Bắc Kinh thông báo lịch họp chính trị mới, có thể là để hoàn thiện luật an ninh quốc gia tại Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một ngày sau khi đưa ra những thông tin chi tiết hơn về Luật an ninh quốc gia mới (ANQG) đối với Hong Kong, Trung Quốc tuyên bố sẽ tổ chức thêm một cuộc họp trong 3 ngày vào cuối tháng Sáu.

Theo tin tức ngày 21/6 từ truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, ngày 28/6 tới đây, tại thủ đô Bắc Kinh sẽ bắt đầu cuộc họp trong ba ngày của Ủy ban Thường trực của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC). Theo chương trình nghị sự, Ủy ban sẽ thảo luận về dự thảo luật sáng chế và luật kiểm soát xuất khẩu.

Mặc dù luật ANQG Hong Kong hiện không nằm trong chương trình nghị sự, nhưng các nhà quan sát ở Hong Kong suy đoán rằng Ủy ban Thường vụ NPC sẽ chính thức phê duyệt dự luật này tại cuộc họp sắp tới.

Ngày 28/5, NPC đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu hình thức, để thông qua luật ANQG tại Hong Kong nhằm chế tài hình sự đối với các hoạt động liên quan đến âm mưu lật đổ chính quyền, ly khai, khủng bố và can thiệp từ nước ngoài vào đặc khu hành chính này.

Thông tin chi tiết hơn về dự luật đã được công bố vào tối thứ Bảy (20/6), sau khi kết thúc cuộc họp 3 ngày của Ủy ban Thường vụ NPC. Luật này sẽ trao cho Trưởng đặc khu Hong Kong quyền bổ nhiệm các thẩm phán trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia của Trung Quốc. Kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Trưởng đặc khu này thường là một chính trị gia thân Bắc Kinh.

Ngoài ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ thành lập một văn phòng ANQG tại Hong Kong. Văn phòng này sẽ phối hợp với cơ quan hành pháp và tư pháp của thành phố để thu thập thông tin tình báo về các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia. Luật an ninh quốc gia sẽ có hiệu lực thay thế luật pháp địa phương trong bất kỳ lĩnh vực nào có sự mâu thuẫn giữa 2 bộ luật.

Ủy ban NPC cho biết, Hong Kong sẽ có quyền tài phán đối với hầu hết các vụ án, ngoại trừ trong các “trường hợp cụ thể”, Bắc Kinh có thể có quyền tài phán đối với “một số rất ít” các vụ án về an ninh quốc gia.

Tối ngày 20/6, Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã đăng bài viết trên trang Facebook của mình để hoan nghênh việc Ủy ban Thường vụ NPC thúc đẩy dự luật ANQG, và nói rằng chính quyền của bà sẽ “hỗ trợ đầy đủ cho các phần việc lập pháp liên quan”. Bà nói thêm rằng, “Hong Kong sẽ không phải là cầu nối cho các thế lực bên ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia [của Trung Quốc]”.

Dù bà Lâm không nêu tên các quốc gia cụ thể khi nhắc đến “các thế lực bên ngoài”, truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã sử dụng cách nói ám chỉ tương tự để lên án các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của Hong Kong là các cuộc bạo động do phương Tây hậu thuẫn.

Ví dụ, một bài xã luận phát hành trên tờ Hoàn Cầu Thời báo trực thuộc ĐCSTQ hôm 21/6 đã thúc đẩy luận điệu tuyên truyền rằng, các chính phủ phương Tây đang “biến Hong Kong thành đầu cầu [kết nối với] Washington, để gây nguy hiểm cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bài xã luận nói thêm rằng luật ANQG sẽ “khắc phục các lỗ hổng an ninh quốc gia” tại Hong Kong.

Sau khi Bắc Kinh công bố thêm thông tin chi tiết về dự luật này, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Scott đã bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với người dân Hong Kong trên Twitter .

Ông Scott viết: “ĐCSTQ vẫn đang tiếp tục sứ mệnh hủy diệt quyền con người và quyền tự trị ở #HongKong. Kế hoạch bóp nghẹt và đe dọa những người dám đấu tranh cho các quyền cơ bản của mình của ĐCSTQ đã [được phơi bày] rõ ràng”.

Tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch của Anh cũng phản ứng trên Twitter rằng họ “đặc biệt quan ngại vì khi có mâu thuẫn giữa luật mới và Luật cơ bản, thì luật [mới] này sẽ được áp dụng”.

Tổ chức này cho biết: “Điều luật này về cơ bản đã hủy hoại chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và vi phạm thỏa thuận bàn giao [ Trung-Anh]. Các chi tiết mới công bố càng tạo thêm đe dọa đối với vấn đề nhân quyền [tại Hong Kong]”.

Trong 1 tweet, ông Benedict Rogers - người đồng sáng lập và là chủ tịch của Hong Kong Watch, đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế “mạnh mẽ chỉ trích ĐCSTQ, với áp lực tối đa”.

Các chi tiết mới về dự luật này cũng thu hút sự quan tâm rộng rãi từ các nhà hoạt động địa phương và các nhà lập pháp dân chủ.

Nhà lập pháp Claudia Mo đã bày tỏ trên Twitter về mối quan ngại của bà đối với cách dùng từ mơ hồ trong bản thảo dự luật, khi nhắc đến quyền tài phán, cũng như khả năng người dân Hong Kong có thể bị xét xử theo hệ thống pháp luật của Trung Quốc Đại lục. Bà viết “#ChinaExtradition phần 2”, để ám chỉ rằng dự luật ANQG này cũng tương tự như dự luật dẫn độ gây tranh cãi trước đó.

Một phong trào phản đối rầm rộ bùng nổ vào tháng 6/2019 để chống lại sự can thiệp của ĐCSTQ tại Hong Kong. Hàng triệu người đã xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ (hiện đã bị loại bỏ hoàn toàn).

Dự luật dẫn độ đã khiến người dân Hong Kong phẫn nộ và lo sợ rằng nó sẽ phá hủy nền tư pháp độc lập của đặc khu này, do hệ thống pháp lý của Trung Quốc là để phục vụ lợi ích và mục đích của ĐCSTQ. Dự luật này khiến cho người dân Hong Kong và những thực thể ở Hong Kong có thể bị dẫn độ về Trung Quốc để xét xử tại hệ thống tòa án Trung Quốc vốn khét tiếng là không coi trọng luật pháp.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh thông báo lịch họp chính trị mới, có thể là để hoàn thiện luật an ninh quốc gia tại Hong Kong