Bắc Kinh lại một lần nữa đổ lỗi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán xuất phát từ "virus châu Âu"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Bắc Kinh lại bùng phát trở lại, và tuyên bố của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là 'sáng nắng chiều mưa, một ngày thay đổi ba lần'. Đầu tiên, họ nói virus có liên quan đến cá hồi nhập khẩu, với mục đích đẩy ra ngoài để "bác bỏ những tin đồn". Sau khi tuyên bố virus có thể xuất xứ từ châu Âu, lại tiếp tục nói rằng chủng virus này không nhất thiết đến từ châu Âu. Vài ngày trước, chính quyền Bắc Kinh lại tuyên bố rằng “chủng virus này đã sớm xuất hiện ở châu Âu".

Vào tối ngày 18/6 giờ Bắc Kinh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đã công bố có ba chủng virus mới xuất hiện ở Bắc Kinh vào tháng 6. Trước đó một ngày, nhân viên CDC đã vào khu chợ Tân Phát Địa ba lần để lấy mẫu.

Vào ngày 19/6, Lưu Quân (Liu Jun), trợ lý giám đốc Trung tâm bệnh virus thuộc CDC Trung Quốc, cho biết virus mới này "đến từ châu Âu", nhưng "có một sự khác biệt nhất định với virus hiện đang lưu hành ở châu Âu".

ĐCSTQ tuyên bố dịch bệnh lần này đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, nhưng từ tình hình thực tế có thể thấy tuyên bố này rất đáng để nghi ngờ. Trong những ngày đầu xuất hiện đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các học giả Trung Quốc đã công bố dữ liệu trình tự bộ gen virus, nhưng tất cả những công bố này đều bị chính quyền Bắc Kinh đình chỉ vào tháng Hai. Sau đó, phía Trung Quốc đã làm gián đoạn việc chia sẻ trình tự gen virus ra cộng đồng quốc tế một thời gian dài.

Các chuyên gia của ĐCSTQ cho biết loại virus lần này hoành hành ở Bắc Kinh "già" hơn virus ở châu Âu hiện tại, nhưng không cho biết rút cuộc nó đã "già" bao lâu thời gian. Cư dân mạng chế giễu rằng những virus đầu tiên ở châu Âu được truyền từ Vũ Hán; nếu virus Corona ở Bắc Kinh "già" hơn ở châu Âu, thì tốt hơn nên nói rằng nó là đến từ Vũ Hán.

Khi đợt bùng phát lần này xảy ra ở Bắc Kinh, các chuyên gia của ĐCSTQ tuyên bố rằng chủng virus này giống như "virus của châu Âu", nhưng sau đó lại nói "Mặc dù là virus của châu Âu, nhưng dịch bệnh không nhất thiết đến từ các nước châu Âu". Dư luận đã phân tích rằng ĐCSTQ có ý đồ đổ thừa cho châu Âu, nhưng lo lắng 'đắc tội' với châu Âu, nên là do dự. Trước đó, ĐCSTQ đã liên tiếp đổ nguồn gốc virus cho cho Hoa Kỳ, Ý và Pháp, kết quả dẫn đến sự phản ứng dữ dội trong cộng đồng quốc tế.

Sau khi ĐCSTQ khẳng định "virus Corona Vũ Hán là một loại virus đã sớm xuất hiện ở châu Âu", một số cư dân mạng đã "vỗ tay" nói: Cuối cùng cũng đổ được trách nhiệm lên đầu kẻ khác để tránh mình bị đánh. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào mà virus ban đầu ở châu Âu có thể "xuyên qua thời không", và sau vài tháng mới bùng phát ở Bắc Kinh?

Về vấn đề này, ông Lưu Quân giải thích rằng: Có "một số khả năng xảy ra". Một là trong quá trình lưu trữ và vận chuyển từ nước ngoài đến Trung Quốc, virus đã xâm nhập vào trong thực phẩm đông lạnh trong một thời gian dài, do đó không có đột biến. Một khả năng khác là nó đã ẩn nấp trong môi trường khu chợ Tân Phát Địa trong một thời gian dài và không có người nhiễm bệnh, do đó tốc độ đột biến chậm chạp.

