Bắc Kinh bị cáo buộc ‘hai mặt’ khi hỗ trợ vaccine cho các tổ chức chống chính phủ Myanmar

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh bị cáo buộc “chơi trò hai mặt” trong quá trình giúp nước láng giềng Myanmar chống lại COVID-19, khi vừa cung cấp vaccine cho chính phủ quân sự Myanmar, vừa cung cấp cho các tổ chức chống chính phủ.

Theo AFP đưa tin hôm 22/9, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đóng vai nhân vật “hai mặt” trong tình hình chính trị hỗn loạn hiện nay ở Myanmar. Họ đã cung cấp gần 13 triệu liều vaccine COVID-19 cho chính phủ quân sự của nước này, đồng thời cũng bí mật chuyển vaccine cho các tổ chức chống chính phủ ở Myanmar.

Vào tháng 2 năm nay, nhà lãnh đạo quân sự Myanmar đã lật đổ chính phủ dân bầu do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo và lên nắm quyền kiểm soát chính quyền. Tuy nhiên, chính phủ quân sự không thể kiểm soát được sự lây lan của COVID-19 và hệ thống y tế nước này đang rơi vào tình trạng khó khăn.

Myanmar có đường biên giới dài 2.000 km với Trung Quốc đại lục. Một số tổ chức chống chính phủ quân sự ở Myanmar nói với AFP rằng, ĐCSTQ đã âm thầm chuyển hàng nghìn liều vaccine, nhân viên y tế và vật liệu xây dựng trung tâm kiểm dịch cho các tổ chức chống chính phủ Myanmar đóng tại biên giới, vì lo ngại dịch bệnh lây lan sang biên giới của họ.

Thượng tá Naw Bu, người phát ngôn của Quân đội Độc lập Kachin (KIA), nói rằng, các nhân viên của Hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ “đôi khi đến giúp chúng tôi ngăn chặn đại dịch COVID-19”.

"Nhưng họ không ở lại đây”, ông Naw Bu nói thêm, "Họ chỉ đến trong một thời gian rồi quay về".

Quân đội Độc lập Kachin là một trong hơn 20 tổ chức chống chính phủ ở Myanmar, với hàng nghìn thành viên và đang kiểm soát vùng núi giàu ngọc bích ở phía bắc Myanmar.

Ông Naw Bu cho biết vào tháng 7 năm nay rằng, khi đợt dịch COVID-19 thứ ba tràn qua Myanmar, KIA đã tiêm chủng vaccine Trung Quốc cho 10.000 người tại trụ sở Laiza của họ.

Ông nói thêm rằng, các nhân viên y tế vận chuyển đến khẩu trang và nước rửa tay khô từ Trung Quốc đại lục.

Người phát ngôn của Đảng Tiến bộ bang Shan nói với AFP rằng, nhóm chống chính phủ này cũng đã tiêm chủng vaccine Trung Quốc cho 1.000 người tại các khu vực họ kiểm soát.

Người phát ngôn nói thêm rằng tổ chức này đã đặt tổng cộng 500.000 liều vaccine từ Trung Quốc.

Chuẩn tướng Tar Phone Kyaw, phát ngôn viên của Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang nói với AFP rằng, “láng giềng tốt” ĐCSTQ hứa sẽ cung cấp vaccine cho tổ chức này.

Ngoài ra, một trung tâm kiểm dịch đang được xây dựng tại thị trấn Muse nằm ở phía bắc bang Shan, Myanmar. Trung tâm này sẽ cung cấp tới 1.000 giường cho các doanh nhân mong muốn nối lại kinh doanh với Trung Quốc.

AFP phát hiện rằng, những công nhân xây dựng ở đây đều mang quốc tịch Myanmar, nhưng vật liệu xây dựng đều do chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cung cấp.

AFP nói rằng, ĐCSTQ không sẵn lòng trả lời trực tiếp câu hỏi có phải họ cung cấp các hỗ trợ chống dịch cho những tổ chức chống chính phủ ở Myanmar hay không. Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói một cách mập mờ rằng, “Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ cho người dân Myanmar theo nhu cầu của họ trong công tác phòng chống dịch”.

ĐCSTQ là đồng minh chính của chính phủ quân sự Myanmar. Sau khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân bầu vào tháng 2, ĐCSTQ luôn từ chối gọi hành động này là một cuộc đảo chính. Cho đến nay, ĐCSTQ đã trực tiếp giao hàng triệu liều vaccine cho chính phủ quân sự Myanmar.

Bài báo của AFP còn cho biết, các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục can thiệp vào các lĩnh vực mà chính phủ Myanmar còn yếu kém. Đồng thời nhân cơ hội này tăng cường ảnh hưởng của họ đối với quốc gia đang hỗn loạn về chính trị này.

Mai Hạ

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh bị cáo buộc ‘hai mặt’ khi hỗ trợ vaccine cho các tổ chức chống chính phủ Myanmar