Bắc Kinh cảnh báo người Ukraine ở Trung Quốc phải 'ngậm miệng lại'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở Đại lục, để đảm bảo tuyên truyền một chiều cho chiến tranh Nga - Ukraine, lực lượng an ninh mạng của Bắc Kinh cấm công dân Ukraine ở đất nước này được lên tiếng, yêu cầu họ phải 'ngậm miệng lại'. Còn ở vùng chiến sự, không hề giống với những gì Bắc Kinh tuyên truyền về bảo vệ an toàn tính mạng cho người Trung Quốc ở Ukraine, sinh mạng người Trung Quốc hoàn toàn bị chính quyền bỏ rơi. Họ thậm chí còn bị đe doạ bởi chính sự hung hăng phách lối của các đồng hương ở quê nhà.

Đã gần một tuần kể từ khi Nga phát động cuộc chiến chớp nhoáng chống lại Ukraine, và các nước trên thế giới đã lên án Nga. Maria Zakharova, Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Nga, gọi Trung Quốc là "bạn tốt của Nga". Theo tin tức, một tài liệu chính thức từ Tổng lãnh sự quán Ukraine tại Thượng Hải tiết lộ rằng quan chức đại lục đã cử cảnh sát yêu cầu những người Ukraine hiện đang sống ở đại lục "ngậm miệng" về cuộc chiến Ukraine-Nga.

Trong nước, cảnh báo người Ukraine ở Đại lục phải 'ngậm miệng'

Đã bảy ngày kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, sau khi phái đoàn Nga-Ukraine kết thúc vòng đàm phán đầu tiên, quân đội Nga đã tăng cường tấn công trên tất cả các mặt trận và tiến hành pháo kích, bắn phá vào thủ đô Kyiv và thành phố lớn thứ hai Kharkiv. Theo báo cáo mới nhất của quân đội Ukraine về tổn thất ngày 1/3/2022, ít nhất 5.710 binh sĩ Nga đã thiệt mạng tính đến 6 giờ sáng ngày hôm đó, nhưng dữ liệu liên quan chưa được Nga xác nhận.

Theo CNN, tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 1/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một lần nữa lên án cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine là vi phạm nhân quyền và chủ nghĩa nhân đạo quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời chỉ trích ĐCSTQ không lên tiếng về sự xâm lược của Nga đối với Ukraine.

Ngay khi các nước trên thế giới lên án Nga và tập trung vào thái độ chính thức của ĐCSTQ, một số cư dân mạng Trung Quốc đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội Twitter rằng sau khi Nga xâm lược Ukraine, một số người Ukraine sống ở Trung Quốc đại lục đã bày tỏ tình đoàn kết với Tổ quốc và lên án hành động xâm lược của Nga. Tuy nhiên, những người Ukraine này lập tức nhận được cảnh báo từ lực lượng an ninh mạng của Trung Quốc, yêu cầu phải 'im lặng'. Trong lúc tuyệt vọng, những người Ukraine ở đại lục đã cầu cứu Đại sứ quán Ukraine tại Trung Quốc nên đã nhận được công văn này "Tổng lãnh sự Ukraine tại Thượng Hải gửi Phòng Ngoại vụ 5 tỉnh và một thành phố liên quan".

Theo tài liệu chính thức được tiết lộ, Tổng lãnh sự Ukraine tại Thượng Hải đã ban hành văn bản chính thức cho các cơ quan đối ngoại của chính quyền các tỉnh Thượng Hải, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, Giang Tây và Phúc Kiến, nêu rõ: “Đại sứ quán Ukraine đã tiếp nhận thông tin từ một số lượng lớn kiều bào. Người dân tố cáo rằng công dân Ukraine đang bị cảnh sát phỏng vấn hoặc nhân danh cảnh sát (cảnh cáo)… ngăn họ bình luận về thái độ gây hấn của Nga, thái độ đối với giới lãnh đạo Nga, v.v. ”

Đại sứ quán Ukraine cho biết họ vô cùng quan ngại và yêu cầu chấm dứt những hành vi như vậy. "Chúng tôi tin rằng những hành vi như vậy không làm gì để bảo vệ trật tự xã hội, chỉ tạo ra gánh nặng tâm lý không cần thiết cho công dân của chúng tôi".

Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hông trả lời yêu cầu từ đại sứ quán Ukraine. Tuy nhiên, đã có những cuộc thảo luận trong người dân, một số người cho rằng đây là tin tức giả mạo, và nhiều người cho rằng ĐCSTQ không phải là không có khả năng làm một việc như vậy.

“Đây thực sự là một sự thật khủng khiếp, Ủy ban Đối ngoại trực thuộc Ủy ban Đối ngoại Trung ương, điều này cho thấy ĐCSTQ đang sử dụng các biện pháp bạo lực để uy hiếp và đe dọa sự an toàn cá nhân của Hoa kiều”, một người bình luận.

Phép thuật, sau chặn miệng người Trung Quốc thì cũng chặn nước ngoài". "Tất cả những người ký tên ủng hộ việc Ukraine phản công Nga đều đã được cảnh sát Trung Quốc phỏng vấn".

