2 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong dịp Tết Nguyên Đán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong ba năm phong tỏa vì đại dịch Covid-19, chính quyền Trung Quốc chưa một ngày ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công. Vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay, hai học viên Pháp Luân Công lớn tuổi đã qua đời sau nhiều năm hứng chịu chiến dịch bức hại Pháp Luân Công tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bà Cui Xiuzhen ở tỉnh Hà Bắc ở phía bắc Trung Quốc và ông Liu Erli ở tỉnh Hồ Nam thuộc miền trung nam Trung Quốc đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết.

Họ bị bắt giữ, bị kết án phi pháp và bị cầm tù trong các trại lao động cưỡng bức, đồng thời bị tra tấn nhiều lần chỉ vì họ là học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa dựa trên nguyên lý phổ quát Chân - Thiện - Nhẫn. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, sau một lịch sử lâu dài đàn áp các tôn giáo và tín ngưỡng chính thống của chính quyền ở Trung Quốc.

Học viên Pháp Luân Công Chunying Wang, người bị giam tại Trại lao động Mã Tam Gia ở đông bắc Trung Quốc với tổng thời gian là 5 năm 7 tháng, đã sử dụng bức ảnh này để chứng minh sự tra tấn mà cô phải chịu đựng. Cô phát biểu tại Washington Press Club vào ngày 24/4/2013. (Ảnh: Gary Feuerberg/ The Epoch Times)

Trại lao động cưỡng bức Cao Dương

Bà Cui Xiuzhen qua đời vào ngày 10/1. Bà vẫn khỏe mạnh cho đến khi bị giam giữ và bức hại vào ngày 20/7/1999.

Bà lại tiếp tục bị bắt giữ vào tháng 12/2000 khi bà đến Bắc Kinh để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Đầu tiên, bà bị cầm tù ở đơn vị thứ năm của trại lao động cưỡng bức Thạch Gia Trang. Sau đó, bà được chuyển đến đơn vị thứ năm của Trại lao động cưỡng bức Cao Dương vào ngày 8/4/2001.

Nhiều học viên Pháp Luân Công cũng bị chuyển đến trại lao động Cao Dương khi ĐCSTQ không thể ép buộc họ từ bỏ đức tin của mình.

Trại lao động cưỡng bức Cao Dương khét tiếng vì “mang lại hiệu quả cao” trong việc ép buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Công. Trại lao động này sở hữu hơn 100 dùi cui điện với điện áp cao và sử dụng hơn 50 phương pháp tra tấn tàn ác và vô nhân đạo đối với các nạn nhân bị cầm tù. Tất cả những nỗ lực này của ĐCSTQ nhằm buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, theo một báo cáo điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG).

Bên trong trại lao động cưỡng bức Cao Dương, “tư thế ngồi xổm” là một phương pháp tra tấn thường được áp dụng đối với các học viên Pháp Luân Công.

Theo mô tả của những người còn sống sót, nạn nhân buộc phải cởi giày và tất, đồng thời họ bị buộc phải ngồi xổm trong khi lính canh kéo mạnh hai cánh tay của nạn nhân sang hai bên và ấn mạnh họ xuống đất. Lâu dần, thắt lưng và chân của nạn nhân trở nên đau nhức, tê liệt, bầm tím và sưng tấy.

Dùi cui điện là một công cụ phổ biến khác trong kho vũ khí tra tấn của ĐCSTQ. Một số lính canh tấn công nạn nhân bằng dùi cui điện, sốc điện họ liên tục từ đầu đến chân cho đến khi nạn nhân bị bỏng nặng.

Vào ngày 22/3/2003, khi cô Tú Trân (Xiuzhen) được thả khỏi trại lao động cưỡng bức Cao Dương, cô trở nên tiều tụy và không thể đi lại vì quá yếu ớt. Giọng nói của cô lúc này trở nên líu nhíu, tay chân không còn linh hoạt nữa và trí nhớ của cô bị suy giảm trầm trọng. Năm 2014, cô bị liệt và mất ngôn ngữ. Sau 8 năm bị dày vò, cô đã qua đời vào ngày 10/1.

Bị bắt giữ 18 lần

Ông Liu, một học viên Pháp Luân Công 81 tuổi, đã bị chế độ ĐCSTQ cầm tù, tra tấn và sách nhiễu ròng rã hơn 22 năm.

Vào cuối năm 2022, cảnh sát lại cố gắng bắt giữ ông tại nhà riêng, và ĐCSTQ chỉ bỏ cuộc khi ông trở nên quá ốm yếu và khó khăn trong việc di chuyển.

Kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, cảnh sát nước này đã bắt giữ ông phi pháp 18 lần. Ông cũng bị giam giữ phi pháp trong các trại lao động cưỡng bức 4 lần trong vòng 5 năm. Ông từng bị kết án 3 năm 6 tháng tù ở tuổi 75.

Trong thời gian bị giam giữ, ông bị đánh đập và sốc điện bằng dùi cui điện.

Đến ngày 21/7/2018, khi ông ra tù, sức khỏe của ông đã sa sút nghiêm trọng. ĐCSTQ cũng cắt lương hưu của ông và vẫn chưa dừng việc theo dõi và sách nhiễu ông. Ông Liu đã qua đời vào ngày 2/1.

Bức hại người cao tuổi

Vào năm 2022, ĐCSTQ đã bắt giữ và sách nhiễu ít nhất 7.331 học viên Pháp Luân Công, theo một báo cáo từ trang Minh Huệ (Minghui.org), một nền tảng trực tuyến có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi chép và báo cáo cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ ở Trung Quốc.

Trong số 7.331 nạn nhân được xác nhận có 971 người (chiếm khoảng 13%) từ 60 tuổi trở lên vào thời điểm bị ĐCSTQ bắt giữ hoặc sách nhiễu. Trong số 971 nạn nhân này, có 327 người ở độ tuổi 60, 438 ở độ tuổi 70, 197 ở độ tuổi 80 và 9 người ở độ tuổi 90.

Thôi Kim Thạch (Cui Jianshi) ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, phía bắc Trung Quốc, bị bắt giữ vào ngày 13/4/2022 và bị tra tấn đến chết trong cùng ngày hôm đó. Khi con trai nhìn thấy thi thể của bà trong bệnh viện mới phát hiện ra cổ họng bà đã bị cắt.

Ông Zhang Siqin, một học viên Pháp Luân Công 69 tuổi đến từ thành phố Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc, đã bị bắt giữ vào ngày 19/1/2022. Gia đình ông được biết ông đã qua đời trong Nhà tù Đại Liên vào ngày 27/1, chỉ 8 ngày sau khi ông bị giam giữ.

Sau 23 năm dài bị bức hại, có vài học viên Pháp Luân Công chưa bao giờ có được một ngày bình yên.

“Một số bị đuổi học, một số bị đuổi việc, và một số vẫn liên tục bị sách nhiễu ngay cả sau khi họ mất khả năng lao động do bị bức hại”, theo trang Minh Huệ.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

2 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong dịp Tết Nguyên Đán