100 đại biểu Lưỡng Hội đến từ các công ty bị Mỹ trừng phạt, Bắc Kinh phát đi tín hiệu gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có khoảng 100 đại biểu tham dự Lưỡng Hội năm nay là đại diện đến từ các công ty Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt. Phân tích cho rằng, những người này là biểu hiện cho chính sách liên kết quân sự - dân sự của Bắc Kinh, cũng như sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa chế độ này với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây về chất bán dẫn, AI và đất hiếm.

Lưỡng Hội năm 2023 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được khai mạc vào hai ngày 3/5 và 4/5 và kéo dài trong hơn một tuần. Đây là hai cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội). Các kết quả bầu cử và chính sách được thông qua tại hai cuộc họp năm nay đã tiết lộ mức độ kiểm soát quyền lực của ông Tập trong nhiệm kỳ thứ ba.

Năm nay, tổng cộng có khoảng 5.150 đại biểu tham dự "Lưỡng Hội". Nikkei đưa tin, sau khi quan sát bài đăng trên mạng xã hội của các công ty và thông tin đăng trên các kênh truyền thông Trung Quốc, ước chừng năm nay có khoảng 100 đại biểu Quốc hội Trung Quốc đến từ các công ty bị Hoa Kỳ trừng phạt hoặc đến từ các công ty có liên quan đến các thực thể bị trừng phạt.

Mặc dù Quốc hội Trung Quốc được mô tả là "cơ quan quyền lực nhà nước tối cao" theo Hiến pháp, cơ quan này phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. Tuy các đại biểu Quốc hội không có thực quyền, nhưng việc họ được bầu vào Lưỡng Hội là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa họ với ban lãnh đạo ĐCSTQ.

Có nhiều đại biểu đến từ các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Binh khí trung Quốc (Norinco), Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) – nơi cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (IT) cho các khách hàng bao gồm cả quân đội.

Tất cả các công ty này đều nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ và được coi là những doanh nghiệp chủ chốt về phát triển công nghệ trong chính sách hợp nhất quân sự - dân sự của chính phủ Trung Quốc. Việc thành viên của các công ty này trở thành đại biểu tham dự Lưỡng Hội được coi như một tín hiệu cho thấy nỗ lực tự chủ công nghệ của ĐCSTQ.

Nhiều đại biểu đến từ công ty chip và AI

Tới tham dự hai cuộc họp có nhiều đại biểu đến từ các công ty bán dẫn và trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Trần Thiên Thạch (Chen Tianshi), người sáng lập của công ty phát triển chip trí tuệ nhân tạo Cambrian, lần đầu tiên tham dự Lương Hội. SMIC – nhà sản xuất chip đúc lớn nhất Trung Quốc – cũng cử đại diện tới tham dự.

Tham dự cuộc họp còn có nhà sáng lập của gã khổng lồ nhận dạng khuôn mặt SenseTime và công ty nhận dạng giọng nói iFLYTEK. Cả hai doanh nghiệp này đều nằm trong danh sách đen kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Ngoài ra còn có một số đại diện đến từ các nhà sản xuất chip và các công ty liên quan chưa bị trừng phạt trực tiếp, chẳng hạn như Hua Hong Semiconductor – xưởng sản xuất đĩa bán dẫn lớn thứ hai của Trung Quốc, và các nhà sản xuất vật liệu như Công ty Hóa chất Bách Thịnh (Baisheng) Từ Châu và Công ty vật liệu chất bán dẫn Grinm (GRITEK) của Sơn Đông, v.v.

Chất bán dẫn là trọng tâm trong kế hoạch "Made in China 2025" được công bố vào năm 2015 của chính phủ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn chỉ cung cấp được khoảng 20% ​​đến 30% chip cho chính họ. Chip đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ điện thoại thông minh, ô tô tự lái cho đến sản xuất vũ khí và máy tính tiên tiến.

Vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền ông Biden đã cấm các công ty Hoa Kỳ xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị chế tạo chip sang Trung Quốc nếu không có giấy phép. Các quy định mới cũng hạn chế công dân Hoa Kỳ hỗ trợ phát triển hoặc sản xuất chip tại một số cơ sở của Trung Quốc. Hoa Kỳ đang cùng với Hà Lan, Nhật Bản và các nước khác tham gia vào các lệnh trừng phạt. Chính phủ Hà Lan đã thông báo rằng họ sẽ đưa ra các quy định mới để thắt chặt hơn nữa việc xuất khẩu thiết bị chip.