Ở Ukraine, Bắc Kinh bỏ mặc sinh viên Trung Quốc

Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà người dân tin rằng ĐCSTQ sẽ đưa ra lời cảnh báo đối với người Ukraine ở đại lục. Họ cần đảm bảo tạo dư luận ủng hộ Nga trong cuộc chiến này nên mọi thông tin trái chiều đều không được chào đón.

Bản thân người Trung Quốc ở Ukraine cũng không hề được chính phủ sơ tán như Bắc Kinh quảng cáo. Những người này, không thể làm mất hình ảnh, mặt mũi của Bắc Kinh, họ cũng phải im lặng.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine tuyên bố vào tối 28/2 rằng đã "tổ chức" sơ tán đợt đầu tiên cho 400 du học sinh Trung Quốc đang ở thành phố Odessa; cùng ngày có hơn 200 du học sinh khác cũng được sơ tán khỏi thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, số lượng người được di tản do chính quyền thông báo đã ngay lập tức vấp phải sự hoài nghi của Hoa kiều Ukraine.

Theo The Epoch Times, vào ngày 1/3, trong một nhóm WeChat do người Trung Quốc thành lập ở Ukraine, một người Trung Quốc vẫn đang tìm cách thoát khỏi Ukraine đã chất vấn rằng: "Tôi xem thông báo mới biết rằng chính quyền nói có 400 người đã được sơ tán, nhưng thực tế là (chỉ có) 83 người, bởi vì tôi có quen 3, 4 người trong đó (nhóm người được sơ tán)".

Một người khác cũng nghi ngờ rằng: "Chính quyền tính cả số người do chúng ta tự tổ chức di tản phải không?".

Cũng có nhiều người chỉ trích việc nhà chức trách Trung Quốc tung tin giả về việc sơ tán Hoa kiều. Những thông tin này khiến nhiều người ở Trung Quốc lầm tưởng rằng công dân Trung Quốc ở Ukraine đã được đưa về nước.

Ông Đinh Kiến Vĩ (Ding Jianwei), Tham tán báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine, cho biết vào ngày 28/2 rằng, gần 1.000 công dân Trung Quốc sẽ được sơ tán khỏi Ukraine vào ngày 1/3, bao gồm "sinh viên và Hoa kiều tự di tản". Phát ngôn này của ông Đinh chứng minh rằng, các quan chức đã gộp cả số Hoa kiều Ukraine tự sơ tán vào và coi như công lao của chính mình.

Một du học sinh khác cho biết, một bạn học của họ nhận được thông báo từ Đại sứ quán yêu cầu đến tập trung trước Tòa nhà Đại học Đỏ ở Kiev, nhưng nhiều người khác lại không được thông báo: “Chúng tôi không hiểu, tại sao việc sơ tán không được thông báo cho tất cả mà chỉ có một số người nhận được thông báo". " Bây giờ tôi cảm thấy quá là thất vọng. Một số người trong nhóm (WeChat) nói rằng cần phải hiểu cho tổ quốc, nhưng tôi không thể hiểu được, tôi không muốn trở thành con số đó (con số thương vong)".

Theo thông tin do Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine công bố, có hơn 6.000 Hoa kiều đã đăng ký sơ tán. Nhưng một Hoa kiều nói thẳng trong nhóm WeChat rằng: "Đại sứ quán hiện chỉ ở trạng thái đăng ký, không có bất kỳ máy bay nào được thuê bao nguyên chuyến để di tản Hoa kiều, vì vậy tất cả các máy bay mà mọi người thấy trên Internet [nói rằng] đã trở về Trung Quốc hoặc sắp trở về Trung Quốc đều là tin đồn".

Ngày 1/3 cũng xôn xao chuyện một nữ sinh khóc lóc cầu cứu đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine. Nữ sinh tiết lộ đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine không giúp gì cả. Các du học sinh Trung Quốc hoàn toàn phải tự thân vận động; "đất nước chúng ta đang ở đâu?", nữ sinh đặt câu hỏi. Cuối cùng nữ sinh nói: “Tôi thực sự sắp gục ngã”. Nhân viên đại sứ quán Trung Quốc nói chuyện với nữ sinh cũng chỉ lạnh nhạt đáp lại, hiện tại thật sự không có cách nào làm được.

Không chỉ vậy, sau khi đoạn hội thoại này bị phanh phui, nữ sinh này đã bị cư dân mạng đại lục chỉ trích, cáo buộc cô gây ra hỗn loạn cho đất nước. Nữ sinh sau đó đăng tải rằng cuối cùng cô đã đến ga tàu theo lời khuyên của một người bản xứ Kyiv và hiện đang ở khách sạn.

Ngoài ra, một sinh viên Trung Quốc ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cũng gửi tin nhắn cầu cứu, nói rằng sinh viên ở Kharkiv thực sự rất nguy hiểm.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh cảnh báo người Ukraine ở Trung Quốc phải 'ngậm miệng lại'