Theo lý thuyết y học thông thường, virus Corona Vũ Hán cần xâm nhập vào các mô tế bào của người hoặc động vật có vú khác để sống sót, và sẽ chết ngay sau khi rời khỏi cơ thể người hoặc động vật. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus Corona Vũ Hán có thể tồn tại trong 2 đến 3 ngày trên bề mặt nhựa hoặc thép không gỉ và có thể tồn tại lâu hơn trong môi trường ẩm ướt và lạnh. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định liệu nó có thể tồn tại trong tủ đông trong vài tháng hay không.

Do đó, lập luận nêu trên của ĐCSTQ có đúng hay không vẫn cần thêm bằng chứng để chứng minh. Tuy nhiên, tin chắc rằng sẽ không ai nghiêm túc nghiệm chứng, bởi vì ý kiến ​​của các chuyên gia ĐCSTQ 'một ngày thay đổi ba lần', các nhà khoa học quốc tế không thể theo kịp tốc độ “lật lọng và trở mặt” của chính quyền này.

Khi làn sóng dịch bệnh tái bùng phát vào đầu tháng 6, các quan chức Bắc Kinh tuyên bố rằng 40 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính đã được tìm thấy ở khu chợ Tân Phát Địa. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông trực thuộc ĐCSTQ chỉ tập trung khai thác tin tức xoay quanh những cái "thớt cá hồi nhập khẩu". Nhiều cư dân mạng đã lên tiếng chỉ trích và "kêu oan" cho những con cá hồi vô tội. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng virus Corona Vũ Hán ở người không có khả năng lây nhiễm sang cho cá.

Ngoài ra, việc ĐCSTQ 'vu oan giá hoạ' cho cá hồi nhập khẩu từ Na Uy cũng gây ra các cuộc biểu tình tại quốc gia Bắc Âu này, vốn là nhà xuất khẩu cá hồi chính trên thế giới. Vào ngày 16/6, các quan chức Na Uy đã có cuộc gặp gỡ đặc biệt với các quan chức của ĐCSTQ. Hai bên kết luận rằng cá hồi không phải là nguồn khiến virus Corona Vũ Hán lây lan ở Bắc Kinh. Tối hôm đó, Thi Quốc Khánh (Shi Guoqing), phó giám đốc Trung tâm cấp cứu của CDC Trung Quốc tuyên bố rằng hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy cá hồi là cá thể mang mầm bệnh hoặc trung gian gây lây nhiễm virus Corona Vũ Hán.

Sau đó, các quan chức Na Uy yêu cầu Trung Quốc khôi phục việc nhập khẩu cá hồi trở lại bình thường. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn tiếp tục tuyên truyền và công khai đổ thừa nguyên nhân virus Corona Vũ Hán lây lan ở Bắc Kinh là do cá hồi nhập khẩu từ Na Uy, vì vậy để khôi phục hoàn toàn việc nhập khẩu cá hồi hiển nhiên vẫn cần thời gian.

Ngay sau khi CDC đi tới khu chợ Tân Phát Địa để lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 17/6, một nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn tiếp tục công khai mẫu "tăm bông từ miệng cá hồi" có kết quả thử nghiệm dương tính. Một quan chức khác nói rằng nhiều mẫu ở khu chợ này, "gồm vỏ cá và vỏ tôm, nước nuôi cá và các sản phẩm đông lạnh trong tủ lạnh" đã có kết quả xét nghiệm dương tính.

Mặc dù các quan chức này nhiều lần lật ngược nhấn mạnh rằng "không chắc chắn nguồn lây nhiễm từ vật phẩm hay con người", nhưng việc cung cấp "bằng chứng" thiếu khách quan đã phơi bày ý đồ đánh lạc hướng dư luận của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Loại định hướng này cũng được phản ánh trong cái gọi là "Hướng dẫn về sức khỏe"từ Cơ quan Chăm sóc Y tế của ĐCSTQ. Trong đó có các lời khuyên như không tiêu thụ thực phẩm mua ở chợ Tân Phát Địa, không ăn hải sản sống, hay thậm chí có cả 'tình tiết giật gân' như: không sử dụng vòi nước để rửa trực tiếp các sản phẩm thịt sống nhằm tránh trường hợp bị lây nhiễm bệnh khi virus “bị văng ra" trong quá trình rửa.

Lý Tịnh
Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh lại một lần nữa đổ lỗi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán xuất phát từ "virus châu Âu"