Áp lực buộc Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 gia tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, các nước trên toàn cầu kêu gọi các quốc gia tẩy chay Thế vận hội vì sự lạm dụng nhân quyền liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tại Hoa Kỳ, các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa đã kêu gọi chuyển địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022 ra khỏi Bắc Kinh, nếu không, Hoa Kỳ sẽ phải tẩy chay sự kiện này. Họ chỉ ra chiến dịch đàn áp sâu rộng của chế độ Trung Quốc đối với người dân tộc thiểu số, các tín đồ tôn giáo và những người bất đồng chính kiến, đặc biệt nhấn mạnh vào những hành động tàn bạo của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, vốn được chính quyền Trump tuyên bố là tội ác diệt chủng hay tội ác chống lại nhân loại.

Các nhà lập pháp ở Canada và Vương quốc Anh, cũng như hơn 100 tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự. Quốc hội Canada vào tháng Hai đã thông qua một cuộc vận động không ràng buộc, coi cuộc đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương là tội ác diệt chủng, đồng thời thúc giục Ủy ban Olympic Quốc tế IOC chuyển Thế vận hội ra khỏi Trung Quốc.

Gần đây nhất, ngày 25/2, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Scott đã viết thư cho Tổng thống Joe Biden đề nghị tổ chức một cuộc họp thảo luận về những nỗ lực di dời Thế vận hội Mùa đông 2022.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cộng đồng toàn cầu không thể trao Thế vận hội cho Trung Quốc Cộng sản (ĐCSTQ) một sự kiện tầm cỡ quốc tế để họ có cơ hội gột sạch tội ác của mình. Đó là điều sẽ xảy ra nếu họ được phép đăng cai Thế vận hội Olympic 2022 tại Bắc Kinh”, Thượng nghị sĩ Scott viết trong thư.

Một số nhà lập pháp khác của Hoa Kỳ đã đưa ra các nghị quyết thúc đẩy chuyển dời Thế vận hội ra khỏi Bắc Kinh. Một nghị quyết của Hạ viện do Hạ nghị sĩ Michael Waltz đưa ra cũng trích dẫn việc ĐCSTQ sử dụng bạo lực để đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong và sự che đậy giai đoạn bùng phát ban đầu của virus corona Vũ Hán. Đó là những lý do tại sao Bắc Kinh không thể là chủ nhà của Thế vận hội. Nó sẽ là “vô đạo đức, phi đạo đức và sai trái” nếu vẫn để Bắc Kinh đăng cai sự kiện này.

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, một ứng cử viên tổng thống năm 2024 tiềm năng của Đảng Cộng hòa, cũng kêu gọi tẩy chay trong một bài báo gần đây.

“Nếu Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông, thì đây sẽ là một thông điệp rõ ràng rằng chế độ chuyên chế và sự đe dọa của Trung Quốc là không thể chấp nhận được”, bà Haley nói. "Nó sẽ cho thấy rằng các hành động sai trái đều phải trả giá".

Ngày 25/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Hoa Kỳ chưa đưa ra “quyết định cuối cùng” về việc có tham gia Thế vận hội Bắc Kinh hay không, đồng thời nói thêm rằng, họ sẽ chờ đợi “hướng dẫn từ Ủy ban Olympic Hoa Kỳ”. Đầu tháng Ba, bà Psaki báo hiệu rằng, chính phủ không có kế hoạch tẩy chay Thế vận hội.

Ủy ban Olympic Hoa Kỳ hồi đáp những nhận xét gần đây của bà Psaki, cho biết họ phản đối việc tẩy chay sự kiện, một lập trường được các đối tác của họ ở Canada và Vương quốc Anh lặp lại.

“Chúng tôi phản đối việc tẩy chay Thế vận hội vì động thái này đã được chứng minh là có tác động tiêu cực đến các vận động viên, cũng không giải quyết được các vấn đề toàn cầu một cách hiệu quả”, người phát ngôn của Ủy ban cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi tin rằng, để phương thức hành động có hiệu quả hơn, các chính phủ trên thế giới và Trung Quốc cần trực tiếp tham gia vào các vấn đề nhân quyền và địa chính trị”.

Trong bài phát biểu của mình, bà Haley bày tỏ thái độ không đồng tình với những ý kiến cho rằng tẩy chay không hiệu quả. Bà nói rằng, những lập luận như vậy cho thấy sự “thiếu hiểu biết về ngoại giao”.

“Khi bạn để đối tác thoát khỏi tội ác diệt chủng, theo đúng nghĩa đen và thực sự đang xảy ra ở Trung Quốc, thì bạn đang đàm phán từ một thế yếu. Nếu bạn vững vàng về những vấn đề không thể thương lượng, thì bạn đang ở thế mạnh”, bà viết.

