45 triệu người già Trung Quốc cần được chăm sóc, nhiều người mắc hội chứng ‘tổ rỗng’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu gần đây, số người già cần được chăm sóc ở Trung Quốc đã vượt quá 45 triệu người và dự kiến ​​sẽ đạt 60 triệu người vào năm 2030. Xu hướng già hóa tại Trung Quốc có quy mô lớn, mức độ sâu và độ tăng tốc nhanh chóng, khác với xu hướng ở các quốc gia khác.

Ngày 21/11, tạp chí The Lancet Public Health xuất bản một nghiên cứu về nhu cầu cần được chăm sóc của người cao tuổi ở Trung Quốc. Bài nghiên cứu này được viết bởi một nhóm các nhà khoa học xã hội đến từ Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc.

Nhóm tác giả đã phân tích dữ liệu từ các cuộc khảo sát được thực hiện trên 28 tỉnh ở Trung Quốc từ năm 2011–2020, với 46.619 người từ 60 tuổi trở lên tham gia trả lời.

Nghiên cứu đã phân ra 3 cấp độ nhu cầu cần được chăm sóc của người cao tuổi, dựa trên khả năng di chuyển/đi lại (mobility), khả năng tự chăm sóc bản thân ở mức cơ bản (ADL) và khả năng độc lập thực hiện các công việc hàng ngày (IADL). ADL bao gồm 6 mục: mặc quần áo, tắm rửa, ăn uống, di chuyển từ giường sang ghế, sử dụng nhà vệ sinh và đại tiểu tiện. IADL bao gồm các hoạt động phức tạp hơn như làm việc nhà, nấu ăn, mua sắm, quản lý tiền bạc và uống thuốc.

Những người gặp khó khăn trong các hoạt động tự chăm sóc bản thân ở mức cơ bản (ADL) được phân loại là người phụ thuộc cấp độ 1.

Người gặp khó khăn trong ADL và nấu ăn, mua sắm và dùng thuốc được phân loại là người phụ thuộc cấp độ 2.

Những người gặp bất kỳ khó khăn nào (bất kỳ mục nào) trong ADL hoặc IADL được phân loại là người phụ thuộc cấp độ 3.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng vào năm 2020, Trung Quốc có 20,61 triệu người cao tuổi là người phụ thuộc cấp độ 1; 36,33 triệu người phụ thuộc cấp độ 2; và 45,3 triệu người phụ thuộc cấp độ 3.

Khi dân số già đi, sẽ có ngày càng nhiều người già cần được chăm sóc ở Trung Quốc. Dựa trên mô hình, nhóm nghiên cứu dự đoán rằng Trung Quốc có 29,71 triệu người phụ thuộc cấp 1, 49,07 triệu người phụ thuộc cấp 2 và 59,32 triệu người phụ thuộc cấp 3 vào năm 2030, tăng 39% (14,02 triệu người) so với năm 2020.

Theo nghiên cứu, những người lớn tuổi, nữ giới, ít học, sống ở nông thôn, không có nhà vệ sinh hoặc nước sinh hoạt tại nhà, đồng thời sống xa các trung tâm y tế là những người có xu hướng cần được chăm sóc nhiều hơn.

Theo truyền thống Trung Quốc, con cháu trong gia đình sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc người già. Tuy nhiên, ba thập kỷ vừa qua, một số lượng lớn con cháu trưởng thành đã di cư từ nông thôn lên thành phố; do vậy, ở vùng nông thôn, việc các thành viên gia đình phụng dưỡng người già đã giảm đáng kể. Bởi vậy, chính quyền Trung Quốc coi các hoạt động giúp giảm bớt sự phụ thuộc của người già là “chiến lược quan trọng” để giải quyết gánh nặng chăm sóc.

Thật thú vị, nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng người già phụ thuộc ở tất cả các cấp độ có xu hướng giảm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, điều đó không bù đắp được sự gia tăng dự kiến ​​​​của số lượng người già tại Trung Quốc. Điều này xảy ra cùng lúc với việc tỷ lệ sinh của Trung Quốc ngày càng giảm.

