‘Ân sư' của ông Tập Cận Bình lộ diện, đấu đá nội bộ kinh động đến các 'bô lão' trong ĐCS Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang bị kèm cặp giữa các nhân tố bất lợi ở cả trong và ngoài, các phe phái tranh giành lợi ích, đấu đá nội bộ ngày càng kịch liệt. Việc các “bô lão” trong đảng như Chu Dung Cơ, Tống Bình liên tiếp lộ diện trong thời gian diễn ra Phiên họp toàn thể thứ năm vừa rồi đã gây ra nhiều suy đoán.

Ông Tống Bình (Song Ping) được coi là “ân sư” của ông Tập Cận Bình. Ông Tống từng tiến cử ông Tập lên chức và khuyên ông Tập không nên tả khuynh nếu không sẽ đưa Trung Quốc xuống vực sâu.

Theo thông tin công khai, ông Tống Bình sinh năm 1917 tại huyện Cử, thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, Ủy viên Quốc vụ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng nhiều chức vị khác. Sau sự kiện ‘Thảm sát Thiên An Môn’ ngày 4/6/1989, ông Tống Bình cùng ông Giang Trạch Dân và Lý Thụy Hoàn đã được đề bạt vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Vào ngày 2/11, tờ Hong Kong 01 đưa tin rằng trong Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 19, tài khoản WeChat của "Ủy ban chuyên gia về Blockchain" đã đăng một mẩu tin về ông Tống Bình kèm theo hai bức ảnh, một trong số đó là bức ảnh chụp ông Tống Bình đang đọc tài liệu trên tay.

Tấm còn lại là ảnh ông Tống Bình ngồi trên ghế sô pha, phía sau ông là một quả địa cầu lớn với bức tranh Trung Quốc treo trên tường. Người ngồi bên cạnh là ông Lưu Hải Lâm (Liu Hailin), Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Công nghệ Kỹ thuật Chuỗi Vật liệu (material chain core technology) Trung Quốc, đang cầm một bản tài liệu.

Theo tin tức, ông Tống Bình đã tiếp ông Lưu Hải Lâm 50 phút và nghe ông Lưu giới thiệu về tình hình ứng dụng công nghệ blockchain mới vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời bày tỏ sự tán thành và khen ngợi.

Truyền thông đại lục cho biết, ông Tống Bình đã mạnh tay đề bạt và tiến cử ông Hồ Cẩm Đào trong thời gian ông làm Bí thư tỉnh ủy Cam Túc, đặt nền móng cho ông Hồ trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Truyền thông Hong Kong cho rằng, ông Tống Bình là "ân sư" của ông Hồ Cẩm Đào. Đồng thời, ông cũng là "tạo vương giả" (ý chỉ một người quan trọng có thể đưa các nhà lãnh đạo lên nắm quyền thông qua việc thực hiện ảnh hưởng chính trị) và "ân sư" của ông Tập Cận Bình.

Cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào (phải) và ông Tống Bình (trái). (Ảnh chụp màn hình video)
Cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào (phải) và ông Tống Bình (trái). (Ảnh chụp màn hình video)

Các báo cáo công khai cho thấy ông Tống Bình và ông Tập Cận Bình có mối quan hệ sâu sắc. Ông Tống và ông Tập Trọng Huân - cha của ông Tập Cận Bình đã từng là cộng sự. Khi ông Tập Trọng Huân giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện, ông Tống Bình là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, và công việc của hai ông có liên quan mật thiết với nhau.

Có thông tin cho rằng, sau khi nghỉ hưu ông Tống Bình đã rất kiệm lời, thậm chí nếu thỉnh thoảng có xuất hiện, thì ông cũng chỉ lên tiếng ủng hộ việc chống tham nhũng và các động thái chính trị khác của ông Tập Cận Bình vào những thời điểm quan trọng. Tuy nhiên, sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, việc ông Tập Cận Bình tăng tốc tả khuynh khiến các quan chức cấp cao Bắc Kinh đều rất bất mãn, các quan chức đương nhiệm dám phẫn nộ nhưng không dám lên tiếng.

Trước đó các kênh truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài đưa tin rằng, trong nửa đầu năm 2018, ông Tống Bình đã khuyên ông Tập Cận Bình là không nên "tả khuynh" và phải tiếp tục cải cách, mở cửa; đừng đưa Trung Quốc vào vực thẳm như hồi Đại Cách mạng Văn hóa hay như mô hình của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã không nghe theo lời khuyên của ông Tống, ông Tống đã tức giận đến mức phải nhập viện.

Trong thời gian diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ năm vừa rồi, việc ông Tống Bình lại xuất hiện được cho là có liên quan đến cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ. Trước khi ông Tống lộ diện, những bức ảnh về cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ - người đã lâu không xuất hiện, đã được tung lên mạng. Đó là bức ảnh ông Chu trong trang phục ‘hồng bào’ và tổ chức sinh nhật trong bệnh viện cùng vợ và các y bác sĩ.

Ông Chu Dung Cơ đã không tham dự tiệc chiêu đãi "Ngày Quốc khánh 1/10" vừa rồi và cuộc duyệt binh ở Quảng trường Thiên An Môn năm ngoái, điều này đã gây ra nhiều dự đoán về giới quan chức cấp cao. Trong thời gian Hong Kong xảy ra Biểu tình chống dẫn độ về Trung Quốc và ĐCSTQ cưỡng chế thi hành Luật An ninh Quốc gia, các bài phát biểu cũ của ông Chu Dung Cơ đã được lan truyền rộng rãi trên Internet. Ông nói: “Ai phá hủy Hong Kong thì chính là tội phạm lịch sử”.

Kể từ năm 2020, chính quyền ĐCSTQ lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn ở cả bên trong và ngoài, bao gồm dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tàn phá, kinh tế sa sút, thất bại ngoại giao, và sự bao vây của xã hội quốc tế… ĐCSTQ từ lâu đã bị vây khốn tứ bề. Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong, việc này cũng khiến ĐCSTQ khá là hoang mang.

Tình hình này cũng làm tổn hại đến lợi ích của các phe phái trong ĐCSTQ, cuộc đấu đá nội bộ ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Trong đảng liên tục có những lời kêu gọi ông Tập từ chức. Quyền lực của ông Tập có thể đã bị đe dọa và ông đã rơi vào tình thế không còn lối thoát. Vào thời điểm nhạy cảm này, những tín hiệu mà các ‘bô lão’ Chu Dung Cơ và Tống Bình phát ra đều là điều đáng để quan sát.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

‘Ân sư' của ông Tập Cận Bình lộ diện, đấu đá nội bộ kinh động đến các 'bô lão' trong ĐCS Trung Quốc?