Bắc Kinh coi Lãnh sự quán Hoa Kỳ là ‘Lực lượng thù địch’ và ra lệnh giám sát các chính khách Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chức Trung Quốc coi Lãnh sự quán Hoa Kỳ là “thế lực thù địch” đã và đang tiến hành các hoạt động “xâm nhập và phá hoại” trên đất nước Trung Quốc và đã ra lệnh giám sát các nhà ngoại giao chủ chốt của Hoa Kỳ, theo một tài liệu bị rò rỉ do The Epoch Times nắm giữ.

Vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung ở mức rất thấp trong lịch sử, tài liệu từ thành phố Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông ở vùng Đông Nam Trung Quốc đã cung cấp một cái nhìn sơ lược quý giá về cách chính quyền Trung Quốc đối xử với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.

Trong một “kế hoạch làm việc” dài bốn trang vào tháng 4/2018, Sở ngoại vụ Lôi Châu đã mô tả “các lãnh sự quán Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác tại Trung Quốc” là những mục tiêu chính có thể đe dọa sự ổn định chính trị và xã hội của khu vực.

Sở ngoại vụ nói với nhân viên của mình rằng: Tất cả các phòng ban và đơn vị trong văn phòng Sở ngoại vụ phải làm việc để chống lại những ảnh hưởng đó, bằng cách “ngăn chặn triệt để việc [lãnh sự quán] thiết lập mối liên hệ với các nhân vật chính trị quan trọng của [Trung Quốc], các luật sư nổi tiếng, 'giới trí thức về lĩnh vực văn hóa xã hội', 'luật sư bảo vệ nhân quyền' và các nhóm lợi ích đặc biệt”..

Mục tiêu của cơ quan này là "phá vỡ tất cả các mối đe dọa và mạng lưới" và triệt tiêu những nỗ lực như vậy, tài liệu nêu rõ.

Một cảnh sát đứng gác trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, Tứ Xuyên vùng Tây Nam Trung Quốc, vào ngày 26/7/ 2020. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)
Một cảnh sát đứng gác trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, Tứ Xuyên vùng tây nam Trung Quốc, vào ngày 26/7/ 2020. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Phương pháp

Để giải quyết những gì được coi là mối đe dọa, Sở ngoại vụ đã vạch ra một kế hoạch bốn bước với các biện pháp như theo dõi “các hoạt động xâm nhập” do các lãnh sự quán nước ngoài tổ chức tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông và “sử dụng mọi nỗ lực” — bao gồm cả “nhắc nhở, cảnh báo, và cưỡng ép ở mức độ nhẹ”—để ngăn cản những cá nhân nói trên tham dự các sự kiện do lãnh sự quán tổ chức.

Nhân viên của Sở ngoại vụ có trách nhiệm theo dõi các tổ chức và cá nhân có “quan hệ chặt chẽ” với các lãnh sự quán nước ngoài và thu thập bất kỳ thông tin liên quan nào, chẳng hạn như lý lịch và bất kỳ thay đổi nào trong “tài khoản tài sản” của họ, để có thể cắt đứt mọi “sự lôi kéo tài chính” từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ .

Văn phòng Sở ngoại vụ cũng đặt kế hoạch thiết lập một cơ sở dữ liệu về các nhà ngoại giao “chủ chốt” ở Trung Quốc và sử dụng dữ liệu lớn (big data) để truy tìm tung tích của họ. "Đó là một biện pháp đối phó chống lại sự xâm nhập và lật đổ đang diễn ra", tài liệu nêu rõ.

Sở ngoại vụ cảnh báo các nhân viên phải có "chiến lược" để cân bằng giữa "ngăn chặn và kiểm soát" với "hợp tác và lợi dụng".

Vì tỉnh Quảng Đông giáp với Hong Kong, Sở ngoại vụ dành một phần riêng biệt để nêu chi tiết các cách thức giúp nhân viên đề phòng trước mọi “ô nhiễm” từ “lực lượng đối lập”. "Các phần tử ủng hộ độc lập" có thể cố gắng "xâm nhập" bằng cách tham gia các chương trình trao đổi văn hóa và cũng có thể mời các học giả Trung Quốc đến Hong Kong để chuyển đổi họ thành "đặc vụ trong nước", tài liệu cảnh báo.

Từng là thuộc địa của Anh, Hong Kong được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, trở thành đặc khu hành chính và được hưởng mức độ tự trị cao. Hồi tháng Bảy, chính quyền Trung Quốc ban hành đạo luật an ninh quốc gia sâu rộng và đã tước bỏ quyền tự trị của Hong Kong. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường xuyên mô tả các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, những người dám lên tiếng về việc Bắc Kinh xâm phạm các vấn đề của đặc khu, là những người ly khai và cáo buộc họ hậu thuẫn Hong Kong ly khai khỏi Trung Quốc đại lục.

