800.000 học sinh Tây Tạng bị buộc tẩy não trong các trường nội trú, bao gồm cả trẻ em 4 tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, những trẻ em từ 4 tuổi trở lên ở Tây Tạng bị buộc tẩy não trong các trường nội trú. Hiện nay, khoảng 800.000, chiếm 78% số học sinh Tây Tạng, đang ở trong các trường nội trú, những em này thậm chí không được về nhà gặp bố mẹ ngay cả vào ngày nghỉ.

Viện Hành động Tây Tạng (TAI)công bố một báo cáo vào tháng 12 cho thấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xây dựng một hệ thống "trường nội trú thuộc địa" khổng lồ ở Tây Tạng, nơi các em học sinh bị buộc tách khỏi gia đình và bị nhồi nhét các tư tưởng giáo dục chính trị hóa của ĐCSTQ.

Những tổn thương tâm lý và tình cảm đối với trẻ em Tây Tạng và gia đình của các em có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ người Tây Tạng, cũng như bản sắc văn hoá của con người nơi đây.

Báo cáo dẫn lời một phụ huynh ở miền đông Tây Tạng tiết lộ rằng, vào năm 2020, các trường học trong thôn của địa phương được chuyển đổi thành trường mẫu giáo. Chính quyền ĐCSTQ cấm trẻ em được học trong thôn của họ. Gia đình của những đứa trẻ này bị buộc phải gửi con đến các trường trong thành phố.

Một giáo viên ở miền đông Tây Tạng tiết lộ rằng, chính quyền ĐCSTQ yêu cầu phải gửi những trẻ em từ 4 tuổi trở lên đến các trường nội trú. Giáo viên ở những trường này chỉ nói tiếng phổ thông (tiếng Trung), tất cả chương trình học ở trường đều được dạy bằng tiếng phổ thông, bao gồm cả các bài hát mẫu giáo và các câu chuyện trước khi đi ngủ. Khi những đứa trẻ này đi học tiểu học vào năm 7 tuổi, chúng hầu như không thể nói tiếng Tây Tạng.

Báo cáo dẫn số liệu chính thức cho thấy, khoảng 800.000 trẻ em Tây Tạng trong độ tuổi từ 6 đến 18 (chiếm 78% học sinh Tây Tạng) sống trong các trường nội trú thuộc địa. Theo lời kể của giáo viên, chính quyền đã đe dọa những phụ huynh không muốn cho con đi học ở những trường này và sau khi nhập học, trẻ em Tây Tạng có nguy cơ mất gốc tiếng mẹ đẻ và bản sắc văn hóa.

Báo cáo nói rằng, chính sách trường nội trú có tính phân biệt đối xử, bởi vì đối tượng nó nhắm đến là người Tây Tạng và các "dân tộc thiểu số" khác, còn tỷ lệ học sinh Trung Quốc ở các trường nội trú là rất thấp.

Trẻ em từ 4 tuổi trở lên phải gửi đến trường nội trú

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, trong 10 năm qua, ĐCSTQ đã loại bỏ một cách có hệ thống các trường học địa phương và thay thế bằng các trường nội trú. Các trường học tu viện và các trường tư thục khác ở Tây Tạng bị buộc phải đóng cửa. Những người đứng đầu các trường tư thục và giáo viên, phần tử trí thức của Tây Tạng đều đã bị bắt.

Bài báo dẫn lời bà Lhadon Tethong, Giám đốc Viện Hành động Tây Tạng nói rằng, Phật giáo là một phương thức sống không thể tách rời của người Tây Tạng. Mục tiêu của ĐCSTQ khi xây dựng các trường nội trú là muốn tạo dựng, thay đổi hoặc xóa bỏ tư cách của người Tây Tạng, nhằm khiến "họ không còn tự nhận bản thân là người Tây Tạng mà là người Trung Quốc và trung thành với ĐCSTQ".

Bà Tethong nhấn mạnh rằng, "Nhưng đây là một lời nói dối. Khi những học sinh Tây Tạng này bước vào xã hội, chúng vẫn bị hệ thống quốc gia của ĐCSTQ đối xử như những công dân hạng hai. Chúng không thể nhận được nền giáo dục hạng nhất ở Trung Quốc và được hưởng quyền bình đẳng và thành công".

Học sinh không được phép về nhà vào ngày nghỉ

Ông Kunchok, một người Tây Tạng hiện đang sống lưu vong ở New Delhi, nói với kênh truyền thông Canada The Globe and Mail rằng, khi ông lên 7 tuổi, ông bị gửi đến một trường nội trú ở huyện Markam, khu tự trị Tây Tạng. Ông không được phép về nhà vào những ngày nghỉ và cả năm học đầu tiên không được gặp bố mẹ.

Nhiều cuộc điều tra của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hành động Tây Tạng cho thấy, học sinh ở các trường nội trú Tây Tạng phải trải qua những đau lớn cả về thể chất và tinh thần, bao gồm sự cô đơn và xa lánh tột độ, cũng như bị lạm dụng tình dục, phân biệt chủng tộc và tẩy não chính trị.

Một nữ sinh Tây Tạng nói rằng, cô từng chứng kiến ​​những trường hợp bị cưỡng hiếp, tấn công tình dục tùy tiện. Những người đàn ông, thậm chí cả giáo viên nam ở trong và ngoài nhà trường, thường xuyên xông vào ký túc xá nữ. Khi tức giận, những giáo viên này sẽ dùng ghế, gậy sắt và côn đánh học sinh chảy máu.

Cô nói: "Những trận đánh đập nghiêm trọng và thường xuyên khiến chúng tôi vô cùng sợ hãi. Cuộc sống ba năm đầu trong trường nội trú thuộc địa là một cơn ác mộng. Đó là sự dày vò tột cùng về thể chất, tình cảm và tâm lý".

Trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, Giám đốc Viện Hành động Tây Tạng Tethong, nói rằng nếu Thế vận hội được tổ chức như dự kiến, đây sẽ là một cái tát đối với tất cả người dân Trung Quốc - những người bị xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền và tự do. Đó là một sự nhạo báng.

Bà Tethong kêu gọi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc nên đích thân đến Tây Tạng để điều tra.

Trên thực tế, không chỉ trẻ em Tây Tạng bị bức hại. ĐCSTQ còn xây dựng các "trại cải tạo" ở Tân Cương để giam giữ người lớn, đồng thời buộc trẻ em phải tách khỏi cha mẹ và gửi chúng đến các trường nội trú để "tẩy não". Một tài liệu nội bộ năm 2017 của ĐCSTQ được giới truyền thông tiết lộ cho thấy, vào thời điểm đó, khoảng 40% học sinh tiểu học và trung học cơ sở bị gửi đến các trường nội trú với con số lên tới 500.000 em.

Minh Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

800.000 học sinh Tây Tạng bị buộc tẩy não trong các trường nội trú, bao gồm cả trẻ em 4 tuổi