Bắc Kinh đe dọa tự do báo chí Nepal sau một bài báo chỉ trích phản ứng của Trung Quốc đối với dịch COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, đại sứ quán Trung Quốc tại Nepal đã đưa ra tuyên bố đả kích một tờ báo địa phương tại nước này, đồng thời ngầm đe dọa tờ báo và vị tổng biên tập. Nguyên nhân vì tờ này đã đăng lại một bài viết nêu ý kiến chỉ trích phản ứng của Trung Quốc đối với dịch Coronavirus mới.

Chính quyền Bắc Kinh dường như không chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích nào về phản ứng của họ đối với sự bùng phát dịch Coronavirus mới. Tuyên bố mới đây của Trung Quốc đối với kênh truyền thông Nepal đã làm dấy lên sự lên án rộng rãi trên khắp đất nước Nam Á này.

Vào ngày 18 tháng 2, tờ The Kathmandu Post của Nepal đã đăng lại một bài viết từ tờ Chicago Tribune có tiêu đề “Việc giữ bí mật của Trung Quốc đã khiến đại dịch Coronavirus trở nên tồi tệ hơn”. Bài báo trên được viết do ông Ivo Daalder, chủ tịch Hội đồng toàn cầu Chicago và cũng là cựu đại sứ Mỹ tại NATO.

Ông Daalder viết: “Chúng ta sẽ không bao giờ biết rằng liệu sự lây lan của virus mới có thể được ngăn chặn bằng hành động phối hợp trước đó hay không. Nhưng thực tế là Trung Quốc đã chọn cách giữ bí mật mọi việc và không hành động, họ đã biến nguy cơ dịch bệnh này thành hiện thực”.

Ông Daalder cũng chỉ ra việc các nhà chức trách Trung Quốc thẳng tay đàn áp đối với bất kỳ cảnh báo y tế nào trên mạng xã hội Trung Quốc. Đặc biệt là trong vụ việc bác sĩ Lý Văn Lượng, “người thổi còi” cảnh báo đầu tiên cho dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã bị “làm cho yên lặng”.

Vào ngày 30 tháng 12 năm ngoái, bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, cũng là một trong tám “người thổi còi” đầu tiên công khai thông tin về sự bùng phát của bệnh viêm phổi “lạ” trên mạng xã hội Trung Quốc. Bốn ngày sau, bác sĩ Lý bị triệu tập đến đồn cảnh sát địa phương, và bị khiển trách vì đã “tung tin đồn nhảm nhí”.

Sau đó, bác sĩ Lý đã bị nhiễm virus khi điều trị cho một bệnh nhân. Anh đã chết vì bệnh Coronavirus Vũ Hán vào sáng ngày 7/2.

Ông Daalder nhấn mạnh rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã rất chần chừ trong việc thừa nhận tính nghiêm trọng của dịch bệnh ở Trung Quốc trong nhiều tuần. Ngoài ra, từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến gần đây, chính quyền nước này cũng không cho phép bất kỳ nhóm điều tra nào của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt chân đến Trung Quốc.

“Hệ thống chính trị độc tài đó đã không làm tốt khi đối mặt với những khủng hoảng bất ngờ, đặc biệt là đối với những bệnh như bệnh truyền nhiễm đòi hỏi phải có phản ứng nhanh tại vùng sở tại”, ông Daalder nói về hệ thống chính trị Trung Quốc.

Tờ The Kathmandu Post của Nepal đã đăng lại bài viết của báo Chicago Tribune kèm theo một bức tranh nghệ thuật mô tả cảnh “cựu độc tài cộng sản” Mao Trạch Đông đeo mặt nạ trên tờ tiền 100 Nhân dân tệ. Trong khi tờ báo Hàn Quốc The Korea Herald cũng đã đăng lại một bài báo có nội dung tương tự vào ngày 17/2.

Phản ứng cực đoan từ Đại sứ quán Trung Quốc

Ngay sau khi bài báo được công bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nepal đã đưa ra tuyên bố rằng tờ The Kathmandu Post đã cố tình bôi nhọ những nỗ lực của người dân và chính phủ Trung Quốc trong việc chống lại Coronavirus mới, thậm chí còn cho là tờ báo Nepal đang “tấn công mạnh mẽ” vào hệ thống chính trị Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Tổng biên tập của tờ The Kathmandu Post, ông Anup Kaphle, khi cho rằng ông Kaphle luôn “thiên” về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, và trở thành “con vẹt của một số lực lượng chống Trung Quốc”.

