Người dân Bắc Kinh đổ xô tích trữ thực phẩm trước nguy cơ phong tỏa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau lệnh xét nghiệm hàng loạt, nhiều người dân Bắc Kinh đổ xô đến siêu thị, xếp hàng dài để tích trữ thực phẩm. Họ lo sợ phải đối mặt với cảnh phong tỏa nghiêm ngặt như Thượng Hải.

“Bắc Kinh đã trải qua nhiều dịch bệnh nhưng tôi chưa bao giờ thấy tình trạng như vậy. Có vẻ như sự thất bại trong việc cung cấp (nhu yếu phẩm) và ngăn chặn dịch bệnh sớm của Thượng Hải đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của người dân", một người dân quận Triều Dương (Bắc Kinh) chia sẻ trên Weibo.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất làm tăng khả năng thủ đô Bắc Kinh trở thành siêu đô thị tiếp theo của Trung Quốc tạm dừng hoạt động để ngăn chặn biến chủng Omicron.

Cảnh trong 1 siêu thị ở Bắc Kinh ngày 24/4. (Ảnh: Getty Images)

Đổ xô tích trữ

Trong những ngày qua, Bắc Kinh liên tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới. Thành phố đã áp dụng phong tỏa từng phần tại một số khu vực và siết chặt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ.

Giới chức ở Bắc Kinh đã yêu cầu 3,5 triệu cư dân và lao động tại quận Triều Dương xét nghiệm Covid 3 lần/ngày, sau khi khu vực này ghi nhận 26 trên tổng số 47 ca nhiễm có triệu chứng ở Bắc Kinh kể từ ngày 22/4.

Lệnh xét nghiệm hàng loạt này được xem là dấu hiệu cho chiến dịch phong tỏa nghiêm ngặt, tương tự như những gì đã xảy ra ở Thượng Hải, theo New York Times.

Người dân Bắc Kinh đổ đến siêu thị mua đồ tích trữ sau lệnh xét nghiệm Covid của thành phố. (Ảnh: Getty Images)
Người dân Bắc Kinh đổ đến siêu thị mua đồ tích trữ sau lệnh xét nghiệm Covid của thành phố. (Ảnh: Getty Images)

Do đó, nhiều người dân Bắc Kinh đã đổ xô đến siêu thị để tích trữ thực phẩm. Tại trung tâm mua sắm Shin Kong Place, người dân xếp hàng dài để mua nhu yếu phẩm.

Zhao, 31 tuổi, đã mua nhiều thực phẩm bao gồm trứng và các loại rau tươi sau khi nghe lệnh xét nghiệm hàng loạt. Anh muốn đảm bảo con mình sẽ đủ ăn nếu khu nhà bị phong tỏa.

"Người lớn có thể sống sót trong vài ngày, nhưng trẻ em thì không", Zhao nói với AFP.

Cư dân Bắc Kinh xếp hàng tại các siêu thị để mua thực phẩm dự trữ. Các chuỗi siêu thị như Carrefour và Wumart cho biết họ đã tăng gấp đôi hàng tồn kho và nới giờ mở cửa vào ngày 24/4.

Cảnh xét nghiệm và vội vàng mua hàng tích trữ ở Bắc Kinh ngày 24/4. (Ảnh: Getty Images)
Cảnh xét nghiệm và vội vàng mua hàng tích trữ ở Bắc Kinh ngày 24/4. (Ảnh: Getty Images)

Xếp hàng đợi xét nghiệm Covid-19

Trong khi đó, vào 20h ngày 23/4, vài chục người vẫn xếp hàng chờ xét nghiệm PCR tại một điểm xét nghiệm tập trung trên đường phố Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhân viên y tế thông báo rằng họ sẽ đóng cửa.

Điều này khiến những người phải chờ đợi từ lâu trở nên tức giận. Nhiều người thậm chí đã hét vào mặt nhân viên y tế, một số đập phá, cố gắng mở cửa và tranh cãi với nhân viên.

Việc xét nghiệm trong đêm không phải là yêu cầu của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu không có kết quả xét nghiệm mới, người dân không được phép đi tàu hoặc máy bay đến một thành phố khác, trước khi bất kỳ đợt phong tỏa nào có thể xảy ra.

Bắc Kinh báo động vì Covid-19

Giới chức lãnh đạo Bắc Kinh đã nhóm họp hôm 22/4 để bàn nỗ lực khống chế dịch bệnh. Theo truyền thông địa phương, tình hình đang "khẩn cấp" và Bắc Kinh cần phải hành động nhanh chóng, xử lý các ca nhiễm đã được phát hiện để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhiều thành phố của Trung Quốc đang đối phó đợt bùng phát Covid-19 mới trong vài tháng qua. Tại trung tâm tài chính Thượng Hải, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã được thực thi từ cách đây 4 tuần.

“Người dân Thượng Hải chúng tôi cảm thấy có nhiều biện pháp bắt buộc vô lý, khó hiểu và thậm chí tàn nhẫn”, Ji Xiaolong, một cư dân thành phố, cho biết.

“Khi bắt đầu phong tỏa, 80% người dân đã chấp thuận yêu cầu và các chính sách của chính phủ. Bây giờ, tôi ước tính rằng chưa đến 20% còn ủng hộ việc phong tỏa”, ông Ji nói.

Trong bản đệ trình lên chính phủ được lan truyền trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, giáo sư Tang Xiaotian, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cảnh báo các quan chức nên tránh những biện pháp có thể bị coi là bất hợp pháp để giam giữ người dân.

Trong khi đó, giáo sư Liu Xiaobing, Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cuộc phong tỏa ở Thượng Hải đã “làm tổn hại đến uy tín của chính phủ”.

“Những người thực thi chính sách chỉ lo lắng về những rắc rối mà họ có thể tự mang lại nếu nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Họ không bao giờ lo lắng việc bị yêu cầu chịu trách nhiệm với những hậu quả do lệnh hạn chế dai dẳng gây ra", ông Liu viết.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Người dân Bắc Kinh đổ xô tích trữ thực phẩm trước nguy cơ phong tỏa