Các quy định mới của Hoa Kỳ được thiết kế nhằm hạn chế ĐCSTQ sử dụng công nghệ cao để phát triển quân sự và khả năng giám sát của chế độ này.

Reuters trước đó dẫn lời bà Angela Zhang, Giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, chỉ ra rằng, "Đội hình nhân sự mới của Lưỡng Hội dường như đã tiết lộ ưu tiên rõ ràng của Bắc Kinh, đó là tăng cường năng lực công nghệ để đạt được khả năng tự cung tự cấp và duy trì năng lực cạnh tranh với Hoa Kỳ".

Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm dù nhà lãnh đạo ĐCSTQ Cận Bình yêu cầu "tăng cường năng lực hệ thống hóa trong đột phá khoa học và công nghệ". Nền tảng thông tin TMTPost của Trung Quốc đăng tải một tài liệu vào ngày 16/2 chỉ ra rằng, theo dữ liệu của nền tảng truy vấn thông tin doanh nghiệp Trung Quốc "Qichacha", có tổng cộng 5.746 công ty làm về chip ở Trung Quốc đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ giấy phép kinh doanh vào năm ngoái, tăng 68% so với con số 3.420 của năm 2021.

Bắc Kinh cũng đang đẩy nhanh phát triển ngành trí tuệ nhân tạo. Khi ĐCSTQ thực hiện các biện pháp Zero Covid, họ đã sử dụng phần mềm nhận dạng giọng nói và khuôn mặt bằng AI để giám sát người dân. Cách đây không lâu, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 28 thực thể của Trung Quốc nhằm ngăn chặn chế độ này phát triển trí tuệ nhân tạo. Hoa Kỳ nói rằng, nhiều công ty trong danh sách trừng phạt đang phục vụ cho quân đội Trung Quốc.

Đất hiếm và Tài nguyên khoáng sản: Cuộc đối đầu giữa ĐCSTQ và phương Tây

Ngoài ra, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc hiện đã thiết lập một bộ phận mới chuyên phụ trách môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Người đứng đầu Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc và một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đã được chọn làm đại biểu; lãnh đạo Tập đoàn Gang thép Baotou cũng tham dự cuộc họp.

Ngoài ra còn có đại diện của tập đoàn khoáng sản Trung Quốc Minmetals. Công ty này đã và đang thực hiện các thương vụ mua lại liên quan đến tài nguyên ở nước ngoài.

Các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Úc cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc khoáng sản vào Trung Quốc, ví như đất hiếm. Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đang tìm cách đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc cung cấp loại khoáng sản quan trọng được sử dụng trong xe điện.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã thực hiện một loạt hành động nhằm hạn chế vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng quan trọng này.

Tại Canada, hai công ty với sự hỗ trợ của chính phủ đang đẩy mạnh phát triển đất hiếm để chống lại sự độc quyền của ĐCSTQ. Quỹ Yuxiao của Trung Quốc đang tìm cách tăng cổ phần của mình trong Công ty Khoáng sản Phương Bắc (Northern Minerals) từ 9,9% lên 19,9%. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Úc Jim Chalmers đã ký một lệnh vào tháng 2 từ để chối đơn đăng ký của Quỹ Yuxiao.

Lưỡng Hội thiếu vắng các nhân vật hàng đầu trong ngành Internet

Đáng chú ý là, vắng mặt trong danh sách đại biểu là những nhân vật hàng đầu trong ngành Internet, bao gồm người sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng (Pony Ma), Giám đốc điều hành Baidu Lý Ngạn Hoành (Robin Li), Giám đốc điều hành NetEase Đinh Lỗi (William Ding) và Giám đốc điều hành Tập đoàn Lenovo Dương Nguyên Khánh (Yang Yuanqing).

Các công ty Internet từng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã bắt đầu đàn áp ngành này vào mùa thu năm 2020 sau khi ông Mã Vân (Jack Ma), người sáng lập Tập đoàn Alibaba, công khai chỉ trích chính phủ Trung Quốc. Mặc dù cuộc đàn áp bắt đầu giảm nhiệt vào mùa xuân năm ngoái, nhưng sự vắng mặt của các nhân vật trong ngành Internet tại hai kỳ họp năm nay cho thấy, chính phủ đã cảnh giác với tầm ảnh hưởng của các ông trùm công nghệ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

100 đại biểu Lưỡng Hội đến từ các công ty bị Mỹ trừng phạt, Bắc Kinh phát đi tín hiệu gì?