“Bỏ qua những hành động xấu xa của Trung Quốc là đồng nghĩa với việc sẽ không thể ngăn chặn những hành động này trong tương lai và, mức độ đạt được tiến bộ trong các vấn đề kinh tế và an ninh quan trọng khác cũng sẽ suy giảm”.

Chính quyền Trung Quốc đã không phản ứng đúng mực với chiến dịch tẩy chay, cáo buộc các quốc gia đang sử dụng Thế vận hội làm vũ khí chính trị. Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, cũng đã lên Twitter để đe dọa trừng phạt thương mại đối với các nước quyết định tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố với The Epoch Times vào đầu tháng Hai, IOC nói rằng, bằng cách chọn Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội, Ủy ban đánh giá của họ đã "xem xét quan điểm của các tổ chức phi chính phủ độc lập đối với một số vấn đề, bao gồm nhân quyền" và đưa ra các quan ngại với chính phủ Trung Quốc.

“Chúng tôi đã nhận được cam kết rằng Thế vận hội sẽ tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Olympic”, IOC cho biết và sẽ tiếp tục thảo luận về “các vấn đề liên quan đến Thế vận hội” với các nhà tổ chức.

Lặp lại Lịch sử

Theo ông Miles Yu, người từng là cố vấn chính về Trung Quốc cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mặc dù Bắc Kinh khăng khăng rằng nên tách biệt thể thao và chính trị, về cơ bản, thực sự, họ đã đánh đồng chính trị và thể thao.

Bắc Kinh sử dụng "các sự kiện thể thao quốc tế như Thế vận hội để tuyên truyền cho sự vĩ đại của ĐCSTQ, để chứng tỏ với thế giới rằng Trung Quốc là một quốc gia mà không ai có thể chỉ trích được, bất kể họ làm gì", ông Yu nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.

“Vì vậy, chính ĐCSTQ đã sử dụng các sự kiện thể thao quốc tế như Thế vận hội làm vũ khí chính trị".

Ông Yu nói rằng thế giới cần rút kinh nghiệm từ Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh.

Ông nói: “Ủy ban Quốc tế đã đồng hành với Bắc Kinh, chân thành hy vọng rằng việc trao quyền đăng cai những sự kiện thể thao quốc tế như vậy cho Bắc Kinh sẽ buộc Trung Quốc, hay ít nhất là những nhà cải cách trong ĐCSTQ - phải cải tổ và thay đổi. "Nhưng không hề có điều này".

Thay vào đó, ĐCSTQ đã lợi dung Thế vận hội 2008 để nâng cao hình ảnh của họ trong và ngoài nước.

“Nó [Thế vận hội Bắc Kinh 2008] đã mang lại cho Trung Quốc uy tín to lớn, nhưng cũng cho ĐCSTQ một cơ hội tuyệt vời để tự coi mình là đại diện cuối cùng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc”, ông Yu nói.

Trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp các nhà hoạt động, phóng viên và các nhóm tín ngưỡng, vì sợ rằng họ sẽ sử dụng sự hiện diện của truyền thông quốc tế trong Thế vận hội để thu hút sự chú ý quốc tế đến hoàn cảnh của họ.

Các nhà hoạt động kêu gọi tẩy chay Thế vận hội hoặc thu hút công luận chú ý đến các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đã bị Bắc Kinh bắt và giam giữ. ĐCSTQ cũng gia tăng việc giam giữ các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là những người sống ở các khu vực gần các địa điểm tổ chức Thế vận hội, trong thời gian diễn ra sự kiện này. Những người khiếu kiện phản đối việc Bắc Kinh cưỡng chế người dân chuyển nhà và phá dỡ nhà cửa của họ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Olympic cũng đã bị bắt giữ.

Ông Gordon Chang, tác giả của cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, đã khuyến nghị IOC cấm các vận động viên Trung Quốc thi đấu tại Thế vận hội 2022, theo cách tương tự như cấm Nam Phi tham gia Thế vận hội Mùa hè 1964 ở Tokyo vì các chính sách phân biệt chủng tộc của Nam Phi vốn chỉ cho phép vận động viên da trắng đại diện cho đất nước.

Gần đây, ông Chang nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc cũng nên bị cấm như vậy vì “đang có một lượng lớn dân số Trung Quốc không được phép chơi thể thao”, bởi họ đang bị bức hại hoặc giam giữ trong các trại dạy nghề.

“Chúng ta không cần một Thế vận hội như năm 1936 nữa”, ông Chang nói, đề cập đến thời điểm Đức Quốc xã đăng cai Thế vận hội.

“Chúng ta không cần một Thế vận hội Bắc Kinh 2008 nữa vốn là một sự kiện về cơ bản để cổ vũ cho chủ nghĩa toàn trị với những màn thể hiện ghê rợn. Chúng ta không cần lặp lại điều này một lần nữa”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Áp lực buộc Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 gia tăng