45 triệu người già Trung Quốc cần được chăm sóc, nhiều người mắc hội chứng tổ rỗng
Xu hướng phụ thuộc của người cao tuổi Trung Quốc từ năm 2011 đến năm 2020. (Biểu đồ: The Lancet Public Health)

5 đặc điểm của dân số già ở Trung Quốc

Mặc dù già hóa dân số là hiện tượng toàn cầu, vấn đề dân số già của Trung Quốc khác với các quốc gia khác. Theo nghiên cứu về Vấn đề Già hóa dân số tại Trung Quốc năm 2022 do nhà kinh tế vĩ mô Ren Zeping công bố vào cuối tháng 9, xu hướng già hóa ở Trung Quốc có 5 đặc điểm:

  1. Trung Quốc có lượng lớn dân số già. Năm 2020, 191 triệu người tại Trung Quốc là người trên 65 tuổi (lưu ý: cách chia các nhóm tuổi của tác giả Ren Zeping hơi khác so với cách chia trong nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh), tương đương 13,5% dân số. Dự kiến ​​đến năm 2057, số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh là 425 triệu người, chiếm khoảng 32,9-37,6% tổng số dân Trung Quốc.
  2. Trung Quốc đang già đi nhanh hơn các nước khác. Năm 2001, dân số trên 65 tuổi ở Trung Quốc vượt quá 7%, đánh dấu sự khởi đầu của một xã hội già hóa. Năm 2021, dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 14%. Chỉ mất 21 năm để dân số Trung Quốc trở nên “già hóa sâu sắc” — một tốc độ nhanh hơn nhiều so với 126 năm của Pháp, 46 năm của Anh hay 40 năm của Đức.
  3. Vấn đề lão hóa nghiêm trọng và hội chứng tổ rỗng (còn gọi là hội chứng tổ ấm trống trải - cảm giác đau buồn và cô đơn của cha mẹ khi con cái rời khỏi mái ấm gia đình) ngày càng gia tăng. Số người từ 80 tuổi trở lên ở Trung Quốc là 36,6 triệu vào năm 2020 và dự kiến ​​sẽ tăng lên 159 triệu vào năm 2050. Những người rất cao tuổi phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người già phải sống cô đơn và mắc hội chứng tổ rỗng; thực tế này làm suy yếu truyền thống chăm sóc người thân già yếu của các gia đình Trung Quốc.
  4. Tỷ lệ người già phụ thuộc của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, làm trầm trọng thêm gánh nặng chăm sóc người cao tuổi. Số người già phụ thuộc đạt 19,7% vào năm 2020 và dự kiến ​​sẽ vượt 50% vào năm 2050, nghĩa là cứ 2 người trẻ thì phải phụng dưỡng 1 người già. Chi phí cao trong việc chăm sóc người già và nuôi dạy trẻ em cùng nhau gây áp lực lớn lên những người trẻ tuổi tại Trung Quốc.
  5. Tốc độ già hóa dân số ở Trung Quốc nhanh hơn so với tốc độ gia tăng giàu có. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc gần với mức giới hạn dưới của các nền kinh tế phát triển, nhưng tỷ lệ già hóa 13,5% của nước này đã cao hơn mức trung bình 10,8% của các nền kinh tế có thu nhập trung bình và cao. Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc lớn tuổi vẫn đang trợ giúp gia đình của họ. Họ phải đối mặt với áp lực kép của gánh nặng kinh tế và lương hưu ít ỏi.
45 triệu người già Trung Quốc cần được chăm sóc, nhiều người mắc hội chứng tổ rỗng
Một phụ nữ Trung Quốc ngoài 90 tuổi, sống một mình ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. (Ảnh: The Epoch Times)

Không sinh con vì zero-COVID

Hai nguyên nhân chính dẫn đến già hóa dân số là tuổi thọ tăng và mức sinh giảm.

Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách sinh sản của họ, thay đổi “chính sách một con” thành “chính sách hai con” và sau đó là “chính sách ba con”. Tuy nhiên, những thay đổi đó dường như không đạt được nhiều hiệu quả, một phần là do đại dịch COVID-19.

Reuters đưa tin vào ngày 08/08 rằng ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ việc sinh con; nguyên nhân đến từ chính sách zero-COVID hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Số trẻ được sinh ra tại Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Xuân Hoa

Theo Shawn Lin & Angela Bright - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

45 triệu người già Trung Quốc cần được chăm sóc, nhiều người mắc hội chứng ‘tổ rỗng’