17 doanh nghiệp phát triển BĐS Trung Quốc gây áp lực lên chính phủ để thỉnh cầu giải vây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên mạng đang lan truyền một văn bản có đóng dấu của 17 công ty bất động sản nổi tiếng Trung Quốc, yêu cầu chính quyền thẳng tay xử lý hành vi “bảo vệ quyền lợi độc hại” của người dân. Hiện nước này có rất nhiều công trình đang xây dựng dở dang, khách mua nhà cũng đang tích cực đòi quyền lợi cho bản thân. Điều này đã trở thành một kỳ quan trên thị trường bất động sản Trung Quốc.

Vào ngày 13/8, trang Tin tức Kinh tế Hàng ngày (NBD) và các kênh truyền thông khác của Trung Quốc đưa tin, một tài liệu có tiêu đề "Báo cáo về việc thỉnh cầu giải vây và giải quyết khó khăn để duy trì môi trường kinh doanh và tăng cường niềm tin đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản" đã được lan truyền trên Internet.

Cuối văn bản có đóng con dấu của 17 công ty bất động sản nổi tiếng của Trung Quốc bao gồm Poly Real Estate, China Resources, Greentown China, Longfor Properties, Cifi, China Gezhouba, v.v.

Truyền thông đã xác minh tài liệu này là có thật. Nhân viên một công ty bất động sản tham gia đóng dấu cho biết: "Lần này là thỉnh cầu do doanh nghiệp bất động sản nhà nước (trung ương) khởi xướng, các công ty khác cùng ký tên đóng dấu".

Văn bản cho hay, trong vấn đề giao nhà ở, tình trạng khách hàng đòi hỏi vô lý, không tuân thủ quy định đang trở nên phổ biến; chất lượng nhà có khuyết điểm nhỏ, khách hàng không chấp nhận sửa chữa, từ chối nhận nhà một cách vô cớ và không chịu thanh toán phí dịch vụ trong thời gian sửa chữa, còn yêu cầu bồi thường một khoản lớn. Đòi hỏi của khách hàng rất nhất quán, có thể có những kẻ chuyên nghiệp đứng sau thêm dầu vào lửa để gây rối. Vì vậy, khẩn cầu chính phủ kiên quyết kiềm chế tình trạng làm rối loạn vấn đề nhà ở và các hành vi “bảo vệ quyền lợi độc hại”.

Theo văn bản nêu trên, việc khách hàng bảo vệ quyền lợi đã trở thành chuyện thường ngày. Cứ đến mùa bàn giao nhà, tin tức về việc khách mua nhà đòi quyền lợi lại xuất hiện tới tấp.

Văn bản 17 doanh nghiệp BĐS Trung Quốc gửi lên chính phủ. (Ảnh chụp màn hình)
Văn bản 17 doanh nghiệp BĐS Trung Quốc gửi lên chính phủ. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Diệp Can Hoa (Ye Ganhua), chuyên gia phân tích chính của Viện nghiên cứu bất động sản Trung Quốc CRIC tại An Huy, đã nói với báo chí hai nguyên nhân tại sao tình trạng đòi quyền lợi lại phổ biến trong ngành bất động sản.

Một là do trong hai năm đầu xúc tiến, các chủ đầu tư đã quá đề cao triển vọng của dự án, khiến người mua nhà ôm nhiều kỳ vọng, nhưng có những dự án lại xuất hiện vấn đề chất lượng rất rõ ràng và không đạt tiêu chuẩn giao nhà. Mặt khác, trên thị trường thực sự có các đội nghiệm thu nhà giúp các chủ nhà bảo vệ quyền lợi.

Chủ sở hữu nhà bị đối xử thô bạo khi đi bảo vệ quyền lợi

Ngoài ra, cùng lúc này, một đoạn video về "chủ sở hữu nhà bị nhà phát triển bất động sản đối xử thô bạo" cũng được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Đoạn video cho thấy bốn khách nữ đang ngồi trên ghế sofa, họ bị một số nhân viên mặc áo sơ mi trắng và quần tây đen bao vây. Các nhân viên này hợp sức lật ngược chiếc ghế sofa, đầu của một vị khách đập thẳng xuống đất, một người khác bị gãy tay và chảy nhiều máu.