Tài liệu nhấn mạnh rằng trong trường hợp các lực lượng đối lập này “thực sự cần tiến vào” Quảng Đông, thì cần phải giám sát họ nghiêm ngặt và truy tố nếu họ có bất kỳ hành vi đáng ngờ nào. Tài liệu cũng đề cập đến kế hoạch hợp tác với các cơ quan chính phủ cấp cao hơn có liên quan ở Hong Kong, chẳng hạn như cung cấp thông tin tình báo, để loại bỏ bất kỳ “ảnh hưởng tiêu cực” nào của Hong Kong đối với Quảng Đông.

Phần kết của tài liệu tuyên bố rằng công việc "chống xâm nhập" sẽ được đưa vào chương trình nghị sự thường nhật Văn phòng Sở ngoại vụ đã thành lập một “nhóm lãnh đạo” bao gồm các quan chức hàng đầu như giám đốc, để đảm nhận nhiệm vụ này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa trả lời ngay yêu cầu về tài liệu bị rò rỉ.

Trao đổi học thuật bị gián đoạn

Vì tài liệu này chủ yếu tập trung vào tỉnh Quảng Đông, nên vẫn chưa rõ liệu các thành phố khác của Trung Quốc có ban hành lệnh tương tự hay không.

Một tài liệu nội bộ riêng biệt năm 2016 cho thấy chính quyền Trung Quốc có quyền giám sát cách thức cơ sở học thuật địa phương tương tác với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.

Trong một cuộc họp vào tháng 8/2016 với các quan chức hàng đầu ở tỉnh Cát Lâm thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc, khi đó Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Max Baucus đưa ra quan ngại về việc lãnh sự quán Hoa Kỳ bị hạn chế khả năng tiếp cận với nhiều trường đại học Trung Quốc. Ông đã viện dẫn nhiều cuộc họp đã lên lịch với các quan chức lãnh sự Hoa Kỳ ở thành phố Thẩm Dương gần đó bỗng nhiên bị hủy đột ngột, theo biên bản cuộc họp chính phủ mà The Epoch Times có được.

Wang Zhiwei, khi đó là giám đốc Sở ngoại vụ Cát Lâm, nói rằng lý do hội nghị bị hủy là do tất cả sinh viên đều đang nghỉ hè nên sẽ không thể tham dự. Còn Jiang Chaoliang, Chủ tịch tỉnh Cát Lâm, lại cho biết rằng bất kỳ hoạt động nào mà “không đe dọa cho nền an ninh quốc gia của Trung Quốc” và “truyền bá năng lượng tích cực đều sẽ được phép tiến hành”.

“Tôi muốn nói rõ rằng các chuyến đi thăm trường đại học của chúng tôi sẽ không gây bất kể vấn đề gì, cũng như không có hoạt động lật đổ nào”, ông Baucus đã nói với ông Jiang trong cuộc họp. Sau đó, ông yêu cầu ông Jiang "thúc giục các tổ chức không từ chối tương tác với chúng tôi".

Kêu gọi mối quan hệ công bằng

Hoa Kỳ đã chỉ trích các tương tác ngoại giao với ĐCSTQ là thiếu công bằng.

Ngày 10/9, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã phê phán Bắc Kinh là "đạo đức giả" sau khi Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc từ chối đăng bài xã luận của Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad. Ông Pompeo coi lý luận của Ban biên tập tờ báo ĐCSTQ là “một lời than thở”.

“Phản ứng của tờ Nhân dân Nhật báo một lần nữa phơi bày nỗi sợ hãi của ĐCSTQ về quyền tự do ngôn luận và sự tranh luận nghiêm túc của giới trí thức — cũng như cho thấy bản chất giả tạo của Bắc Kinh khi họ phàn nàn về sự thiếu công bằng trong mối quan hệ với các nước khác”, ông Pompeo nói trong một tuyên bố.

Một công nhân cố gắng gỡ bỏ phù hiệu trên tường của Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, vào ngày 26/7/2020. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)
Một công nhân cố gắng gỡ bỏ phù hiệu trên tường của Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, vào ngày 26/7/2020. (Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Kể từ tháng Bảy, hai nước đã áp đặt các hạn chế ngoại giao sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, tiểu bang Texas vì có quan ngại liên quan đến gián điệp Trung Quốc. Để trả đũa, Bắc Kinh đã đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên.

Ngày 2/9, Ngoại trưởng Pompeo thông báo rằng các chính khách cấp cao của Trung Quốc có kế hoạch đến thăm các trường đại học của Hoa Kỳ và gặp gỡ các quan chức địa phương sẽ phải xin phép.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là yêu cầu mối quan hệ tương tác có đi có lại. Các chính khách Hoa Kỳ tại Trung Quốc được đối đãi thế nào thì các chính khách Trung Quốc được đối xử như vậy”, ông Pompeo cho biết trong một cuộc họp báo ngày 2/9.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng bằng cách áp dụng các hạn chế đối với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh và các lãnh sự quán trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hong Kong.

 

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh coi Lãnh sự quán Hoa Kỳ là ‘Lực lượng thù địch’ và ra lệnh giám sát các chính khách Hoa Kỳ