác nhận với RFA rằng, chính quyền trung ương đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ việc khôi phục đất canh tác, xác thực rằng tất cả các địa phương đều đã nhận được thông báo. Lý do đằng sau cuộc vận động này là do khả năng tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc không đủ, kênh nhập khẩu cũng có thể xuất hiện vấn đề.

Vị quan chức này cho biết, vì khôi phục đất canh tác là yêu cầu của ông Tập Cận Bình nên trước áp lực sát hạch cực lớn, các chính quyền địa phương chỉ đành tìm cách đối phó. Trong phong trào khôi phục này, đồng bằng sông Châu Giang, đồng bằng sông Trường Giang và vùng duyên hải Đông Nam, nơi vốn có ngành công nghiệp và bất động sản phát triển nhất, phải chịu áp lực lớn nhất. Lấy Quảng Đông làm ví dụ, chính phủ yêu cầu họ phải khôi phục khoảng 800.000 mẫu đất trong vòng một năm. Cả người dân và quan chức đều hết sức bất lực, có nơi đã trực tiếp phủ một lớp đất mỏng lên nền bê tông rồi trồng một số loại hoa màu để đối phó với đợt kiểm tra.

Ngoài ra, ông lấy thêm ví dụ rằng, một số khu đất nhà máy bị bỏ hoang ở Vận Thành, Sơn Đông cũng được yêu cầu khôi phục thành đất canh tác. Sau đó các quan chức địa phương đã phủ thẳng một lớp đất lên mặt đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí phủ thẳng lên những khu đất rải đầy chất thải công nghiệp độc hại. Họ coi đó là hoàn thành nhiệm vụ khôi phục đất canh tác.

RFA bình luận rằng, mỗi một cuộc vận động của chính quyền Trung Quốc đều gây ra tổn thất nghiêm trọng cho dân chúng.

Tại "Diễn đàn Tam Nông Thanh Hoa 2022" được tổ chức vào ngày 8/1 năm nay, nhóm nghiên cứu của ông Đỗ Ưng (Du Ying), Phó chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, đã công bố một kết quả nghiên cứu. Sau khi sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tính toán sự thay đổi tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc, về cơ bản đều cho ra một kết quả. Trong 20 năm qua, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc đã giảm từ khoảng 100% xuống mức hiện tại là khoảng 76%.

Tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực là một chỉ số quan trọng của an ninh lương thực quốc gia.

Nhóm nghiên cứu của ông Đỗ Ưng đã tính toán rằng, đến năm 2035 tổng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm từ mức 76% của hiện tại xuống còn khoảng 65%.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Trung ương ra chỉ tiêu khôi phục đất canh tác, địa phương làm mọi cách đối phó