Báo chí điều tra biết được, một bên là khách mua nhà của Wuyue Plaza tọa lạc tại quận Du Bắc, Trùng Khánh, bên kia là nhân viên của Seazen Holdings – nhà phát triển của Wuyue Plaza.

Khách mua nhà ngưng trả khoản vay thế chấp, tiềm ẩn rủi ro tài chính hệ thống

Vào tháng 7 vừa qua, khách mua nhà ở nhiều vùng của Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố tập thể, là ngừng trả các khoản vay ngân hàng cho đến khi các dự án nhà ở tiếp tục được hoàn thiện.

Trong số đó, rất nhiều dự án của China Evergrande, Yango Group, Tahoe, Sunac, Kaisa và các nhà phát triển bất động sản khác đang trải qua khủng hoảng nợ. Các dự án chưa hoàn thành tập trung chủ yếu ở các thành phố cấp hai, ba và bốn. Một số dự án tại các thành phố cấp một như Thâm Quyến, Thượng Hải, Vũ Hán, Nam Kinh cũng đang trong cảnh tương tự.

Hôm 18/7, Viện Nghiên cứu E-House Thượng Hải công bố "Báo cáo Nghiên cứu về các dự án nhà ở chưa hoàn thành trên toàn quốc năm 2022". Theo báo cáo, tính đến ngày 16/7, toàn Trung Quốc có ít nhất 271 thông báo đình chỉ trả khoản vay mua nhà, hầu hết các thông báo này được đưa ra vào tháng 7.

Báo cáo cũng phân loại và phát hiện ra rằng, hơn một nửa số dự án dở dang là của các nhà phát triển bất động sản lớn. Hầu hết được đăng ký mua trong 4 năm trở lại đây.

Một người kinh doanh bất động sản ở Trung Quốc đại lục nói với VOA rằng, đối với khách mua nhà đang mắc kẹt tại các dự án trên, vì "ngân hàng đã đưa tiền cho chủ đầu tư, nên ngân hàng sẽ có một khoản nợ khó đòi. Trước tình trạng này, ngân hàng chắc chắn sẽ liều mạng để đòi tiền từ họ (khách mua nhà)".

Kênh truyền thông chính thống của Trung Quốc - Thời báo Chứng khoán (STCN) đã đăng một bài báo trên trang nhất vào ngày 13/7, nhắc nhở các cơ quan liên quan cẩn thận đề phòng rủi ro lan tỏa từ sự cố khách hàng ngưng trả khoản vay thế chấp. Bài báo cũng nói rằng, nếu những vấn đề này không được giải quyết, không chỉ chủ nhà mà toàn bộ thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến rủi ro tài chính mang tính hệ thống.

Quan điểm từ các chuyên gia bất động sản

Ông Thái Vi Dân (Cai Weimin), cựu chuyên gia bất động sản tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Trung ương (CNA) Đài Loan rằng, Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đến gần và chính quyền Bắc Kinh sẽ không cho phép những vụ việc như vậy mở rộng. Ông cho rằng sau khi chính phủ vào cuộc, vấn đề sẽ được giải quyết trong vòng ba tháng.

Tuy nhiên, một người trong ngành bất động sản Quảng Đông được Đài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn lại cho rằng hành động của nhà chức trách đã quá muộn: "Mất bò mới lo làm chuồng, hiện giờ thực hiện các biện pháp như vậy có lẽ là không hiệu quả, ý nghĩa thực tế cũng không quá lớn, nó không thể thay đổi hiện trạng".

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, gốc rễ của vấn đề đến từ chính quyền và nó liên quan đến lợi ích của tất cả người dân, vì vậy sẽ rất khó giải quyết.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

17 doanh nghiệp phát triển BĐS Trung Quốc gây áp lực lên chính phủ để thỉnh cầu giải vây