Trong một cảnh báo đe dọa ngầm, đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố rằng họ “có quyền tiếp tục hành động” chống lại tờ báo và ông Kaphle.

Vào ngày hôm sau, 17 biên tập viên của tờ The Kathmandu Post đã đưa ra một tuyên bố chung, nói rằng họ lên án “sự miệt thị và đe dọa được đưa ra bằng cách sẵn sàng kể tên cụ thể bất kỳ biên tập viên nào”.

Trong tuyên bố chung, các biên tập viên báo Nepal nói rằng: “Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở đại sứ quán Trung Quốc là họ đã vi phạm chuẩn mực ngoại giao khi làm như vậy. Hiến pháp Nepal bảo đảm hoàn toàn tự do báo chí, và chúng tôi cam kết thực hiện và bảo vệ điều đó”.

Freedom Forum, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Nepal, cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng những gì Đại sứ quán Trung Quốc đã tuyên bố là không thể chấp nhận được và Trung Quốc đang “chống lại việc đề cập đến tự do báo chí”.

Bà Hou Yanqi, đại sứ Trung Quốc tại Nepal, người đã chuyển lại lời đe dọa của Đại sứ quán Trung Quốc, cũng nhận phải nhiều lời chỉ trích. Ngoài ra, nhiều lời chỉ trích dành cho phản ứng cực đoan mà phía Trung Quốc đối với Nepal, trong đó có cả ông Vijay Kant Lal Karna, cựu Đại sứ Nepal tại Đan Mạch.

Cựu đại sứ Karna nói: “Đại sứ quán của các vị đã vượt qua giới hạn ngoại giao. Điều này là không được chấp nhận ở đất nước này. Công ước Viên (một thỏa thuận quốc tế điều chỉnh các điều ước quốc tế giữa các quốc gia) không cho phép các vị đe dọa truyền thông và ngài tổng biên tập”.

Bên cạnh đó, ông Dinesh Bhattarai, cựu đại diện thường trực của Nepal ở Liên Hợp Quốc tại Geneva, nói với tờ The Kathmandu Post rằng việc “đăng lại một bài báo là đủ điều kiện để không ‘nhái lại’ bất kỳ quan điểm nào”.

Trong một bài xã luận được đăng vào ngày 19 tháng 2, tờ The Kathmandu Post nói rằng tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc thiên về tờ báo nhiều hơn là thiên về ngài tổng biên tập.

Những chỉ trích của Trung Quốc có liên quan đến viện trợ nước ngoài mà Trung Quốc dành cho đất nước Nam Á này. Viện trợ với “chuỗi điều kiện kèm theo”.

Ban biên tập tờ The Kathmandu Post tuyên bố: “Lời quở trách này nhắm vào việc nhắc nhở chúng ta không được ‘qua cầu rút ván’ với Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc đang thử xem liệu người dân và xã hội Nepal có dung thứ cho sự tấn công vào các giá trị mà Nepal đang cố giữ ở mức bất khả xâm phạm hay không”.

Ngoài ra, sự nhẫn nại kém cỏi của chính quyền Bắc Kinh đối với những lời chỉ trích về dịch Coronavirus mới cũng có thể được nhìn thấy rõ trong một vụ việc xảy ra gần đây.

Vào ngày 19 tháng 2, Trung Quốc đã trục xuất ba phóng viên của tờ Wall Street Journal vì đã đăng một mục tin báo vào ngày 3 tháng 2, với tiêu đề “Trung Quốc thực sự là con bệnh của châu Á” (China Is the Real Sick Man of Asia).

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng bài báo có tiêu đề phân biệt chủng tộc và làm mất uy tín của chính quyền Trung Quốc.

Trong khi bài báo của tờ Wall Street Journal mong muốn đặt ra câu hỏi rằng liệu các nhà chức trách Trung Quốc có phải là những người vẫn đang cố gắng che giấu quy mô thực sự của vụ dịch Coronavirus hay không.

Thiên Hoa
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh đe dọa tự do báo chí Nepal sau một bài báo chỉ trích phản ứng của Trung Quốc đối với dịch COVID-19